Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
TCH: Lối đi riêng của 'ông trùm' đất cảng Hoàng Huy
Chuyên mục:

Doanh nghiệp

Tạp chí Nhà quản trị | 15:52
Google news

Âm thầm tích luỹ đất, đầu tư kiểu cuốn chiếu và hạn chế vay vốn, Hoàng Huy vừa tránh được 'cú sốc' trái phiếu, vừa 'hái quả ngọt' từ thị trường bất động sản Hải Phòng.

Trong lúc hàng loạt doanh nghiệp bất động sản báo lỗ hoặc kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, Công ty CP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy vẫn duy trì 'phong độ' cùng triển vọng tăng trưởng tích cực.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm tài chính 2024 giai đoạn 1/7 - 30/9/2024 vừa công bố, Hoàng Huy ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.413 tỷ đồng và lãi ròng đạt 264 tỷ đồng, lần lượt cao gấp 5,6 lần và 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, đây là quý thứ tư liên tiếp tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, với đà tăng “bằng lần” so với năm trước.

Lũy kế sáu tháng đầu niên độ, công ty ghi nhận doanh thu 2.241 tỷ đồng và lãi ròng 493 tỷ đồng, lần lượt gấp bốn lần và 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước; qua đó, hoàn thành 89% kế hoạch doanh thu và 61% kế hoạch lãi cả niên độ chỉ sau hai quý.

Đóng góp chủ đạo vẫn là hoạt động bán bất động sản khi chiếm tới 85% tổng doanh thu trong kỳ, đạt gần 1.900 tỷ đồng, gấp sáu lần cùng kỳ. Mảng kinh doanh ô tô tải, đầu kéo và linh kiện thu hồi mang lại 253 tỷ đồng và doanh thu khác hơn 90 tỷ đồng.

Như vậy, Hoàng Huy vẫn duy trì tốt doanh thu và lợi nhuận trong năm năm trở lại đây, trong đó, năm 2020 và 2023 có lợi nhuận vượt mốc 1.000 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Hoàng Huy theo niên độ tài chính giai đoạn 2019 - 2024. Nguồn: Tổng hợp báo cáo tài chính Hoàng Huy.

Hành trình tăng trưởng đột phá

Dù đã và đang là “đầu tàu” tăng trưởng nhưng mãi tới năm 2016, Hoàng Huy mới thực sự chuyển trọng tâm sang phát triển lĩnh vực bất động sản.

Thành lập cách đây ba thập kỷ với tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Hoàng Huy, công ty chuyển đổi mô hình doanh nghiệp cổ phần năm 2007 với tên gọi như hiện nay.

Hai năm sau khi chuyển đổi, Hoàng Huy ghi dấu ấn đầu tiên ở lĩnh vực bất động sản nhà ở với dự án chung cư Golden Land tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Mặc dù vậy, trong giai đoạn này, vốn điều lệ công ty xoay quanh 1.200 tỷ đồng với ngành nghề kinh doanh chính vẫn là kinh doanh và lắp ráp xe tải.

Quy mô vốn này được Hoàng Huy duy trì suốt 10 năm trước khi phát hành thêm gần 210 triệu cổ phần để nâng vốn điều lệ lên 3.300 tỷ đồng vào giữa năm 2016, chỉ vài tháng trước khi công ty chính thức niêm yết trên sàn HoSE với mã cổ phiếu TCH.

Đáng chú ý, tất cả cổ phiếu phát hành thêm đều được bán cho 96 cổ đông hiện hữu, qua đó duy trì mức độ “cô đặc” trong cơ cấu sở hữu của Hoàng Huy trước khi niêm yết.

Ngay sau “đột phá” tăng vốn, Hoàng Huy lập tức dồn lực vào thị trường bất động sản Hải Phòng khi đã ký ba hợp đồng xây dựng - chuyển giao với UBND TP. Hải Phòng thông qua các dự án cải tạo hai dự án chung cư cũ có tổng giá trị đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng để đổi lấy sáu lô đất có vị trí đắc địa.

Nhờ đó, Hoàng Huy có cơ hội tiếp cận với những quỹ có giá trị do thành phố đối ứng, trở thành nền tảng cho sự bứt phá sau này.

Bệ phóng từ quỹ đất vàng

Có tới 6/7 dự án của Hoàng Huy đến từ các hợp đồng BT. Nguồn: VietCap

Mặc dù quy mô vốn khá lớn nhưng quỹ đất của Hoàng Huy có phần 'lép vế' so với các doanh nghiệp khác như Tập đoàn DIC, Nam Long hay Đất Xanh.

Tuy vậy, Hoàng Huy lại có lợi thế hơn những doanh nghiệp khác khi có quỹ đất sạch và không gặp vướng mắc nan giải về thủ tục pháp lý.

Công tác giải phóng mặt bằng, chi phí đền bù và hoàn thiện thủ tục pháp lý luôn nằm trong số những vấn đề gây “đau đầu” nhất đối với các doanh nghiệp bất động sản này.

