Sàn UpCoM đang hội tụ nhiều mã cổ phiếu có lực tăng rất mạnh, đem lại hiệu quả đầu tư tốt. Tuy nhiên, với tính minh bạch không cao, UpCoM là nơi "vàng thau, lẫn lộn", nên nhà đầu tư cần cẩn trọng khi mua cổ phiếu.
Nhiều cổ phiếu trên sàn UPCoM đã để lại dấu ấn với mức tăng phi mã từ đầu năm đến nay. Ảnh Trọng Hiếu
Từ đầu năm đến nay, một loạt các cổ phiếu trên sàn UPCoM đã để lại dấu ấn với mức tăng phi mã. Ấn tượng nhất có thể kể đến các cổ phiếu thuộc nhóm công nghệ thông tin-viễn thông, điển hình là VGI của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global).
Kết thúc phiên ngày 25/6, cổ phiếu này dừng tại mức 104.800 đồng/CP. So với thời điểm đầu năm 2024, thị giá VGI đã tăng hơn 4 lần. Việc giá cổ phiếu tăng mạnh đã kéo P/E 4 quý gần đây của cổ phiếu này lên mức 229,3 lần (theo số liệu của VNDirect).
Đà tăng này đưa vốn hóa thị trường Viettel Global lên mức 318.991 tỷ đồng, vượt qua hàng loạt "tên tuổi" lớn trên sàn HOSE như Vingroup (157.534 tỷ đồng), Vinhomes (164.595 tỷ đồng), Hòa Phát (183.572 tỷ đồng), Vinamilk (136.892 tỷ đồng),…
Theo xu thế cổ phiếu công nghệ trên thế giới, không chỉ VGI, mà nhiều cổ phiếu cùng lĩnh vực trên sàn UpCoM cũng ghi nhận mức tăng giá tốt lên đến hàng trăm phần trăm như VTK tăng 161%, MFS tăng 128%, TTN tăng 197%, FOX tăng 110%…
Trên sàn UpCoM còn phải kể đến cổ phiếu MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, mã: MVN) khi tăng 176%, qua đó leo lên mức 55.000 đồng/CP. Vốn hóa thị trường của VIMC hiện đạt hơn 66.000 tỷ đồng.
Một cái tên nữa là MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer). Từ đầu năm đến nay, thị giá MCH đã tăng tới 146% lên gần 220.000 đồng/CP. Giá trị vốn hoá tăng vọt lên hơn 157.000 tỷ đồng-vượt qua CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) để trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trong ngành thực phẩm đồ uống trên sàn chứng khoán Việt.
Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI Research dự báo MCH sẽ tăng lên hơn 235.000 đồng/CP nhờ việc chuyển niêm yết sang HOSE trong thời gian tới có thể giúp thanh khoản của cổ phiếu cải thiện và thông tin trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2023 là 16.000 tỷ đồng, tương đương 23.500 đồng/CP (tỷ suất cổ tức 12,3%).
Trong nhóm vốn hóa lớn, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng tăng gần 100%, lên hơn 136.000 đồng/CP. Hiện, giá trị vốn hoá của "đại gia" sân bay này lên đến khoảng 274.513 tỷ đồng. Hay như BSR của Lọc hóa Dầu Bình Sơn đang ở vùng giá cao khi đạt 23.000 đồng/CP, vốn hóa thị trường ở mức 70.381 tỷ đồng.
Ngoài ra, khá nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ trên sàn UPCoM đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh gần đây. Có thể kể đến như mã chứng khoán HFX (+531%), CDH (+482%), SAC (+204%), VEF(+77%), BCA của CTCP B.C.H tăng 173%; TMW của CTCP Tổng hợp Gỗ Tân Mai tăng 66%, ALV (+112%),…
Đãi cát tìm vàng
Sàn UpCoM là cụm từ viết tắt của Unlisted Public Company Market đây là nơi giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp, công ty chưa được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Sàn này ra đời vào ngày 1/1/2009, lúc mới đầu chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên sau nhiều năm hoạt động, đến cuối năm 2023, thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã có 863 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, với tổng khối lượng đăng ký giao dịch đạt hơn 43,9 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 439.500 tỷ đồng-con số này gấp nhiều lần so với HNX (159.543 tỷ đồng).
