Trong bối cảnh giá đường trong nước và thế giới đều có sự biến động theo xu hướng giảm trong năm 2024, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành mía đường cũng có sự phân hóa.
Tại Việt Nam, giá đường đi ngang hồi đầu quý và bắt đầu điều chỉnh nhẹ từ tháng 12/2024, xuống 20.000 đồng/kg - Ảnh minh họa.
Kết quả kinh doanh phân hóa
Theo đó, kết thúc quý IV/2024, Công ty CP Đường Quảng Ngãi (HoSE: QNS) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.174 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại tăng lên khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm tới 13%, còn 782 tỷ đồng.
Điểm sáng trong kỳ là QNS đã tiết giảm đáng kể chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ với mức giảm lần lượt là 13% và 82%. Qua đó, doanh nghiệp này thu về 623 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Luỹ kế cả năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 10.200 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với năm 2023, nhưng lãi ròng tăng gần 9%, đạt 2.377 tỷ đồng. Đây đều là con số doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp này từ trước đến nay.
Xét theo cơ cấu doanh thu, sữa đậu nành Vinasoy dẫn đầu với doanh thu 4.173 tỷ đồng, chiếm 41% tổng doanh thu và lãi gộp đạt 1.568 tỷ đồng. Mảng mía đường đóng góp 3.939 tỷ đồng doanh thu và 1.290 tỷ đồng lãi gộp. Phần còn lại đến từ Thành Phát và các hoạt động khác.
Tại Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (HoSE: SBT), trong quý IV/2024, doanh nghiệp mang về hơn 7.538 tỷ đồng, tăng hơn 7,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 231 tỷ đồng, tăng hơn 30,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2024, doanh thu của doanh nghiệp đạt 29.996 tỷ đồng, tăng 15,8%, trong khi lợi nhuận lũy kế đạt 827,8 tỷ đồng, tăng mạnh 44% so với năm 2023.
Chứng khoán DSC nhận định, vào năm 2025, giá đường được dự báo có thể tiếp tục duy trì ở mức cao nhờ sản lượng mía gia tăng khi vùng nguyên liệu được mở rộng. Tuy nhiên, SBT cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là nguy cơ giá đường giảm theo diễn biến của giá dầu thô, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn hồi phục chậm.
Tại Công ty CP Đường Kom Tum (HNX: KTS), báo cáo tài chính soát xét cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 31/12/2024 mới công bố cho thấy, doanh thu thuần và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đạt gần 176 tỷ đồng, tăng gần 138% so với kỳ trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 438 triệu đồng.
Doanh nghiệp cho biết nguyên nhân là do doanh thu bán hàng từ ngày 01/07/2024 đến 31/12/2024, niên độ 2024-2025 cao hơn so với cùng kỳ niên độ 2023-2024 (do từ ngày 01/07/2024 đến 31/12/2024 của niên độ 2024-2025 có sản lượng tồn kho của vụ trước chuyển qua lớn, cùng kỳ của niên độ 2023-2024 sản lượng tồn kho của vụ trước chuyển qua không đáng kể, thời vụ sản xuất của Công ty bắt đầu từ tháng 12 năm nay đến tháng 4 năm sau) dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng, lợi nhuận sau thuế từ ngày 01/07/2024 đến 31/12/2024, niên độ 2024-2025 tăng so với cùng kỳ niên độ 2023-2024.
Theo báo cáo tài chính giữa niên độ cho chu kỳ tài chính từ ngày 01/7 – 31/12/2024 đã soát xét, Công ty CP Mía Đường Sơn La (HNX: SLS) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 500 tỷ đồng, giảm hơn 19% so với kỳ trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 188 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần của SLS đạt hơn 1.293 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận lũy kế đạt gần 527 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2023
Còn tại Công ty CP Mía đường Lam Sơn (HOSE: LSS), Báo cáo tài chính hợp nhất quý II, niên độ tài chính từ ngày 01/7/2024-30/06/2025 ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 586 tỷ đồng, giảm gần 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 16 tỷ đồng, giảm mạnh 60% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu niên độ 2024-2025, doanh thu thuần của LSS ghi nhận đạt hơn 1.068 tỷ đồng, tương đương với doanh thu của cùng kỳ niên độ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 39 tỷ đồng, giảm gần 31,6% so với cùng kỳ năm trước.
Giá đường Việt Nam dự báo giảm
Theo Chứng khoán VCBS, giá đường thế giới bắt đầu đà giảm từ đầu quý IV, xuống 18,2 Uscents/lbs vào cuối năm 2024. Tại Việt Nam, giá đường đi ngang hồi đầu quý và bắt đầu điều chỉnh nhẹ từ tháng 12, xuống 20.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính đến từ:
Thứ nhất, triển vọng nguồn cung toàn cầu được cải thiện: ISO nâng ước tính thặng dư đường toàn cầu lên 200.000 tấn so với dự báo tháng 8 và hạ dự báo thâm hụt đường toàn cầu niên vụ 2024/2025 xuống -2,51 triệu tấn, thấp hơn mức -3,58 triệu tấn hồi tháng 8;
Thứ hai, sản lượng mía ép tại Brazil cao hơn kỳ vọng. Giá ethanol tại Brazil giảm khiến các nhà sản xuất chuyển sang sản xuất đường thay vì nhiên liệu sinh học gây áp lực lên giá đường.
Đánh giá về triển vọng của giá đường trong năm 2025, VCBS cho rằng, giá đường thế giới được dự báo đi ngang, quanh mức 17 – 19 Uscents/lbs, giá đường Việt Nam dự báo giảm.
Theo dự báo của USDA, đường thế giới không còn được dự báo thâm hụt, nhưng tồn kho niên vụ 2024/2025 được dự báo giảm so với niên vụ 2023/2024. Tuy nhiên, theo dự báo của ISO, đường thế giới vẫn được dự báo thâm hụt -2,51 triệu tấn.
Giá dầu thô kỳ vọng tăng trong quý I cùng giá ethanol cũng biến động tích cực hơn, theo đó sản lượng đường tại Brazil kỳ vọng giảm, hỗ trợ tích cực cho giá đường. Theo Unica, sản lượng mía tại Brazil niên vụ 2024/2025 (luỹ kế tới 16/01/2025) giảm 4,9%, sản lượng đường giảm 5,5% và sản lượng ethanol tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Tại thị trường Việt Nam, giá đường nội địa được dự báo giảm do nguồn cung trong nước khá đa dạng với đường từ các nhà máy trong nước, đường nhập khẩu chính ngạch từ Indonesia, Lào, Myanmar, Campuchia, đường lỏng HFCS, đường nhập lậu và gian lận thương mại. Theo Agromonitor, sản lượng đường niên vụ 2024/2025 của Thái Lan được dự báo đạt 10,35 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ, theo đó nguồn cung đường nhập lậu có thể tăng trở lại.
Trong khi đó, Chứng khoán Shinhan Việt Nam nhận định, giá đường sẽ tiếp tục neo cao, tạo động lực cho các doanh nghiệp trong ngành. Bên cạnh đó, chính sách áp thuế lên đường nhập khẩu cũng là yếu tố tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.