Chuẩn bị cho diễn đàn chuyên đề về chè sắp diễn ra ở tỉnh Phú Thọ tôi lên Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao để tìm hiểu thực tế.
Đồi chè Long Cốc ở Phú Thọ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Ở miền Bắc có hai vùng chè nổi tiếng là Thái Nguyên và Phú Thọ tương ứng với diện tích trên 22.200 ha và trên 16.000 ha. Tùy theo thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác mà vùng chè Thái Nguyên và Phú Thọ có cách thức chăm bón khá khác nhau.
Nông dân Phú Thọ rất ưa dùng NPK*M1 Lâm Thao10-5-5+9S để bón cho những vườn chè của mình. Còn nông dân Thái Nguyên lại chuộng bộ sản phẩm NPK*M1 vi sinh Lâm Thao 12-5-10+14S và phân hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao 3-5-2+2S+TE.
Để những sản phẩm mới được ưa chuộng không thể không kể đến quá trình khảo nghiệm trong một thời gian dài của Trung tâm Nghiên cứu Phân bón và Dinh dưỡng Cây trồng thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Phân hữu cơ khoáng 3-5-2+2S+TE vi sinh của Lâm Thao đã được các nhà khoa học khảo nghiệm diện hẹp trên vườn chè của bà Vũ Thị Siêm, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên; ông Nguyễn Văn Hiệp ở xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên từ tháng 1-12 năm 2021 và khảo nghiệm diện rộng từ tháng 1-12 năm 2022.
Bón phân cho chè. Ảnh: Dương Đình Tường.
Kết quả cho thấy trung bình khối lượng 100 búp chè khi được bón bằng công thức phân hữu cơ khoáng 3-5-2+2S+TE vi sinh ở mức 3.200 kg/ha tại hai điểm khảo nghiệm là cao nhất, năng suất đạt 13,1 tấn/ha, vượt so với đối chứng là 1,2 tấn/ha, tương ứng với 10,8%.
Kết quả khảo nghiệm diện rộng cho thấy trung bình khối lượng 100 búp của công thức bón phân hữu cơ khoáng 3-5-2+2S+TE vi sinh ở mức 3.200 kg/ha tại hai điểm cao hơn so với công thức đối chứng từ 4,6%-8,3%.
Điểm khảo nghiệm đầu năng suất đạt 13,4 tấn/ha, vượt đối chứng 1,27 tấn, tương ứng với 10,4%, điểm khảo nghiệm thứ hai năng suất đạt 13,7 tấn/ha, vượt đối chứng 1,3 tấn, tương ứng với 10,7 %. Về tổng thể, hiệu quả kinh tế khi bón ở điểm khảo nghiệm đầu tiên vượt 50,5% so với đối chứng và điểm khảo nghiệm thứ hai vượt 55,1% so với đối chứng.
Với dòng NPK-SM1 Lâm Thao 12-5-10+14 S khảo nghiệm diện hẹp được thực hiện trong thời gian từ tháng 1-12 năm 2021 trên vườn chè của ông Vũ Đình Mạnh ở thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên và của bà Nguyễn Thị Trà My ở xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên.
Kết quả cho thấy ở công thức 2.000 kg/ha đạt năng suất cao nhất, với 13.147 kg/ha, vượt đối chứng là 1.263 kg/ha/, tương ứng với 10,6%. Cũng ở công thức bón 2.000kg/ha ấy, các nhà khoa học làm khảo nghiệm diện rộng thực hiện từ tháng 1-12 năm 2022.
Kết quả cho thấy năng suất đạt 12,896 kg/ha cao hơn đối chứng 1.248kg/ha tương ứng 10,5%. Ở công thức 1.600 kg/ha năng suất đạt 12.558 kg/ha, cao hơn đối chứng là 1.196kg/ha, tương ứng 10,5%. Điều đặc biệt là hiệu quả kinh tế vượt 74 và 71% so với đối chứng.
Kiểm tra sự phát triển của chè. Ảnh: Dương Đình Tường.
Anh Trần Đại Nghĩa - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết với mục đích nâng cao chất lượng nông sản, nâng cao sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu Lâm Thao đã, đang và sẽ đưa ra các dòng sản phẩm phân bón xanh, sạch: “Trước đây người ta chỉ chú ý đến năng suất cây trồng, nay chú ý đến chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường. Lâm Thao dù là đơn vị truyền thống về sản xuất phân bón vô cơ nhưng cũng nhận thức được vấn đề biến đổi khí hậu, sức khỏe đất bị suy giảm, song song với việc nâng cao chất lượng những sản phẩm truyền thống, sản xuất những sản phẩm thích nghi với thời đại, đưa ra những giải pháp về phân bón chứ không chỉ đưa ra những sản phẩm đơn thuần.
Năm 2021 chúng tôi ra dòng sản phẩm hữu cơ khoáng, năm 2022 ra dòng sản phẩm supe lân vi sinh, năm 2023 ra dòng sản phẩm NPK vi sinh và hữu cơ khoáng vi sinh. Tiếp tục trong thì tương lai, Lâm Thao đầu tư dự án để sản xuất thêm những dòng sản phẩm mới nữa. Mục đích cuối cùng chúng tôi đưa ra là giải pháp nông nghiệp tiết kiệm chi phí cho bà con nông dân, nâng cao được chất lượng nông sản và thân thiện với môi trường”.
Dương Đình Tường