Hàng hóa trên UPCoM cũng phong phú, đa dạng, góp phần thúc đẩy giao dịch trên UPCoM thêm phần sôi động. Dù có biên độ tăng lớn (15%, cao hơn so với HoSE – 7% và HNX – 10%), song mức độ minh bạch và tính công khai chất lượng doanh nghiệp trên sàn UpCoM chưa bằng sàn giao dịch HNX và HOSE.
Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, điều này dẫn đến rủi ro đầu cơ và nhà đầu tư có thể lỗ lớn chỉ trong một phiên. Mặt khác, nhiều cổ phiếu tăng điểm mạnh, song thanh khoản lại ở mức rất thấp.
Có thể lấy ví dụ ở mã tăng mạnh nhất sàn UpCoM tính từ đầu năm đến phiên 25/6 là HFX của CTCP Sản xuất – Xuất nhập khẩu Thanh Hà (+531,58%) thì đang chỉ được giao dịch trong các phiên thứ Sáu hàng tuần do nằm trong diện cảnh báo bởi tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ trong 3 năm liên tiếp trở lên; và hạn chế giao dịch do vốn chủ sở hữu âm 253,8 tỷ đồng (theo BCTC kiểm toán năm 2023).
Hay như "á quân" CDH của CTCP Công trình công cộng Dịch vụ Du lịch Hải Phòng tăng 482%, song khối lượng giao dịch trung bình trong 2 tuần trở lại đây chỉ vỏn vẹn 100 cổ phiếu/phiên. Mức thanh khoản như vậy khó có thể hấp dẫn nhà đầu tư. Bởi các nhà đầu tư/đầu cơ trên thị trường chứng khoán thường ưu tiên tính dễ mua/dễ bán của cổ phiếu lên hàng đầu.
Mặt khác, thị trường UpCoM về bản chất là nơi tập hợp những công ty chưa đủ tiêu chuẩn niêm yết, và thậm chí cả những đơn vị bị hủy niêm yết, nhưng chưa mất tư cách công ty đại chúng. Điều này đồng nghĩa đây không phải thị trường dành cho "tay mơ". Nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi xuống tiền mua cổ phiếu.
"Tôi nghĩ nhà đầu tư cần ưu tiên chọn những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, đặc biệt là các đơn vị có câu chuyện riêng như lên kế hoạch chuyển sàn hoặc thoái vốn nhà nước. Ngoài ra cần xem xét diễn biến giao dịch và chú ý những điểm bất thường nếu có như thanh khoản tăng đột biến kèm giá tăng/giảm mạnh", ông Minh khuyến nghị.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá nhà đầu tư cần có thêm kỹ năng "đọc" báo cáo tài chính (lưu ý đến các ý kiến ngoại trừ/vấn đề cần nhấn mạnh của kiểm toán…); các báo cáo quản trị; đồng thời thực hiện các so sánh chỉ số như P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu), P/B (giá/giá trị sổ sách) hay EV/EBITDA (chỉ số định giá cổ phiếu)… với các cổ phiếu đầu ngành và nhóm ngành nói chung.
Chia sẻ thêm với Nhadautu.vn, một nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán cho biết sàn UpCoM có mức hấp dẫn nhất định với những người ưa mạo hiểm, hoặc vốn đầu tư chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Dù vậy, với biên độ tăng cao, đi cùng với tỷ suất sinh lợi hấp dẫn là rủi ro thua lỗ, thậm chí "chết vốn" khi không thể bán ra cổ phiếu.