Chính sách giảm lệ phí trước bạ 50% đối với ô tô sản xuất trong nước của Chính phủ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận quý III/2024 của nhiều doanh nghiệp ngành ô tô.
Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước của Chính phủ từ ngày 1/9 - 30/11/2024 đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán ô tô của nhiều doanh nghiệp - Ảnh minh họa.
Tác động tích cực từ chính sách
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 124.983 ô tô nguyên chiếc, với trị giá gần 2,57 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng xe nhập khẩu đã tăng 32,7% và trị giá tăng 16%. Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã nhập khẩu 18.405 xe ô tô, đánh dấu mức tăng 22,2% về số lượng và 26,4% về giá trị so với tháng trước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất xe có động cơ tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 9/2024, chỉ số sản xuất xe có động cơ ước tính tăng 2,7% so với tháng 8/2024 và tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong giai đoạn này, Việt Nam sản xuất được 241,4 nghìn xe ô tô, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tháng 9 sản xuất được 34,3 nghìn xe ô tô, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà Sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vừa công bố doanh số bán hàng toàn thị trường của các đơn vị thành viên trong tháng 10/2024 đạt 38.761 xe, tăng khoảng 6% so với tháng và tăng tới 53% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo dự báo của giới chuyên gia, thị trường ô tô tháng 11 sẽ tiếp tục tăng trưởng bởi đây là tháng cuối cùng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, theo Nghị định 109/2024/NĐ-CP. Bên cạnh đó, nhu cầu mua xe trong những tháng cuối năm thường có xu hướng tăng cao hơn. Một yếu tố khác là lãi vay tiêu dùng đã ổn định hơn, cũng góp phần giúp thị trường ô tô cuối năm thêm phần sôi động.
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh
Trong bối cảnh chung đó, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành ô tô đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán cũng cho thấy có nhiều khởi sắc. Cụ thể, tại Công ty CP Ô tô Hàng Xanh (HoSE: HAX), trong quý III/2024 ghi nhận doanh thu tăng trưởng 38% so với cùng kỳ, lên gần 1.536 tỷ đồng; Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện từ 6% lên 11%.
Kết quả, HAX ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 90 tỷ đồng, tăng đột biến 1.025% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 11 quý trở lại đây của doanh nghiệp ngành kinh doanh ô tô này.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, kết quả kinh doanh trong kỳ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực là nhờ sự phục hồi kinh tế và chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ thông qua việc giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước kể từ ngày 1/9 đến 30/11/2024 (Nghị định 109/2024/NĐ-CP) đã kích thích nhu cầu sở hữu xe sang của người tiêu dùng tăng mạnh. Bên cạnh đó, hệ thống đại lý kinh doanh xe MG khắp cả nước trực thuộc công ty đã góp phần tăng trưởng nhanh, mạnh doanh số bán xe MG trong kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HAX đạt gần 3.696 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 144 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 27% và 928% so với thực hiện cùng kỳ năm 2023. Qua đó, hoàn thành hơn 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024.
Thị trường ô tô năm 2024 chứng kiến nhiều sự xuất hiện của nhiều mẫu xe mới - Ảnh: Đình Đại.
Tương tự, tại Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (HoSE: SVC) doanh thu thuần ghi nhận tăng trưởng 35% so với cùng kỳ, lên hơn 6.776 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 25,4 tỷ đồng, tăng hơn 195% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, lợi nhuận hợp nhất sau thuế quý III tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do tình hình kinh doanh của thị trường xe ô tô trong quý II/2024 tốt hơn so với quý III/2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, SCV mang về hơn 16.200 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt hơn 120 tỷ đồng, tăng gần 264% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 96% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Tại Công ty CP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HoSE: HTL), mặc dù doanh thu thuần giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 135 tỷ đồng. Nhưng lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng 135% so với cùng kỳ, lên hơn 6,3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết, tuy doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng nhờ vào việc tối ưu hóa lợi nhuận trên mỗi chiếc xe bán ra, đồng thời, doanh thu từ công ty con tăng trưởng gấp đôi nên lợi nhuận hợp nhất vẫn tăng trưởng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của HTL đạt hơn 341 tỷ đồng, cũng giảm gần 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt gần 19,6 tỷ đồng, tăng gần 118% so với cùng kỳ năm 2023.
Một doanh nghiệp khác là Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (UpCOM: VEA) cũng ghi nhận doanh thu thuần tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 1.666 tỷ đồng, tăng nhẹ 8% so với mức thực hiện cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng chính của VEA đến từ khoản lãi lớn từ các công ty liên doanh, liên kết với 1.500 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ, lên mức 2.971 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.924 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Không được may mắn như các doanh nghiệp trên, Công ty CP City Auto (HoSE: CTF), mặc dù doanh thu tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 2.077 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh đến 90% so với cùng kỳ năm 2023, xuống chỉ còn 2,5 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân là do ảnh hưởng suy thoái chung toàn cầu, chính sách hỗ trợ của Chính phủ về việc giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước áp dụng kể từ ngày 1/9/2024 đến ngày 30/11/2024 theo Nghị định 109/2024/ND-CP chưa tác động lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của CTF đạt hơn 5.400 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 70% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn gần 12 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp chỉ mới hoàn thành 67% kế hoạch doanh thu và gần 15% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Ô tô TMT (HoSE: TMT) còn ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm hơn khi doanh thu thuần trong quý III/2024 sụt giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ gần 93 tỷ đồng, đánh dấu quý kinh doanh thua lỗ thứ hai liên tiếp của doanh nghiệp này.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, TMT ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn 15% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 1.675 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ghi nhận lỗ gần 192 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp còn cách khá xa kế hoạch lãi sau thuế hơn 38,5 tỷ đồng của năm 2024.
Theo giải trình từ doanh nghiệp, nguyên nhân thua lỗ có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là năm 2024 là năm khó khăn chung đối với nền kinh tế, bất động sản đóng băng, nguy cơ về lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, thay đổi công nghệ khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu.
Còn nguyên nhân chủ quan là do chi phí tài chính quá cao trong nhiều năm qua vì hàng hóa tồn kho lớn, thực tế đã phát sinh thêm nhiều chi phí trong sản xuất kinh doanh. Do đó, công ty đã mạnh tay cho bán hàng để cắt lỗ chuẩn bị cho chu kỳ hoạt động kinh doanh mới, đồng thời triển khai tái cấu trúc lại toàn bộ doanh nghiệp bao gồm: Tái cấu trúc sản phẩm, tái cấu trúc lại nhà cung cấp, và tái cấu trúc lại toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh để áp dụng quản trị doanh nghiệp bằng phần mềm Bravo.