Thị trường phân hóa là kết cục không tệ trong phiên sáng nay khi chứng khoán thế giới chưa khởi sắc được, còn trong nước dòng tiền suy yếu đáng kể kết hợp với khối ngoại tiếp tục rút vốn mạnh...
VHM và VIC tăng giá nổi bật trong nhóm cổ phiếu trụ.
Thị trường phân hóa là kết cục không tệ trong phiên sáng nay khi chứng khoán thế giới chưa khởi sắc được, còn trong nước dòng tiền suy yếu đáng kể kết hợp với khối ngoại tiếp tục rút vốn mạnh.
Nửa đầu phiên sáng là nhịp phục hồi khá mạnh sau cú sốc giảm đột ngột hôm qua. VN-Index đạt đỉnh lúc 10h24, tăng 6,4 điểm. Nửa sau của phiên là nhịp lùi dưới sức ép bán ra có tín hiệu tăng, nhất là khối ngoại xả mạnh ở nhóm blue-chips. Chỉ số chốt phiên còn tăng 2,02 điểm tương đương +0,16%.
Độ rộng thay đổi cũng phản ánh phù hợp diễn biến dao động này. Lúc chỉ số đạt đỉnh ghi nhận 230 mã tăng/129 mã giảm nhưng cuối phiên sáng còn 174 mã tăng/188 mã giảm. Trạng thái giằng co cũng không phải là kết cục kém, vì thị trường chưa xuất hiện dòng tiền mạnh cũng như sự lo ngại về nhịp điều chỉnh thực sự sẽ đến.
Nhóm blue-chips giao dịch cũng không tốt, nhưng xuất hiện các trụ nổi bật. VHM, VIC là cặp đôi đáng kể nhất khi tăng tốc trở lại sau vài phiên tạm nghỉ tuần qua. VHM có phiên tăng mạnh thứ hai liên tiếp, đang giữ trên tham chiếu 3,41%, giá đang ở mức cao nhất 4 tháng. VIC tăng 3,07%, khởi động chậm hơn VHM nhưng cũng tạm thời có mức chốt cao nhất 3 tháng tính theo giá đóng cửa. VHM thậm chí còn đang dẫn đầu thị trường về thanh khoản, đạt 593,3 tỷ đồng, VIC đứng thứ 15 với 113,1 tỷ. Hai cổ phiếu này đem lại khoảng 2,8 điểm cho VN-Index. Ngoài ra, có thể kể tới VRE tăng 1,78%, VNM tăng 1,35%, BID tăng 1,02%.
Trong 5 cổ phiếu thuộc rổ VN30 nói trên tăng quá 1% thì 4 mã thuộc Top 10 vốn hóa, vậy mà VN-Index không tăng rõ ràng được cho thấy số còn lại đang chịu sức ép nhiều. VN30-Index thậm chí đang giảm 0,02% với 12 mã tăng/12 mã giảm. Cổ phiếu tệ nhất rổ là FPT, bốc hơi 1,95% giá trị, lấy đi gần 1 điểm của VN-Index nhưng tới hơn 2,5 điểm trong VN30-Index. FPT sau chuỗi ngày tăng tích cực trong tháng 8 vừa qua đã lọt vào Top 5 vốn hóa thị trường nên các thay đổi giá đều có ảnh hưởng mạnh mẽ.
Diễn biến chỉ số VN30-Index cho thấy nhóm blue-chips suy yếu nhanh hơn, từ khoảng 10h50 chỉ số đã đỏ. Nhiều trụ bị ép giá đáng kể, thậm chí từ xanh chuyển sang đỏ như CTG để mất 1,27% so với giá đỉnh, đang giảm 0,71% so với tham chiếu; HDB bốc hơi 1,47% thành giảm 1,11%; GVR, MWG, STB… cũng lùi giá đáng kể.
Tính chung toàn sàn HoSE, khoảng 40% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch sáng nay đã tụt giá từ 1% trở lên so với mức đỉnh của phiên. Dù không phải mã nào cũng tụt giá đủ nhiều để thủng tham chiếu, nhưng đây vẫn là tín hiệu rõ ràng của áp lực bán gia tăng tại vùng giá xanh.
Điểm tích cực là sức ép chưa tạo nên trạng thái giảm mạnh ở diện rộng. Trong 188 mã đỏ của VN-Index, chỉ có 48 mã giảm hơn 1% và cũng chỉ 10 mã trong số này đạt thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên. Giao dịch chủ yếu dồn vào FPT, MWG và HDB những mã khớp trên trăm tỷ đồng. Ngoài ra có DGC, GMD cũng khá cao. Chỉ 5 mã này đã chiếm hơn 88% tổng giá trị khớp lệnh của toàn bộ 48 mã giảm sâu nhất.
Ngoài ra thanh khoản sàn HoSE cũng sụt giảm khoảng 10% so với sáng hôm qua, đạt hơn 6.352 tỷ đồng khớp lệnh. Trạng thái giá giằng co, biên độ giảm nhẹ và thanh khoản thấp là sự kết hợp tích cực, ít nhất trong giai đoạn thị trường dập dình ở vùng đỉnh.
Ở phía tăng, cũng không có nhiều giao dịch đáng chú ý. Toàn sàn HoSE có 47 mã tăng hơn 1% và cũng chỉ khoảng 15 mã đạt thanh khoản quá 10 tỷ đồng. VHM, VIC dĩ nhiên đáng chú ý nhất, ngoài ra là VNM, HCM, VRE, NVL, DGW.
Như vậy đại đa số cổ phiếu sáng nay biến động giá trong biên độ tăng giảm dưới 1%, phù hợp với trạng thái đi ngang. Bất kể việc VIC, VHM kéo lên và FPT, MWG, HDB làm mất bao nhiêu điểm, phần còn lại của thị trường không bị tác động lớn cũng là một biểu hiện tích cực.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang duy trì áp lực bán mạnh với tổng giá trị rút vốn ròng trên HoSE lên tới 538,7 tỷ đồng, tương đương mức bán ròng sáng hôm qua. FPT bị bán cực mạnh -234,2 tỷ đồng; HPG -51,3 tỷ; VCI -44,9 tỷ, CTG -41,6 tỷ, STB -38,2 tỷ, VPB -38,1 tỷ, HSG -31,8 tỷ, PDR -29,9 tỷ, KDH -28,9 tỷ, SSI -24,1 tỷ… Bên mua ròng có VHM +78,3 tỷ, VNM +35,5 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND +65 tỷ. Tính riêng rổ VN30 hiện đang bị bán ròng 382,8 tỷ đồng.