VPBank và CTCP Thế giới Di động (MWG) đã hợp tác triển khai mô hình đại lý thanh toán. Với hợp tác này, VPBank sẽ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngay tại 3.000 điểm bán lẻ của MWG trên phạm vi toàn quốc.
Các hệ thống chuỗi bán lẻ sẽ là những lựa chọn hàng đầu của ngân hàng khi tìm đại lý thanh toán
Pháp lý cho việc triển khai đại lý thanh toán đối với các điểm bán lẻ của MWG được các bên triển khai trên cơ sở tuân thủ các quy định tại Thông tư số 07/2024/ TT-NHNN cũng vừa được NHNN ban hành vào cuối tháng 6/2024. Theo đó, tại các điểm bán lẻ của MWG, khách hàng của VPBank có thể thực hiện các giao dịch: nộp, rút tiền, chuyển tiền thanh toán, mở tài khoản, mở thẻ tín dụng, đăng ký vay vốn, mua các gói bảo hiểm tín dụng...
Việc hợp tác giữa VPBank và MWG cho thấy mô hình nghiệp vụ ngân hàng đại lý (agent- banking) hiện nay đã bắt đầu được các NHTM nối lại sau khi NHNN chính thức có khung pháp lý cụ thể để quản lý đối với lĩnh vực này.
Trên thực tế, trong giai đoạn từ 2014-2023, NHNN đã cho phép thực hiện thí điểm một số mô hình dịch vụ thanh toán của Vietcombank và M-Service; MB và Viettel; PGBank và Petrolimex để đưa dịch vụ thanh toán đến những địa bàn, những đối tượng người dân mà ngân hàng không thuận lợi trong việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ. Việc triển khai các mô hình thí điểm này đã góp phần thúc đẩy dịch vụ thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng như góp phần phổ cập tài chính nói chung.
Sau khi kết thúc thời gian thí điểm, các mô hình đại lý thanh toán của Vietcombank, MB, PGBank và nhiều TCTD, fintech cũng bày tỏ mong muốn NHNN và Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để mô hình ngân hàng đại lý được nối lại.
Theo ghi nhận của Thời báo Ngân hàng, sau khi Thông tư số 07/2024/TT-NHNN chính thức có hiệu lực, MB đã xin bổ sung nội dung “đại lý thanh toán” vào giấy phép hoạt động của ngân hàng này. Trong khi đó, thời gian qua, MB và Viettel đã hợp tác chặt chẽ trong việc tích hợp ứng dụng ví điện tử ViettelPay vào app ngân hàng số MB để phát triển các dịch vụ chuyển tiền, nạp tiền, thanh toán nội địa. Do đó, sẽ không quá bất ngờ nếu thời gian tới các chuỗi cửa hàng nằm trong hệ sinh thái Viettel tiếp tục trở thành đại lý thanh toán của MB, tương tự như cách mà MWG đã hợp tác với VPBank.
Đối với các ngân hàng khác, cơ hội cũng sẽ mở ra tương tự. Vietcombank, PGBank hiện có sẵn kinh nghiệm thí điểm đại lý thanh toán với MoMo và Petrolimex nên nhiều khả năng sẽ nối lại và phát triển các hợp tác này.
Trong khi đó, Techcombank thời gian qua cũng đã hợp tác với chuỗi cửa hàng và siêu thị Winmart của Masan; BIDV gần đây đã hợp tác với nền tảng quản lý bán hàng KiotViet trong lĩnh vực thanh toán, thu hộ định danh cho khách hàng tiểu thương và doanh nghiệp... Nhiều khả năng các ngân hàng này sẽ không bỏ lỡ cơ hội để cạnh tranh mô hình đại lý thanh toán, tận dụng các chuỗi bán lẻ có sẵn chi nhánh, cửa hàng, nhân lực và nguồn tiền nhàn rỗi để khai thác các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tín dụng, nhất là tín dụng tiêu dùng và tín dụng bán lẻ phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, khi pháp lý đối với lĩnh vực đại lý thanh toán được ban hành và có hiệu lực, “làn sóng” đại lý ngân hàng sẽ lan tỏa và các tập đoàn bán lẻ tiêu dùng sẽ được hưởng lợi đáng kể. Ông Huân cho rằng, hiện nay, ngoài các chuỗi cửa hàng Thế giới Di động, Bách hóa Xanh của MWG, Winmart của Masan, trên thị trường có hàng trăm chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn nhỏ như hệ thống FPTShop, Viettel Store, Saigon Co.op, Nguyễn Kim, Con Cưng, Pharmacity, Circle K, Ministop...
“Độ bao phủ của các chuỗi cửa hàng này hiện nay khá rộng và được phân bố ở khắp mọi nơi trên cả nước. Vì thế, các chuỗi bán lẻ sẽ là những lựa chọn hàng đầu của ngân hàng khi tìm đại lý thanh toán”, ông Huân nhận định.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc cho phép các NHTM giao đại lý thanh toán theo Thông tư 07/2024/TT-NHNN là hướng đi đúng đắn để hướng tới tài chính toàn diện, đặc biệt ở các tỉnh thành xa xôi. Nghiệp vụ này sẽ mang lại hiệu quả hoạt động cho các ngân hàng khi giảm được chi phí mở chi nhánh, phòng giao dịch, chi phí về nguồn nhân lực mà vẫn có thể lan toả các dịch vụ ngân hàng cơ bản đến với nhiều người dùng hơn.
Về mặt lợi ích, phía bên được giao đại lý có thể nhận được một khoản hoa hồng từ phía ngân hàng. Cùng với đó, doanh thu và lợi nhuận cũng sẽ gia tăng nhờ tiếp cận được thêm một tệp khách hàng từ các TCTD. Bên được giao đại lý thì có thể tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh từ những giá trị có sẵn như cửa hàng, nhân lực, tiền nhàn rỗi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng nhận định rằng, khi cạnh tranh mở rộng các mô hình đại lý thanh toán, các NHTM cũng cần lưu ý đến các rủi ro có thể xảy ra, nhất là rủi ro liên quan đến đạo đức nghề nghiệp từ phía các đối tác và một số nghiệp vụ mang tính chuyên ngành. Do đó, các TCTD khi mở rộng mạng lưới đại lý thanh toán cần thiết lập một môi trường kiểm soát hoạt động với các quy trình quản trị phù hợp, tổ chức các bộ phận chịu trách nhiệm quản trị hoạt động, quản trị rủi ro, kiểm toán nội bộ với vai trò rõ ràng để bổ sung hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình vận hành.