Loạt thiếu gia, ái nữ nhà các tỷ phú đình đám tại Việt Nam bắt đầu lộ diện tại công ty gia đình. Người nắm trong tay hàng chục triệu cổ phiếu, người trở thành lãnh đạo công ty khi tuổi còn rất trẻ.
Đặng Nguyễn Nam Anh - con trai Chủ tịch Đặng Thành Tâm
Mới đây, Nghị quyết số 1811/2024/KBC/NQ-HĐQT của HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc CTCP (MCK: KBC, sàn HoSE) đã thông qua việc thành lập Văn phòng đại diện Kinh Bắc tại Hà Nội với tên gọi: Văn phòng đại diện Thành công vững bền Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP tại TP.Hà Nội (tầng 4, số 40 Phan Bội Châu, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội).
Ảnh minh họa
HĐQT Kinh Bắc cũng thống nhất việc bổ nhiệm ông Đặng Nguyễn Nam Anh là người đứng đầu văn phòng đại diện doanh nghiệp tại Hà Nội. Thời gian bổ nhiệm từ thời điểm ban hành Nghị quyết này cho đến khi có thông báo thay đổi của Tổng Công ty.
Theo Báo cáo quản trị bán niên 2024 của Kinh Bắc, ông Đặng Nguyễn Nam Anh là con trai ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT công ty.
Trước đó, ông Nam Anh từng xuất hiện trước truyền thông tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hưng Yên với tổ hợp các nhà đầu tư được Trump Organization lựa chọn gồm Tập đoàn Phát triển Hưng Yên, IDG và Horitus - hai quỹ đầu tư của Hoa Kỳ để xây dựng tổ bất động sản với quy mô 1,5 tỷ USD ở Hưng Yên.
Ngoài ra, một người con khác của Chủ tịch Đặng Thành Tâm cũng đang giữ chức vụ quan trọng tại Kinh Bắc là bà Đặng Nguyễn Quỳnh Anh. Bà Quỳnh Anh hiện đang là Thành viên HĐQT Kinh Bắc và sở hữu hơn 13,33 triệu cổ phiếu KBC, tương ứng 1,737% vốn Kinh Bắc (tính đến ngày 30/6/2024).
Cũng theo Báo cáo quản trị bán niên 2024 của Kinh Bắc, tính đến ngày 30/6/2024, Chủ tịch Đặng Thành Tâm nắm giữ gần 138,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 18,06% vốn Kinh Bắc. Còn ông Nam Anh không sở hữu cổ phần nào tại Kinh Bắc.
Nguyễn Yến Linh - ái nữ nhà Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang
Bà Nguyễn Yến Linh là con gái của ông Nguyễn Đăng Quang- Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MCK: MSN, sàn HoSE) và bà Đặng Hoàng Yến- Thành viên HĐQT Masan.
Mới đây, ái nữ nhà Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang vừa có báo cáo mua vào thành công gần 8,5 triệu cổ phiếu MSN trên tổng số 10 triệu cổ phiếu đã đăng ký; qua đó nâng sở hữu lên 0,56% vốn điều lệ Masan và 0,59% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Masan.
Thời gian thực hiện từ ngày 29/10/2024 đến 18/11/2024, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Nguyên nhân không mua vào được 10 triệu cổ phiếu MSN như đăng ký là do không đạt được thỏa thuận.
Ảnh minh họa
Tạm tính giá cổ phiếu MSN theo đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/10/2024 là 78.000 đồng/cổ phiếu, ước tính bà Yến Linh đã chi ra khoảng hơn 662,75 tỷ đồng để mua vào khối lượng cổ phiếu nêu trên.
Tại báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của bà Yến Linh, hiện Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang chỉ trực tiếp nắm giữ 18 cổ phiếu MSN, còn bà Đặng Hoàng Yến đang sở hữu gần 50,9 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 3,36% vốn điều lệ và 3,54% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết tại Masan.
Sau giao dịch mua vào cổ phiếu MSN, tổng số lượng cổ phiếu của bà Yến Linh và người nội bộ có liên quan gần 59,4 triệu cổ phiếu, tương đương sở hữu 4,13% vốn tại Masan.
Đáng chú ý, con gái Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang mua vào cổ phiếu MSN trong bối cảnh SK Group - một tập đoàn của Hàn Quốc không còn là cổ đông lớn nắm giữ từ 5% trở lên cổ phiếu tại Masan.
Cụ thể, ngày 31/10/2024, SK Group đã chuyển nhượng thành công gần 76,4 triệu cổ phiếu MSN, qua đó giảm sở hữu về còn gần 55,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,67% vốn điều lệvà 3,86% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Như vậy, với tỷ lệ sở hữu mới này, chaebol đình đám tại Hàn Quốc không còn là cổ đông lớn tại Masan Group.
