Thị trường chứng khoán trong tháng 11 dự kiến còn biến động, tuy nhiên, định giá thị trường đang về mức hấp dẫn hơn khi lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tiếp tục xu hướng hồi phục.
Dòng tiền vẫn ưu ái nhóm vốn hóa lớn
Tháng 10/2024, thị trường cổ phiếu có thêm lần nữa kiểm định ngưỡng cản 1.300 điểm, nhưng không thành công và đảo chiều. Chỉ số VN-Index gần như đi xuống xuyên suốt tháng và mất 1,8% điểm số so với tháng trước, về ngưỡng 1.264,5 điểm vào ngày 31/10.
Theo Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), các yếu tố cản trở thị trường đi lên các vùng điểm số cao hơn bao gồm rủi ro biến động địa chính trị thế giới, tỷ giá biến động trong ngắn hạn, trong khi mùa kết quả kinh doanh quý III/2024 dù tiếp tục phục hồi như kỳ vọng nhưng không quá nhiều đột biến.
Hình 1: Các thị trường chứng khoán trên thế giới với sự phân hóa rõ rệt trong tháng 10
Nguồn: SSI Research
Nhóm Dầu khí giảm 8,8% so với tháng trước, chủ yếu do sự đi xuống mạnh của giá dầu và giá khí trong tháng. Kết quả kinh doanh của nhóm Dầu khí đi xuống so với quý trước lẫn do với cùng kỳ do tác động chính từ mức lỗ lớn của BSR ( giảm 1,2 nghìn tỷ đồng).
Theo sau là nhóm Dịch vụ tài chính giảm 5% trong bối cảnh thị trường chứng khoán trầm lắng về điểm số và thanh khoản. Trong khi đó, vận động ở các nhóm Hóa chất, Bất động sản, Tiện ích, Bán lẻ không cho thấy sự phản ứng mạnh với xu hướng tiếp tục phục hồi của lợi nhuận.
Phân bổ dòng tiền duy trì sự ưu ái cho nhóm vốn hóa lớn với tỷ trọng quanh mức đỉnh từ đầu năm, một phần đến từ các giao dịch thỏa thuận lớn. Dòng tiền xoay vòng diễn ra với sự chững lại của nhóm Ngân hàng và dịch chuyển sang các nhóm trụ cột khác.
Dòng tiền thiếu hụt giữa bối cảnh lực nâng đỡ của nhà đầu tư cá nhân trong nước trở nên hạn chế khi phải hấp thụ lượng lớn cung bán ra từ khối ngoại. Tính chung, nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng tổng cộng 4,1 nghìn tỷ đồng trong tháng 10 và hơn 71 nghìn tỷ đồng kể từ đầu năm.
Khối ngoại quay lại bán ròng 9,8 nghìn tỷ đồng trên HOSE. Trong đó, bao gồm 7 nghìn tỷ đồng thực hiện qua kênh thỏa thuận (chủ yếu ghi nhận tại VIB, MSN với giá trị tương ứng 5,4 nghìn tỷ đồng và 1,2 nghìn tỷ đồng) và 2,8 nghìn tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Lũy kế 10 tháng đầu năm, giá trị rút ròng nới rộng lên con số 76 nghìn tỷ đồng.
Quan sát giao dịch khối ngoại, có thể thấy bán ròng diễn ra đều đặn hơn kể từ giữa tháng do thu hẹp giá trị mua vào – khởi đầu giai đoạn điều chỉnh của chỉ số. Điều này phần nào cho thấy động thái bán ròng của khối ngoại đến từ lo ngại biến động tỷ giá và tái cơ cấu danh mục trước khi bầu cử tại Mỹ diễn ra.
Tận dụng cơ hội trong biến động
SSI Research nhận định, thị trường trong tháng 11 khả năng vẫn còn biến động, do ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như loạt chính sách mới của Mỹ khi ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ; trong nước là Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với các thảo luận về luật và chính sách trong lĩnh vực bất động sản; và khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để giảm áp lực tỷ giá.
Hình 2: Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực
Nguồn: SSI Research
Tuy nhiên, giai đoạn tới, thị trường vẫn có một số yếu tố hỗ trợ tích cực. Cụ thể, định giá ước tính một năm của VN-Index giảm nhẹ từ xuống còn 11,9 lần vào cuối tháng 10 từ mức 12,1 lần ở đầu tháng. Điều này cho thấy thị trường chịu áp lực giảm giá và chưa phản ánh nhiều chuyển biến tích cực của kết quả quý III. Tăng trưởng lợi nhuận quý III tiếp tục mở rộng sang nhiều nhóm ngành, với nhiều ngành đạt mức tăng trưởng cao trên 30%.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 2/11/2024, cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Chứng khoán đưa tới kỳ vọng các quỹ đầu tư nước ngoài cân nhắc tỷ trọng vào Việt Nam.
Theo đó, SSI Research khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội trong biến động. Bởi thị trường có thể biến động trong ngắn hạn, nhưng đây cũng là cơ hội để mua vào các cổ phiếu tiềm năng với giá hợp lý để xây dựng danh mục đầu tư dài hạn.
Nhà đầu tư nên ưu tiên các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng mạnh và bền vững, vì đây được kỳ vọng là yếu tố chính dẫn dắt giá cổ phiếu năm 2025. Trong đó, Dệt may, Thủy sản (cá tra), Cảng và Vận tải biển là các ngành có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chính sách thương mại mới của Mỹ. Đây là những lĩnh vực đáng cân nhắc, bổ sung vào danh mục cho giai đoạn cuối năm.
Hình 3: Danh mục khuyến nghị tháng 11 của SSI Research
Nguồn: SSI Research
Ngoài ra, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục để hạn chế tác động từ các biến động khó lường. Cùng với các biến động chính sách từ Mỹ, lãi suất và biến động tỷ giá trong nước là 2 yếu tố vĩ mô cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình quản lý rủi ro.
SSI Research cũng đưa ra danh mục khuyến nghị tháng 11, bao gồm: KDH, VCI, HPG, VPB, HAH, CTG và HDG.
Minh Lâm