Đơn cử như trường hợp của Tập đoàn DIC, những dự án quy mô lớn như Khu trung tâm Chí Linh, Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu ở Bà Rịa Vũng Tàu hay Khu đô thị Long Tân và Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước ở Đồng Nai vẫn vướng giải phóng mặt bằng khiến công ty không thể triển khai đầu tư theo tiến độ đề ra.

Như Khu trung tâm đô thị Chí Linh kéo dài gần 30 năm, sau bảy lần điều chỉnh, ba lần gia hạn và nhiều lần phê duyệt điều chỉnh, đến nay, dự án vẫn còn ngổn ngang, nhiều khu, hạng mục vẫn chưa được triển khai.

Hay như dự án Gem Riverside tại TP. HCM từng được Tập đoàn Đất Xanh giới thiệu ra thị trường năm 2018 nhưng trong suốt sáu năm qua, do vướng thủ tục pháp lý nên chưa thể xây dựng và mở bán.

Trong khi đó, với việc nhận bàn giao trực tiếp từ UBND TP. Hải Phòng, Hoàng Huy có được lợi thế lớn từ các thủ tục pháp lý được hoàn thiện cùng quỹ đất “sạch”, hạn chế tối đa chi phí cho đền bù và giải phóng mặt bằng.

Thêm nữa, các khu đất được bàn giao đa phần đều nằm ở các vị trí “vàng” của Hải Phòng. Với quỹ đất đẹp, Hoàng Huy đã trở thành 'ông lớn' địa ốc tại thành phố cảng, chỉ đứng sau Vinhomes.

Trong danh mục quỹ đất nhận được, Hoàng Huy đã triển khai năm lô đất để phát triển các dự án Hoàng Huy Riverside, Hoàng Huy Mall, Hoàng Huy Grand Tower, Hoàng Huy Commerce và Hoàng Huy New City.

Ngoại trừ Hoàng Huy New City với 4.000 căn hộ bàn giao vào năm nay, bốn dự án còn lại đã được bàn giao trong những năm trước và là nguồn doanh thu chính của công ty.

Lô đất còn lại có quy mô 32,5 ha được dành để phát triển dự án Hoàng Huy Green River trong giai đoạn 2024-2028.

Các dự án này đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Hoàng Huy, “vươn mình” từ một đơn vị phát triển các dự án vừa và nhỏ dưới 5ha trở thành một nhà phát triển các dự án lớn hơn lên đến hàng chục ha và trở thành 'ông trùm' bất động sản Hải Phòng.

Dự án trọng điểm Hoàng Huy Commerce đem về dòng tiền hàng nghìn tỷ đồng cho Hoàng Huy. Ảnh: Hoàng Huy

Tại ngày 30/9, hàng tồn kho của Hoàng Huy giá trị hơn 9.400 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu niên độ, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án như Hoàng Huy New City - II (4.985 tỷ đồng); Hoàng Huy Green River (1.644 tỷ đồng) và Hoàng Huy Commerce (340 tỷ đồng chi phí dở dang và 1.040 tỷ đồng thành phẩm).

Các nhà phân tích đánh giá, các dự án của Hoàng Huy đều là đất sạch thuộc trung tâm thành phố Hải Phòng và có giá đất rẻ nhờ hoạt động hoán đổi từ các hợp đồng xây dựng - chuyển giao. Đây là lợi thế lớn của Hoàng Huy so với các chủ đầu tư khác.

Nhưng không dừng lại ở quỹ đất đối ứng, cuối năm ngoái, Hoàng Huy đã thông qua công ty con là Công ty CP Tập đoàn bất động sản CRV trả 4.800 tỷ đồng để thắng đấu giá khu đất xây khu đô thị gần 50ha dọc đường Đỗ Mười kéo dài thuộc huyện Thuỷ Nguyên, gần trung tâm hành chính mới của thành phố.

Cũng tại Thủy Nguyên, Hoàng Huy đang phát triển hai dự án là Hoàng Huy Green River và Hoàng Huy New City với vị trí đắc địa.

Đáng chú ý, cuối năm ngoái, khi quyết định quy hoạch Thủy Nguyên lên thành phố trực thuộc Hải Phòng được công bố, giới đầu tư nhận định Hoàng Huy sẽ là doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi trực tiếp trong dài hạn.

Hạn chế đòn bẩy tài chính

Thực tế có không ít doanh nghiệp bất động sản địa phương với quỹ đất tập trung nội tỉnh như Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu ở TP Vũng Tàu, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội ở Hà Nam hay Công ty CP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp này có quy mô nhỏ với số vốn điều lệ chỉ vài trăm tỷ đến dưới 2.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, với vốn điều lệ lên tới gần 6.700 tỷ đồng, Hoàng Huy lọt vào nhóm các doanh nghiệp địa ốc tầm trung, ngang hàng với các tên tuổi khác trong ngành như Nhà Khang Điền (9.100 tỷ đồng), Phát Đạt (8.730 tỷ đồng), thậm chí vượt qua Nam Long (3.850 tỷ đồng) hay Tập đoàn DIC (6.100 tỷ đồng).