Phía Masan cũng cho biết, giao dịch này được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư tổ chức lớn với tầm nhìn đầu tư dài hạn có trụ sở tại châu Á, châu Âu và Mỹ.
Số cổ phiếu còn lại của SK Group tại Masan sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo thông lệ. Điều này giúp tạo sự ổn định cho cơ cấu cổ đông của Masan Group trong khi công ty tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng và thực thi các phát kiến chiến lược.
Phạm Nhật Minh Hoàng - con trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Ông Phạm Nhật Minh Hoàng (SN 2000) được biết đến là con trai thứ hai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup - CTCP.
Thiếu gia thứ hai nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu lộ diện khi được bầu giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ FGF vào tháng 8/2024.
Được biết, FGF được thành lập ngày 2/7/2024 có vốn điều lệ 200 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập bao gồm ông Phạm Nhật Vượng góp vốn 180 tỷ đồng, tương đương 90% vốn điều lệ; ông Phạm Khắc Phương góp 19,8 tỷ đồng, tương đương 9,9% vốn; ông Nguyễn Đức Minh (Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của công ty khi mới thành lập) góp vốn 200 triệu đồng. tương đương 0,1% vốn.
Ảnh minh họa
Công ty FGF có ngành, nghề kinh doanh chính là cho thuê xe có động cơ như xe ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (xe không có người lái). Trụ sở chính tại Toà nhà văn phòng Symphony, đường Chu Huy Mân, Khu đô thị Vinhomes Riverside, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.
Ngoài ra, ông Phạm Nhật Minh Hoàng còn được biết đến là cổ đông sáng lập tại Quỹ đầu tư công nghệ VinVentures do Tập đoàn Vingroup thành lập.
Theo đó, Quỹ đầu tư công nghệ VinVentures có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Quỹ Đầu tư Mạo hiểm VinVentures được thành lập ngày 10/10/2024 và được Vingroup công bố ra mắt ngày 28/10/2024 vừa qua.
Tại thời điểm thành lập, quỹ có vốn điều lệ 100 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Vingroup góp vốn 10 tỷ đồng, tương đương sở hữu 10% vốn; ông Phạm Nhật Vượng góp vốn 85 tỷ đồng, tương đương sở hữu 85% vốn; ông Phạm Nhật Minh Hoàng góp 5 tỷ đồng, tương đương sở hữu 5% vốn tại Quỹ đầu tư công nghệ VinVentures. Ngoài ra, quỹ không ghi nhận cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
Ngành, nghề kinh doanh chính của quỹ là hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu, chi tiết gồm tư vấn, đầu tư, ươm tạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ (AI), chip bán dẫn, xử lý điện toán và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo thông tin trên website của Tập đoàn Vingroup, tổng tài sản mà Quỹ đang quản lý là 150 triệu USD (tương đương gần 3.812,5 tỷ đồng), trong đó 100 triệu USD (tương đương 2.541,66 tỷ đồng)là danh mục đã đầu tư kế thừa từ Vingroup và 50 triệu USD (tương đương 1.270,83 tỷ đồng) dự kiến giải ngân trong 3 - 5 năm tới.
Tại thời điểm ngày 11/10/2024, bà Lê Hàn Tuệ Lâm (SN 1994) đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Quỹ đầu tư công nghệ VinVentures.
Ngoài ra, ông Phạm Nhật Minh Hoàng dự kiến chi 50 tỷ đồng góp vốn thành lập công ty nghiên cứu và phát triển người máy, công ty con do HĐQT Tập đoàn Vingroup thông qua góp vốn thành lập.
Tên công ty dự kiến là Công ty Cổ phần Nghiên cứu Phát triển và Ứng dụng Người máy Vinrobotics, địa chỉ trụ sở chính được đặt tại Tòa nhà văn phòng Symphony, đường Chu Huy Mân, Khu đô thị Vinhomes Riverside, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.
Công ty Vinrobotics có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, Tập đoàn Vingroup góp vốn 510 tỷ đồng, tương đương sở hữu 51% vốn điều lệ tại công ty. Theo thông tin trên website của Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng- Chủ tịch Vingroup cũng tham gia góp 39% vốn điều lệ của Công ty Vinrobotics, hai con trai ông Vượng là Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng mỗi người góp 5% vốn. Vị trí Tổng Giám đốc Công ty VinRobotics do ông Ngô Quốc Hưng đảm nhiệm.