Khách mua sắm tại hệ thống siêu thị của WinCommerce
Masan Consumer (Mã chứng khoán: MCH) đã khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành tiêu dùng nhanh khi năm 2024 trở thành cột mốc đột phá với mức cổ tức tiền mặt gần 1 tỷ USD và giá cổ phiếu từ 75.000 đồng đầu năm vươn lên sát 260.000 đồng cuối năm. Đồng thời, doanh nghiệp dự kiến sẽ ra mắt IPO vào năm 2025, mở ra một chương mới cho những cổ đông tin tưởng vào sự tăng trưởng bền vững của MCH.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2024, Masan Consumer ghi nhận doanh thu quý 4 vượt 8.900 tỷ đồng và lãi ròng đạt hơn 2.300 tỷ đồng. Cả năm, doanh thu của doanh nghiệp gần đạt 30.900 tỷ đồng, với lợi nhuận ròng khoảng 7.800 tỷ đồng, nhờ vào chiến lược cao cấp hóa và đổi mới sản phẩm. Đặc biệt, doanh thu quý 4 tăng hơn 5% và cả năm tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước, minh chứng cho hiệu quả của chiến lược định vị sản phẩm chủ lực như gia vị, thực phẩm tiện lợi và đồ uống.
Hiện nay, MCH sở hữu năm thương hiệu tiêu dùng mạnh với doanh thu hàng năm trên 100 triệu USD mỗi thương hiệu – trong đó có những cái tên quen thuộc như CHIN-SU, Nam Ngư, Omachi, Kokomi và Wake-Up 247 – chiếm tới 80% doanh thu nội địa trong suốt 7 năm qua. Với tốc độ tăng trưởng gấp 2,2 lần mức chung từ năm 2017 đến 2023, hơn 98% hộ gia đình Việt Nam đã sở hữu ít nhất một sản phẩm của Masan Consumer.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, doanh nghiệp luôn đặt công tác R&D làm trọng tâm. Thông qua Trung tâm Phát triển Sản phẩm và Nghiên cứu Người tiêu dùng (Consumer Innovation Center), MCH thường xuyên lắng nghe và trao đổi với cộng đồng “Consumers in love” để tìm kiếm ý tưởng và phát triển sản phẩm mới. Kết quả, doanh thu từ các sản phẩm đổi mới năm 2024 đạt 2.142 tỷ đồng, tăng khoảng 87% so với năm 2023.
Không chỉ tập trung vào thị trường nội địa, Masan Consumer còn đẩy mạnh chiến lược “Go Global”. Trong quý 4/2024, doanh thu từ các thị trường quốc tế tăng 30,8% so với cùng kỳ. Hướng tới năm 2025, MCH kỳ vọng đạt mức tăng trưởng doanh thu quốc tế từ 20% trở lên, tập trung vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU với danh mục sản phẩm đa dạng từ gia vị, thực phẩm tiện lợi đến cà phê hòa tan.
Để duy trì đà tăng trưởng, MCH đặt mục tiêu doanh thu hai con số từ 10-15%, tương đương 33.500 - 35.500 tỷ đồng trong năm 2025. Những động lực tăng trưởng này được hỗ trợ bởi việc phát triển chuỗi cung ứng kỹ thuật số “Retail Supreme”, giúp số hóa bán lẻ truyền thống, cải thiện quy trình lập kế hoạch cung cầu, sản xuất và phân phối, từ đó tăng năng suất bán hàng và tối ưu ROI cho hoạt động tiếp thị.
Trong ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi, doanh nghiệp sẽ tiếp tục triển khai chiến lược cao cấp hóa, chuyển đổi từ mì ăn liền truyền thống sang các bữa ăn chế biến sẵn như lẩu tự sôi, cơm tự chín và lẩu cầm tay – đáp ứng xu hướng tiêu dùng ngoài gia đình. Song song đó, MCH cũng đẩy mạnh đổi mới trong ngành đồ uống và lĩnh vực HPC (hàng hóa mỹ phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình) với việc mở rộng danh mục Wake-Up247, ra mắt sản phẩm mới của Tea365 trong phân khúc trà uống liền (RTD) cũng như tái cấu trúc danh mục sản phẩm của Chante và Net nhằm thâm nhập sâu hơn vào thị trường chăm sóc cá nhân.
Năm 2024 được đánh dấu là năm thắng lợi cho cổ đông Masan Consumer không chỉ bởi mức cổ tức “khủng” gần 1 tỷ USD mà còn bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của giá cổ phiếu. Với vốn hóa hiện nay vượt 160.000 tỷ đồng (tính đến ngày 11/2), MCH đã nằm trong danh sách top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, thông tin chuyển từ sàn UpCOM sang niêm yết trên HOSE trong năm nay càng làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, đối với các dòng vốn ngoại đang tìm kiếm cơ hội đầu tư lâu dài vào doanh nghiệp có lịch sử kinh doanh ổn định, tăng trưởng cao và chính sách cổ tức hấp dẫn, cổ phiếu MCH của Masan Consumer hứa hẹn sẽ là một lựa chọn tiềm năng. Việc IPO thành công không chỉ nâng cao định giá cho các cổ phiếu họ Masan như MCH, MSN mà còn mở ra lộ trình phát triển tích cực cho tương lai doanh nghiệp.