Bên cạnh bộ đệm vốn lớn, Hoàng Huy cũng là doanh nghiệp địa ốc hiếm hoi không phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính để thực hiện các kế hoạch kinh doanh.

Theo đó, tại thời điểm cuối quý III/2024, dư nợ tài chính của Hoàng Huy bằng 0 và cũng là quý thứ hai liên tiếp công ty không sử dụng nợ vay.

Hoàng Huy chỉ vay hơn 2.000 tỷ đồng cho thương vụ đấu giá dự án dọc đường Đỗ Mười vào cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, chỉ sau một quý, công ty đã nhanh chóng tất toán số nợ vay trên từ nguồn phần tiền có sẵn và phần lợi nhuận từ việc bán dự án trong kỳ.

Không chỉ hạn chế vay nợ, một trong những điểm khác biệt của Hoàng Huy là lượng tiền mặt luôn duy trì ở mức hàng nghìn tỷ đồng.

Tính tới 30/9, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty vượt mức 3.100 tỷ đồng, cao nhất kể từ sau khi dồn lực đấu giá thành công dự án Đỗ Mười.

Đặc biệt, có những thời điểm trước đây như năm 2022, lượng tiền gửi của công ty lên đến hơn 8.000 tỷ đồng, vượt hơn cả quy mô vốn hóa công ty.

Thêm nữa, nhờ quỹ đất “sạch” từ khi nhận bàn giao và chính sách phát triển từng dự án theo phương thức “cuốn chiếu”, các dự án của Hoàng Huy có tiến độ triển khai nhanh từ 1-3 năm với tỷ lệ hấp thụ cao, từ đó đẩy nhanh vòng quay vốn cho công ty.

Nhờ “lối đi riêng", Hoàng Huy là một trong số ít doanh nghiệp bất động sản gần như “miễn nhiễm” với những khó khăn của thị trường tài chính và bất động sản trong giai đoạn 2022-2023.

Không những thế, công ty còn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhờ loạt dự án đến giai đoạn “hái quả ngọt” như Hoàng Huy Commerce, Hoàng Huy New City.

Lựa chọn phân khúc sản phẩm riêng biệt
Bên cạnh những lợi thế từ nguồn nội lực, việc định hướng phân khúc thị trường cũng giúp Hoàng Huy tránh khỏi sự cạnh tranh lớn từ các tên tuổi trong ngành trong bối cảnh thị trường bất động sản ở Hải Phòng đang chuyển mình mạnh mẽ và thu hút nhiều nhà đầu tư lớn tham gia đầu tư.

Hồi tháng 6, Masterise Homes đã công bố dự án Masteri Thủy Nguyên - dự án đầu tiên của doanh nghiệp này tại Hải Phòng có quy mô khoảng 8ha, với hơn 200 sản phẩm nhà thấp tầng, nằm ở vị trí đắc địa khi nằm sát trung tâm chính trị - hành chính mới của Hải Phòng và gần một số dự án của Hoàng Huy đang triển khai

Trước đó, Vinhomes cũng công bố dự án có quy mô lớn nhất của doanh nghiệp từ trước đến nay - dự án "đảo tỷ phú" tại đảo Vũ Yên, huyện Thủy Nguyên với tổng diện tích 877ha, vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD.

Ngoài Vũ Yên, năm ngoái, Vinhomes cũng được chấp thuận đầu tư dự án khu đô thị mới tại khu vực quận Dương Kinh và huyện Kiến Thuỵ với quy mô khoảng 240 ha, tổng vốn gần 56.000 tỷ đồng.

Thành phố cảng còn có sự hiện diện của các đại gia địa ốc khác như Tập đoàn Kinh Bắc, Tập đoàn Doji, Văn Phú Invest, TNG Holdings, Nam Long và BRG.

Trong bối cảnh đó, thay vì tập trung phân khúc cao cấp, hạng sang như Vinhomes, Masterise Homes, Doji hay dự án nhà ở vừa túi tiền như Nam Long, Hoàng Huy lại khẳng định vị thế và chỗ đứng riêng với phân khúc sản phẩm tầm trung - cao cấp nằm tại các khu vực đông dân cư quanh trung tâm thành phố - nơi có sức cầu lớn nhằm đảm bảo đem về doanh số tốt về trung, dài hạn cho công ty.

Nhờ vậy, bất chấp những khó khăn từ thị trường bất động sản nói chung, doanh số bán hàng của Hoàng Huy vẫn liên tục duy trì tăng trưởng trong thời gian qua, qua đó giúp công ty tiếp tục có thêm nguồn lực tái đầu tư dự án mới.

Dũng Phạm

Link gốc

Thị trường đóng cửa
TCH
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục