Một vấn đề nhận được sự quan tâm trên thị trường là vấn nạn tin giả, tin sai sự thật, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, chỉ số VN-Index tăng hơn 11 điểm. Dòng tiền mua vào đạt hơn 12.000 tỷ đồng, áp đảo so với chỉ gần 2.000 tỷ đồng bán ra giúp thị trường đóng cửa ở mức 1216,54 điểm, tăng gần 1% so với tham chiếu.
Lực cầu xuất hiện ở hầu hết các nhóm ngành giúp sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện, nhiều nhóm tăng mạnh như bất động sản, tiêu dùng hay bán lẻ. Điểm trừ là khối ngoại vẫn bán ròng với giá trị hơn 1.200 tỷ đồng, với hai mã bị bán nhiều nhất là VHM và FPT. Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua vào những mã như CTG hay MWG.
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm trên thị trường thời gian qua là vấn nạn tin giả, tin sai sự thật, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trước những thông tin chưa được kiểm chứng, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ được sự tỉnh táo, bình tĩnh xem xét và không vội bán tháo cổ phiếu theo đám đông để bảo vệ tài sản của mình.
Tháng 10 vừa qua, trên các trang mạng xã hội lan truyền thông tin "Phản ánh khẩn cấp về nguy cơ sụp đổ hệ thống của một ngân hàng". Dù ngân hàng này sau đó đã phát ra thông cáo khẳng định thông tin này là giả, nhưng mã chứng khoán của ngân hàng vẫn bị bán tháo gần 2.000 tỷ đồng và mất hơn 20% thị giá vốn. Một câu chuyện khác là một doanh nghiệp vừa bị phát tán thông tin đang bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước điều tra giao dịch, khiến cổ phiếu mất hơn 1.000 tỷ đồng vốn hóa chỉ trong một phiên giao dịch. Dù bị điều tra, doanh nghiệp đã khẳng định mình không vướng sai phạm nào. Nhìn lại quá khứ, không ít lần các doanh nghiệp niêm yết đã "lao đao" vì dính tin đồn.
Hậu quả của tin giả, tin sai sự thật là khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng và cần phải bị xử lý nghiêm
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, CTCP Chứng khoán VPS nhận định: "Trên thị trường tài chính, 75% là tâm lý, 25% còn lại là yếu tố tài chính. Để nói rằng tâm lý, hành vi nhà đầu tư là hết sức quan trọng. Vẫn có thông tin đồn nhưng nó thực sự tác động đến kế hoạch đầu tư của chúng ta không, nó có ảnh hưởng đến những cổ phiếu chúng ta đang nắm giữ hay không".
Bình tĩnh, sáng suốt không chỉ giúp nhà đầu tư tránh thiệt hại về tài sản, mà còn mở ra cơ hội đầu tư.
Ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc kinh doanh số, CTCP Chứng khoán VPBank nêu ý kiến: "Hiện nay, Chính phủ yêu cầu các tài khoản trên mạng xã hội phải xác thực lại. Điều đó giúp cho chúng ta minh bạch thị trường giảm bớt tin đồn, tin giả. Thứ hai, nếu chúng ta cầm một cổ phiếu tốt, một cổ phiếu tốt có thể trải qua tin đồn, tin giả với mức định giá thấp thì đây là cơ hội tuyệt vời để nhà đầu tư có thể mua vào cổ phiếu tốt để có sức tăng trưởng tốt hơn trong tương lai".
Theo đại diện Bộ Công an, hậu quả của tin giả, tin sai sự thật là khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng và cần phải bị xử lý nghiêm.
Ông Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: "Hiện nay, theo Nghị định 15 của Chính phủ quy định khung từ 5 - 10 triệu. Thời gian vừa qua, cơ bản các cơ quan chức năng xử lý ở khung 7,5 triệu đồng, chưa đủ sức răn đe. Chúng ta phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trên không gian mạng".
Một số thông tin mới nhất đáng chú ý trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu RDP của CTCP Rạng Đông Holdings vừa bị Hose chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch. Lý do là bởi RDP tiếp tục quá hạn nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024. Từ đầu năm đến nay, RDP đã mất gần 82% thị giá, từ mức 9.300 đồng/cổ phiếu xuống còn 1.500 đồng/cổ phiếu.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng vừa xử phạt CTCP Chứng khoán Everest, mã cổ phiếu EVS 60 triệu đồng do chậm công bố thông tin về việc hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn. Quý III, EVS báo lỗ ròng 28 tỷ đồng và cổ phiếu này cũng "trượt dài" với việc mất đến hơn 40% thị giá kể từ đầu năm.