Kết quả kinh doanh quý II/2024 nói riêng và nửa đầu năm 2024 nói chung phục hồi và tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước là chưa đủ để “đỡ giá” cổ phiếu thép.
Ghi nhận nhiều “gam” màu sáng
Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất thép thành phẩm đạt 14,427 triệu tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bán hàng thép thành phẩm đạt 14,274 triệu tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,216 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, “ông lớn” Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), trước sự tràn vào thị trường của thép nhập khẩu giá thấp, đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong tiêu thụ thép tấm cuộn cán nóng (HRC) tại nội địa. Sản lượng thép cuộn cán nóng của Hoà Phát trong quý II/2024 giảm 10% so với quý I/2024. Dù vậy, tiêu thụ thép xây dựng là động lực giúp tăng trưởng doanh thu của Hòa Phát trong quý này, bù đắp lại sự sụt giảm doanh thu của mặt hàng HRC.
Số liệu tài chính cho thấy doanh thu Hòa Phát đạt 39.555 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Hòa Phát mang về 3.733 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 3.319 tỷ đồng, tăng 127%. Đây cũng là khoản lợi nhuận cao nhất trong hai năm qua của công ty này.
Lũy kế 6 tháng, Hòa Phát mang về tổng cộng 71.028 tỷ đồng doanh thu, 6.188 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 26,6% và 238% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, công ty đã hoàn thành 62% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng khi trong quý III niên độ tài chính 2023-2024 (từ 1/4/2024 đến 30/6/2024), công ty mang về doanh thu 10.840 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi chi phí, Hoa Sen Group đạt 273 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp gần 20 lần cùng kỳ niên độ trước.
Lũy kế 3 quý niên độ 2023-2024, Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần 29.163 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp này lãi 696 tỷ đồng trong 9 tháng qua, trong khi cùng kỳ lỗ 410 tỷ đồng.
Hướng ngược lại, một số khác lại ghi nhận thua lỗ. Có thể kể đến như CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) trong quý II vừa qua lỗ sau thuế 114 tỷ đồng, trong khi quý II/2023 lãi 21 tỷ đồng. Hay, Thép Tiến Lên (mã TLH) cũng lỗ sau thuế hơn 153 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước lãi hơn 5 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu phân hóa
Trái ngược với những con số doanh thu/lợi nhuận liên tục tăng trưởng, cổ phiếu các doanh nghiệp thép lớn đều suy giảm, hoặc mức tăng không quá cao.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, trong khi VN-Index từ đầu năm 2024 đến nay tăng trưởng 8,5%, thì mã HPG chỉ tăng 2,99%, còn HSG và NKG giảm lần lượt 6,55% và 12,21%. Trong khi đó, các mã thép nhỏ và vừa như TNS (+64,29%), VGS (+55,42%), TVN (+52,38%) đều đồng loạt tăng trưởng mạnh.
Giới chuyên gia nhìn nhận, mức tăng trưởng lợi nhuận cao của các doanh nghiệp thép được dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ năm trước. Ngành thép vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường xây dựng, thị trường bất động sản chưa thực sự hồi phục.
Bên cạnh đó, việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam khiến các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa. Để bán được hàng, nhiều doanh nghiệp thép buộc phải giảm giá bán để cạnh tranh.
Dù vậy, xét về dài hạn, phần lớn các nhóm phân tích đều cho rằng ngành thép sẽ tiếp tục hồi phục tích cực. Trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm 2024 phát hành hồi đầu tháng 7, Chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận các công ty thép có thể tăng trưởng 40% vào năm 2024 nhờ các yếu tố như nguồn cung nhà ở và cơ sở hạ tầng tăng lên góp phần vào cả giá cả và khối lượng, giúp doanh thu có thể tăng 25% nhờ sản lượng và giá bán tăng trưởng lần lượt 9% và 8%.
Thêm vào đó, biên lợi nhuận gộp có thể phục hồi lên 13% (so với khoảng 8% năm 2023) nhờ giá đầu ra tăng 8% so với cùng kỳ và nguyên liệu (quặng, than) giảm khoảng 4% do nguồn cung ổn định. Ngoài ra, tỷ lệ dự phòng sẽ hạ nhiệt do giá đầu ra tăng; chi phí tài chính giảm 30% trong bối cảnh áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt.