Bước vào mùa cao điểm du lịch, cổ phiếu của nhiều công ty trong ngành đã bắt đầu “thăng hoa” trên thị trường chứng khoán. Cùng với đó, nhiều công ty cũng ghi nhận mức lợi nhuận vô cùng ấn tượng trong quý I/2024.
Trong văn bản gửi Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) giải trình về việc cổ phiếu NVT tăng trần 5 phiên liên tiếp, CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay cho biết: “Giá cổ phiếu tăng là do diễn biến khách quan và cung cầu của thị trường. Hiện tại các hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường”.
Trước đó, ngày 21/6, HoSE đã có văn bản yêu cầu Ninh Vân Bay giải trình về việc cổ phiếu có 5 phiên tăng trần liên tiếp trong thời gian từ ngày 17 - 21/6/2024. Cổ phiếu NVT đã tăng trần liên tục từ mức 7.970 đồng lên 11.100 đồng/cổ phiếu, tức tăng hơn 39%.
Thậm chí, sau thông báo của HoSE, cổ phiếu NVT tiếp tục tăng trần phiên thứ 6 liên tiếp, lên mức 11.850 đồng/cổ phiếu trong ngày 24/6. Đáng nói, trong tuần NVT tăng trần, thị trường chứng khoán khá trầm lắng, chỉ số VN-Index giằng co mạnh dưới ngưỡng 1.290 điểm.
Cổ phiếu
Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu NVT tăng 21,59%. Đà tăng của cổ phiếu NVT diễn ra trong bối cảnh du lịch trong nước tăng trưởng trở lại, đặc biệt là du lịch tỉnh Khánh Hòa, nơi đặt khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Vân Bay – “con gà đẻ trứng vàng” của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, trong 5 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế và nội địa ước đạt khoảng hơn 60 triệu lượt khách với tổng thu ước đạt 352,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lượng khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với thời điểm trước dịch.
Tính riêng tại Khánh Hòa, trong 6 tháng đầu năm 2024, ước lượng gần 5,2 triệu lượt khách lưu trú tại Khánh Hòa, tăng 88% so với cùng kỳ. Đáng nói, khách quốc tế ước đạt gần 2,4 triệu lượt khách, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch của tỉnh ước đạt hơn 26.072 tỷ đồng, tăng 97% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Không riêng NVT, cổ phiếu của nhiều công ty liên quan đến du lịch như hàng không, nghỉ dưỡng cũng đang phất lên nhờ sự phục hồi của ngành du lịch trong nước.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia phân tích của VinaCapital chỉ ra, sự phục hồi của lượng khác du lịch quốc tế khi Việt Nam mở cửa trở lại sau dịch và Việt Nam nới lỏng các yêu cầu về thị thực du lịch vào năm ngoái, giúp tăng doanh thu của các công ty liên quan đến du lịch trong năm nay. Doanh thu tăng cũng tạo nên kỳ vọng tác động đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
Du lịch tăng trưởng trở lại, thúc đẩy doanh thu của các doanh nghiệp liên quan.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các công ty hàng không đang “vào đà” sớm hơn.
Chỉ trong vòng 3 tháng qua, giá cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã tăng tới 156,72%. Cùng xu hướng, giá cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng đã tăng 52,2% trong 3 tháng và từng chạm mốc 135.600 đồng/cổ phiếu – mốc cao nhất trong hơn 11 tháng qua vào ngày 13/6.
Tương tự, cổ phiếu SAS của Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất đã tăng một mạch hơn 54% trong vòng 1 quý và ghi nhận mức giá đóng cửa cao nhất là 45.800 đồng vào ngày 24/6.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu này phản ánh rõ tâm lý lạc quan của thị trường về triển vọng của ngành hàng không năm nay. Các doanh nghiệp trong ngành đang được hỗ trợ bởi nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa tiếp tục hồi phục, lượng khách quốc tế duy trì đà hồi phục và xu hướng di chuyển bằng đường hàng không tăng cao.
Cùng với đó, quy định tăng trần vé máy bay nội địa từ ngày 1/3 theo Thông tư số 34 cũng đã tạo điều kiện cho các hãng hàng không bù đắp các chi phí đầu vào, đặc biệt là giá nhiên liệu.
Giá cổ phiếu tăng “đồng pha” với lợi nhuận của các công ty này. Theo kết quả báo cáo kinh doanh quý I/2024, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam ghi nhận mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 4.528 tỷ đồng – mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.
Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam trong quý I/2024 đạt lần lượt 5.643 tỷ đồng (tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và 3.628 tỷ đồng (tăng 78,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Đây cũng là khoản lãi kỷ lục của công ty hàng không này.
Cổ phiếu hàng không liên tục tạo đỉnh trong thời gian qua.
Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên gần 46 tỷ đồng trong quý I/2024.
Theo dự báo của SSI Research, lợi nhuận năm nay của các công ty trong ngành hàng không sẽ được cải thiện và quay trở lại mức trước dịch. Nhiều công ty như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam,... cũng đã tự tin đặt mục tiêu cao kinh doanh năm 2024 cao.
Đơn cử như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đề ra mục tiêu doanh thu công ty mẹ đạt 80.984 tỷ đồng và doanh thu hợp nhất đạt 105.946 tỷ đồng. Đây đều là các mức cao nhất từ trước đến nay của Vietnam Airlines.
Bước vào cao điểm hè, các công ty chuyên cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch,…cũng đã bắt đầu “đón sóng”.
Cổ phiếu VNG của CTCP Du lịch Thành Thành Công đã tăng gần 10% trong 1 tháng qua. Cổ phiếu DSN của CTCP Công viên nước Đầm Sen tăng 3,23%, cổ phiếu VTR của Vietravel tăng 3,31%, cổ phiếu HOT của CTCP Du lịch Dịch vụ Hội An tăng 12,8%,… trong vòng một tháng qua.
Các chuyên gia của Mirae Asset nhận định, nhìn về dài hạn, nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu phục hồi, vé máy bay hạ nhiệt cùng với chủ trương của Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch trong nước, tạo lợi nhuận cho các công ty liên quan đến du lịch, lữ hành, khách sạn,…