Cổ phiếu FPT bốc hơi 44.000 tỷ đồng vốn hóa kể từ đỉnh 23/1. Chuyên gia chỉ ra 2 nguyên nhân là do định giá quá cao và lực bán ròng mạnh từ khối ngoại.
Phiên ngày 19/3, VN-Index ghi nhận giảm 6,34 điểm xuống 1.324,63 điểm. Sắc đỏ bao phủ hầu hết nhóm VN30, trong đó, giảm mạnh nhất phải kể đến cổ phiếu FPT của Công ty cổ phần FPT.
Mã chứng khoán này đã giảm 4,15% xuống 124.600 đồng/cp cùng khối lượng giao dịch đột biến hơn 18 triệu đơn vị. Đáng chú ý, khối ngoại bán đến gần 10,4 triệu đơn vị và mua vào 1,9 triệu đơn vị. Như vậy, khối ngoại đã bán ròng 8,5 triệu cổ phiếu FPT, giá trị 1.073 tỷ đồng. Đây đã là phiên khối ngoại bán ròng thứ 11 liên tiếp của cổ phiếu này.
Nhìn lại, cổ phiếu FPT sau khi đạt đỉnh vùng 154.300 đồng/cp vào phiên 23/1/2025 đã bắt đầu lao dốc. Tính đến nay FPT giảm 19,2%, vốn hóa bốc hơi gần 44.000 tỷ đồng.
Trong năm 2024, cổ phiếu FPT nói riêng và công nghệ toàn cầu nói chung đã rất thăng hoa nhờ hưởng lợi từ cơn sốt AI. Tuy nhiên, cổ phiếu công nghệ toàn cầu bắt đầu lao dốc mạnh kể từ sau start up DeepSeek của Trung Quốc cho ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) với mã nguồn mở, miễn phí. Công ty này cho biết mô hình AI của họ chỉ được phát triển vòng 2 tháng với chi phí chưa đến 6 triệu USD, rất thấp so với chi phí nhiều hãng công nghệ khác trên toàn cầu sử dụng.
Cổ phiếu NVIDIA từng mất giá 24% nhưng sau đó đã phục hồi còn giảm 17,8%; Microsoft giảm 15,4% trước khi hồi lại còn giảm 13%. Trong khi cổ phiếu Alphabet (công ty mẹ Google) miệt mài giảm 21,7% tính từ cuối tháng 1.
2 nguyên nhân cổ phiếu FPT lao dốc
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá trong những năm gần đây, đà tăng giá của cổ phiếu FPT nói riêng và cổ phiếu công nghệ Việt Nam nói chung gắn rất chặt với xu hướng cổ phiếu công nghệ tại Mỹ, đặc biệt là nhóm Magnificent 7, dẫn dắt bởi Nvidia.
Trong hai năm gần đây, cổ phiếu FPT tăng rất mạnh, tính từ đầu năm 2023 đến nay đã đi lên khoảng 50%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024 và đầu 2025, câu chuyện DeepSeek và nhất là định giá nhóm cổ phiếu công nghệ tại Mỹ và Việt Nam lên mức rất cao đã tạo ra áp lực chốt lời mạnh mẽ.
Trong giai đoạn vừa qua, Nvidia và các cổ phiếu trong nhóm Magnificent 7 đều đã rơi xuống dưới đường trung bình động 200 ngày (MA200). FPT cũng giảm mạnh. Xu hướng này do hai yếu tố: định giá cổ phiếu lên rất cao sau khi tăng trưởng nóng trong hai năm (P/E lên gần 30 lần còn P/B lên sát 7,5 lần) và nhà đầu tư nước ngoài giảm tỷ trọng sau giai đoạn tăng nóng.
Ở một diễn biến liên quan, ông Bùi Quang Ngọc – Phó Chủ tịch HĐQT FPT đã kịp bán 2 triệu cổ phiếu FPT ở vùng giá cao. Giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận và ngày hoàn tất giao dịch là 11/2. Sau giao dịch, ông Ngọc còn nắm 21,9 triệu cổ phiếu FPT, tương đương 1,49% vốn.