Dàn lãnh đạo hiện tại của Chứng khoán Rồng Việt có nhiều cái tên từng làm sếp tại Eximbank và Sacombank. Thậm chí, sếp cũ của công ty chứng khoán này cũng làm lãnh đạo tại Tập đoàn Kido.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (HoSE: VDS) được thành lập từ tháng 12/2006 với số vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng. Công ty thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh bao gồm: môi giới chứng khoán, lưu ký chứng khoán, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và tự doanh.
Cổ đông sáng lập là các tổ chức tài chính, thương mại như Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Long (VDFM, nay là CTCP Quản lý quỹ Rồng Việt) và CTCP Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu kết hợp cùng các chuyên gia trên thị trường chứng khoán.
Mối liên hệ mật thiết giữa Chứng khoán Rồng Việt, Eximbank và Sacombank
Ngoài việc là cổ đông đồng sáng lập, giữa Eximbank và Chứng khoán Rồng Việt cũng có nhiều mối liên hệ và những mối liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Cụ thể, ông Nguyễn Miên Tuấn là thành viên sáng lập của Rồng Việt và đảm nhận vai trò Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc giai đoạn 2006 – 2012. Tháng 9/2012, ông được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2012 – 2016. Vào ngày 28/10/2015, ông Tuấn thôi nhiệm Chủ tịch HĐQT và được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT. Ông tái nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2021 và 2022 – 2026.
Ông Tuấn từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại Sacombank gồm Trưởng Phòng Đầu tư, Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT (giai đoạn 2012 – 4/2022) và Thành viên HĐQT CTCP Pymepharco (giai đoạn 2008 – 12/2020).
Ông Nguyễn Miên Tuấn - Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Rồng Việt và cựu Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Bên cạnh ông Nguyễn Miên Tuấn, Thành viên HĐQT Chứng khoán Rồng Việt Nguyễn Thúc Vinh cũng từng đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Kế hoạch & Đầu tư, Giám đốc Điều hành tại Ngân hàng Sacombank; Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank Lào, Thành viên HĐQT độc lập Ngân hàng Sacombank Campuchia, Phó Tổng Giám đốc Eximbank.
Thành viên HĐQT Chứng khoán Rồng Việt Nguyễn Hiếu cũng từng là Thành viên HĐQT Eximbank. Trước đó, ông đã công tác tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) – Sở giao dịch II Tp.HCM, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam – Chi nhánh Tp.HCM và Trưởng phòng Môi giới tại CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC).
Bên cạnh đó, hai Thành viên Ban kiểm soát Chứng khoán Rồng Việt là ông Nguyễn Trung Quân và bà Nguyễn Bích Diệp cũng từng công tác tại Sacombank. Ông Nguyễn Trung Quân từng tư vấn pháp lý trong lĩnh vực tài chính, đầu tư tại Công ty Cho thuê tài chính Sacombank và bà Nguyễn Bích Diệp từng có thời gian công tác trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán tại Sacombank.
Giữa Eximbank và Sacombank từng có thời gian hợp tác toàn diện hướng đến mục tiêu sáp nhập.
Ngày 9/1/2012, Eximbank đã thông báo mua lại 9,73% vốn điều lệ của Sacombank từ Ngân hàng ANZ với giá 16.000 đồng/cổ phiếu. Cùng ngày, CTCP Đầu tư Sài Gòn Exim (nơi Eximbank sở hữu 11% vốn) cũng công bố đã mua vào 50,4 triệu cổ phần STB, qua đó sở hữu 5,17% vốn cổ phần của Sacombank.
Ngày 20/2/2012, sau khi đã nắm giữ đa số cổ phần tại Sacombank, HĐQT Eximbank đã gửi văn bản đến lãnh đạo Sacombank yêu cầu thay đổi cơ cấu Thành viên HĐQT trên cơ sở Eximbank và nhóm cổ đông ủy quyền đã có trên 51% số cổ phần có quyền biểu quyết tại Sacombank.
Sau khi yêu cầu thay đổi cơ cấu, Chủ tịch Sacombank là ông Phạm Hữu Phú (cựu Phó chủ tịch Eximbank). Sau 2 năm làm Chủ tịch Sacombank, ông Phạm Hữu Phú đã từ nhiệm và quay trở lại Eximbank làm Tổng Giám đốc.
Từ tháng 11/2017 đến tháng 1/2018, sau nhiều lần bán ra cổ phiếu STB của Sacombank, thì Eximbank đã hạ lượng cổ phiếu nắm giữ xuống còn 88,4 triệu, tương đương 4,91% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và chính thức không còn là cổ đông lớn.
Người của Kido cũng lần lượt rời đi
Cơ cấu cổ đông của Chứng khoán Rồng Việt còn xuất hiện lãnh đạo CTCP Tập đoàn Kido. Cụ thể, vào ngày 28/10/2015, ông Trần Lệ Nguyên - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Kido đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Rồng Việt.
Ông Kelly Yin Hon Wong - Phó Tổng Giám đốc Tài chính Kido cũng được bầu vào HĐQT Chứng khoán Rồng Việt. Bà Nguyễn Thị Oanh - Kế toán trưởng của Kido cũng được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát Chứng khoán Rồng Việt.
Trong đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ năm 2015, ông Trần Lệ Nguyên cũng đăng ký mua 24,5 triệu cổ phiếu VDS, chiếm 69,96% lượng cổ phần mà Chứng khoán Rồng Việt chào bán. Qua đó, ông Nguyên sở hữu 35% vốn điều lệ công ty chứng khoán này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, ông nguyên đã giảm tỉ lệ sở hữu từ 35% về còn hơn 1% vốn Chứng khoán Rồng Việt.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Chứng khoán Rồng Việt diễn ra vào ngày 30/5/2020, ông Trần Lệ Nguyên đã xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT theo nguyên vọng cá nhân. Ông Kelly Yin Hon Wong – Thành viên HĐQT và Nguyễn Thị Oanh – Trưởng Ban kiểm soát cũng từ nhiệm tại Chứng khoán Rồng Việt.
Lịch sử tài chính đầy biến động
Về bức tranh tài chính, giai đoạn từ 2008-2012 của Chứng khoán Rồng Việt ghi nhận không mấy khả quan, thậm chí lỗ nhiều hơn lãi. Chỉ trong hai năm 2009 và 2010 công ty ghi nhận lãi sau thuế lần lượt 67 tỷ đồng và 21 tỷ đồng, thì những năm còn lại đều báo lỗ. Cá biệt năm 2011 công ty còn lỗ tới 126 tỷ đồng.
Từ năm 2013 đến nay, dù lợi nhuận liên tục trồi sụt nhưng kết quả kinh doanh đã khả quan hơn nhiều. Nổi bật là năm 2021 Chứng khoán Rồng Việt đạt kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận, lần lượt ở mức 1.022 tỷ đồng và 427 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với năm trước đó.
Trong đó, hoạt động môi giới của công ty ở mức 315 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ, hoạt động cho vay margin cũng tăng 59% lên 315 tỷ đồng, mảng tự doanh cũng tăng 2,4 lần lên 313 tỷ đồng. Kết quả trên có được nhờ vào diễn biến thuận lợi nhờ sự phát triển mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, sang năm 2022, doanh thu hoạt động của Chứng khoán Rồng Việt giảm 18% xuống 820,4 tỷ đồng, song công ty báo lỗ sau thuế gần 115 tỷ đồng.
Theo bản giải trình, những diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đặc biệt là hoạt động đầu tư tự doanh và kinh doanh môi giới.
Về doanh thu hoạt động đầu tư, môi giới và ngân hàng đầu tư lần lượt giảm 67%, 8% và 31% so với năm trước, còn 108 tỷ đồng, 291 tỷ đồng và 44 tỷ đồng. Duy chỉ có hoạt động cho vay ghi nhận doanh thu tăng 22% lên 366 tỷ đồng.
Gần nhất, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt ghi nhận 843,3 tỷ đồng doanh thu và 306,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 29% và 18% so với cùng kỳ năm 2023.
So với mục tiêu đề ra, công ty chứng khoán này đã hoàn thành 81% kế hoạch doanh thu và vượt 6% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Đến cuối quý III/2024, danh mục FVTPL của công ty có giá trị gốc 1.204,8 tỷ đồng, giảm gần 10 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Dù vậy, giá trị thị trường ghi nhận ở mức 1.179,5 tỷ đồng. Như vậy, công ty đang lãi ở danh mục này 154,7 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ lãi gần 27 tỷ đồng.
Chi tiết về danh mục FVTPL, Chứng khoán Rồng Việt đang lãi gần 52 tỷ đồng khi đầu tư vào MWG, lãi 18 tỷ đồng từ CTG, lãi 17 tỷ đồng từ ACB và lãi hơn 8 tỷ từ VNM, các cổ phiếu khác đang lãi hơn 52 tỷ đồng.
Thời điểm 30/9/2024, danh mục AFS của công ty có giá trị gốc 397 tỷ đồng, giá thị trường 437 tỷ đồng. Tương ứng, Chứng khoán Rồng Việt đang lãi danh mục này 40 tỷ đồng, trong khi quý II vừa qua công ty chỉ lãi hơn 13 tỷ đồng.
Khoản sinh lời ở danh mục AFS chủ yếu từ mã KDH khi công ty lãi 42,6 tỷ đồng, song Rồng Việt lại lỗ 641 triệu đồng với mã KBC và lỗ hơn 2 tỷ đồng với mã QNS.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Chứng khoán Rồng Việt ở mức 6.056,4 tỷ đồng, mở rộng 13% so với đầu năm.
Phần chênh lệch chủ yếu từ hoạt động cho vay tăng 859 tỷ đồng như đã đề cập ở trên. Bên cạnh đó, tài sản AFS tăng gấp đôi lên 436 tỷ đồng, Chứng khoán Rồng Việt cũng phát sinh 200 tỷ đồng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), trong khi đầu năm không ghi nhận.
Quy mô tài sản của Chứng khoán Rồng Việt được mở rộng cũng thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trong 9 tháng năm 2024, công ty đã phát hành thành công 3 đợt trái phiếu với tổng giá trị gần 2.200 tỷ đồng. Hiện tại, Chứng khoán Rồng Việt đang tiếp tục chào bán đợt trái phiếu thứ 4 với tổng giá trị 900 tỷ đồng, lãi suất cố định 8,2%/năm.
Trái chiều, lượng tiền và tương đương tiền lại giảm từ gần 806 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 430 tỷ đồng ở thời điểm cuối quý III/2024.