Sau giai đoạn tăng nóng hàng chục phần trăm, cổ phiếu công nghệ và viễn thông, đặc biệt thuộc “họ FPT” và “họ Viettel” có dấu hiện rơi vào xu hướng điều chỉnh khi đua nhau giảm mạnh.
Chốt phiên 25/6, nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông tiếp tục ghi nhận đà điều chỉnh bất chấp VN-Index có phiên hồi phục sau phiên lao dốc. Có thể kể đến như: VTP (Viettel Post), VTK (Tư vấn và dịch vụ Viettel), CTR (Viettel Construction), FPT (CTCP FPT), CMG (Công ty Tập đoàn công nghệ CMC), ELC (Công ty Công nghệ - Viễn thông Elcom), VNZ (CTCP VNG)…
Đồng loạt lao dốc
Trước đó, trong phiên 24/6, VN-Index đánh rơi gần 28 điểm, lao về sát vùng 1.250 cùng thanh khoản tăng mạnh thể hiện lực bán dồn dập, các nhóm cổ phiếu công nghệ và viễn thông bùng nổ trong giai đoạn trước cũng theo đà quay đầu điều chỉnh sâu theo thị trường chung.
Cổ phiếu công nghệ và viễn thông đua nhau giảm.
Trong "họ Viettel”, cổ phiếu VTP giảm kịch sàn 6,9% xuống 89.000 đồng/cp, vốn hóa của doanh nghiệp chuyển phát này tương ứng "bay" hơn 800 tỷ đồng chỉ trong một phiên. Mã CTR cũng có thời điểm chạm giá sàn, trước khi thu hẹp đà giảm và đóng cửa giảm 5,7% xuống 151.000 đồng/cp.
Trên sàn UPCoM, VTK giảm gần 7% xuống 86.500 đồng/cp. Tương tự, VGI của Viettel Global giảm 5,4% xuống 104.000 đồng/cp, khiến doanh nghiệp tỷ USD duy nhất trong "họ Viettel" mất gần 18.000 tỷ đồng vốn hóa, sụt xuống còn hơn 315.600 tỷ đồng.
Tính chung, đà giảm trong phiên này đã khiến tổng vốn hóa của cả nhóm "họ Viettel” mất gần 19.900 tỷ đồng.
Cùng với nhóm Viettel, nhóm cổ phiếu công nghệ cũng quay đầu giảm sâu. Trong đó, “cỗ máy tăng trưởng” FPT của CTCP FPT giảm 2,9% xuống mức 132.100 đồng/cp cùng thanh khoản cao đột biến với gần 13,2 triệu cổ phiếu được sang tay, giá trị gần 1.800 tỷ, cao thứ hai trong lịch sử. Vốn hóa giảm hơn 5.800 tỷ đồng.
Cổ phiếu CMG cũng quay đầu giảm 5,9% xuống còn 66.400 đồng/cp, có thời điểm giảm sàn 65.700 đồng trước khi lực cầu trở lại vào phiên ATC kéo thị giá phục hồi đôi chút. Tương tự, cổ phiếu ELC hay VNZ cũng chìm trong sắc đỏ khi đóng cửa.
Liên quan tới câu chuyện công nghệ và ngành bán dẫn, cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang không tránh được áp lực bán áp đảo đẩy thị giá giảm sâu 5,5% xuống 124.600 đồng/cp cùng thanh khoản gia tăng mạnh.
Trước đó, từ đầu năm, nhóm cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là "họ FPT" và "họ Viettel" liên tục ghi dấu ấn trên sàn chứng khoán khi đua nhau leo đỉnh và thiết lập những kỷ lục mới. Kể cả khi thị trường chung chìm trong sắc đỏ và chịu áp lực bán tháo, hai nhóm cổ phiếu này vẫn "đi ngược số đông", thu hút dòng tiền lớn. Hầu hết các mã đã tăng hàng chục phần trăm, thậm chí có mã còn tăng gấp 4 lần chỉ sau thời gian ngắn.
Việc cổ phiếu công nghệ thu hút sự quan tâm trên thị trường chứng khoán đến từ việc “cơn sốt” trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng sẽ mang lại bước nhảy vọt cho các công ty trong ngành.
Không chỉ vậy, bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp nhóm công nghệ có những diễn biến tích cực cũng là yếu tố hỗ trợ đà tăng của nhóm cổ phiếu này.
Cuối cùng là tâm lý FOMO sợ bỏ lỡ "sóng" công nghệ viễn thông của nhà đầu tư đã giúp các cổ phiếu trong nhóm không ngừng tăng cao.
Tiêu cực trong ngắn hạn
Đáng chú ý, dù liên tục tăng mạnh, cổ phiếu công nghệ vẫn được dự báo còn dư địa tăng trưởng nhờ làn sóng đầu tư trí tuệ nhân tạo và được dẫn dắt bởi nhiều cổ phiếu công nghệ khác trên thế giới.
Ông Nguyễn Khắc Vương, Trưởng Phòng Tư vấn đầu tư Chứng khoán VPS từng nhận định, sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ đến từ dòng tiền thông minh của nhà đầu tư. Họ đã tìm đến các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước như Viettel, MobiFone hay doanh nghiệp có chất lượng, quy mô mang tầm thế giới như FPT khi ký kết hợp đồng trăm triệu USD với ông trùm công nghệ Nvidia...
"Các cổ phiếu công nghệ thuộc "họ FPT", "họ Viettel" hay CMG vẫn đang có sóng lớn, xu hướng dòng tiền tăng... nên vẫn chưa có dấu hiệu đạt đỉnh. Nhóm công nghệ sẽ là một trong những nhóm cổ phiếu triển vọng sắp tới", ông Vương nhận xét.
Vậy, nguyên nhân nào khiến cổ phiếu công nghệ, viễn thông quay đầu điều chỉnh?
Nhìn chung, việc cổ phiếu công nghệ hay "họ Viettel” ghi nhận đà giảm mạnh không quá bất ngờ trong bối cảnh các mã này vừa có quãng dậy sóng trước đó. Trong ngắn hạn, đà hưng phấn của thị trường đang đẩy định giá của cổ phiếu ngành này lên mức khá cao. Chẳng hạn, cổ phiếu ngành phần mềm (FPT) giao dịch ở mức trên 28 lần và ngành viễn thông (ELC, FOX…) định giá ở mức hơn 21 lần.
Mặc dù vậy, hiện tại, khi thị giá các cổ phiếu này quay đầu giảm sâu song vẫn cao hơn đáng kể so với "chân sóng".
Không chỉ vậy, thị trường đang trong giai đoạn "trống thông tin", hầu hết nhà đầu tư đều đang nghe ngóng bức tranh kết quả kinh doanh quý II sau khi mùa báo cáo quý I cũng như thông tin từ đại hội đồng cổ đông thường niên đã khép lại và phản ánh phần lớn vào giá cổ phiếu.
Ngoài ra, áp lực điều chỉnh mạnh lên là khó tránh khỏi trong bối cảnh tỷ giá "nóng" trở lại, diễn biến các thị trường khác trong khu vực cũng không mấy tích cực, cộng thêm đà bán ròng không ngừng nghỉ của khối ngoại. Tính từ đầu năm 2024 tới nay, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE đã vượt 48.000 tỷ đồng.
Theo ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, Chứng khoán Sacombank (SBS), cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn "FPT" và hệ sinh thái "Viettel" đã có chuỗi ngày tăng giá rất mạnh mặc dù thị trường chung có diễn biến không thuận lợi. Với mặt bằng giá hiện tại, các nhóm cổ phiếu này không còn hấp dẫn để nắm giữ trung và dài hạn.
Dưới góc nhìn tích cực, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá nhóm cổ phiếu FPT và Viettel đã có chuỗi tăng mạnh trong thời gian qua nhờ câu chuyện tăng trưởng ở hai nhóm cổ phiếu này. Sự lo ngại về định giá ở hai nhóm cổ phiếu này cũng là điều dễ hiểu khi các cổ phiếu đã có chuỗi tăng mạnh. Tuy nhiên, về cơ bản, hai nhóm cổ phiếu này vẫn đang trong đà tăng trưởng dài hạn.
Tương tự, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) nhận xét những doanh nghiệp "họ Viettel" hay FPT là điểm sáng đặc biệt ở những tập đoàn lớn nhưng kinh doanh hiệu quả năm nay. Việc giá cổ phiếu đi nhanh hơn sự tăng trưởng lợi nhuận một phần thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư với tiềm năng tương lai của doanh nghiệp.
“Nhà đầu tư tham gia ở mức giá hiện tại có thể là rủi ro trong ngắn hạn, tuy nhiên nếu xét về dài hạn thì nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định. Vì vậy, các nhịp điều chỉnh nếu ở các nhóm doanh nghiệp này thường không quá sâu và sẽ sớm quay lại đà tăng trưởng trong dài hạn”, chuyên gia VIS nhấn mạnh.