Khi VN-Index vẫn quanh quẩn 1.200-1.300 điểm, các cổ phiếu nhóm FPT và Viettel đều đã lập đỉnh lịch sử mới trong năm qua cùng mức tăng trưởng vượt trội.
Đầu tháng 12/2024, CEO Nvidia Jensen Huang trở lại Việt Nam sau tròn một năm kể từ chuyến thăm đầu tiên. Những cam kết mạnh mẽ trong việc biến Việt Nam trở thành "ngôi nhà thứ 2" của Nvidia, trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của thế giới thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư công nghệ toàn cầu.
Trước lần trở lại này, "gã khổng lồ" ngành chip thế giới đã "bắt tay" với nhiều doanh nghiệp Việt, tạo ra cú huých lớn cho các cổ phiếu công nghệ bứt phá. Cũng trong năm qua, ngành viễn thông Việt Nam cũng có thêm chất xúc tác từ câu chuyện chính thức tắt sóng 2G để tập trung phủ sóng 5G và các dự án trung tâm dữ liệu (data center) lớn "rục rịch" triển khai.
Từ những động lực đó, 2 nhóm cổ phiếu FPT và Viettel, đại diện tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ - viễn thông trên sàn chứng khoán, đều bứt phá mạnh mẽ trong năm qua. Tổng vốn hóa nhóm FPT tăng 78% trong khi giá trị nhóm Viettel gấp 3,3 lần so với đầu năm, vượt trội hoàn toàn so với VN-Index (+12%).
Trong bối cảnh chỉ số vẫn quanh quẩn 1.200-1.300 điểm, đa phần các cổ phiếu "họ" FPT và Viettel đều đã lập đỉnh lịch sử mới trong năm qua. Ấn tượng nhất phải kể đến cú tăng tốc ngoạn mục của 2 đầu tàu FPT và Viettel Global (VGI). Từ vị trí ngoài top 10 khi bước vào năm 2024, bộ đôi này nay đã "chễm chệ" trong top 5 doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
FPT với 40 lần phá đỉnh, lập nên một kỷ lục "vô tiền khoáng hậu". Giá trị vốn hóa lên đến 220.000 tỷ đồng, trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Viettel Global là một trong những cái tên tăng mạnh nhất sàn chứng khoán năm 2024 với mức tăng gần 270%. Với gần 290.000 tỷ đồng, vốn hóa Viettel Global hiện chỉ xếp sau Vietcombank.
Thực tế, không phải tất cả cổ phiếu nhóm FPT và Viettel trên sàn chứng khoán đều hưởng lợi trực tiếp từ "trend" công nghệ. Nhưng rõ ràng, các lĩnh vực như viễn thông, logistics, chăm sóc sức khoẻ,… mà các thành viên thuộc FPT hay Viettel đang hoạt động, đều chịu tác động đáng kể từ xu hướng phát triển công nghệ.
Trong nhóm FPT, cổ phiếu FPT Retail (FRT), FPT Telecom (FOX), FPT Online (FOC) hay Chứng khoán FPT (FTS) đều có mức tăng hàng chục % từ đầu năm, vượt trội so với thị trường chung. Đáng chú ý, FPT Retail có thời điểm đã lọt vào danh sách tỷ USD vốn hóa trong khi FPT Telecom giữ vị thế là một trong những doanh nghiệp viễn thông lớn nhất sàn với vốn hóa 2 tỷ USD.
Tương tự, 2024 cũng là một năm nhiều với các cổ phiếu nhóm Viettel, ngoài VGI, cổ phiếu Viettel Post (VTP) cũng ghi nhận mức tăng bằng lần. Viettel Construction (CTR) tiếp tục duy trì mức vốn hóa quanh 14.000 tỷ đồng sau khi đạt đỉnh hồi tháng 6. Cổ phiếu của Thiết kế Viettel (VTK) thậm chí còn tăng 120% từ đầu năm.
Ở một góc độ nào đó, FPT là doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi lớn nhất từ sự bùng nổ xu hướng AI trên toàn cầu. Hồi tháng 4, Nvidia và FPT thỏa thuận đầu tư 200 triệu USD để thành lập nhà máy AI Factory đầu tiên. Tháng trước, hai bên mở thêm một nhà máy AI tại Nhật Bản và dự kiến có những nhà máy mới trong thời gian tới. Theo SSI Research, FPT AI Factory có thể sẽ ghi nhận doanh thu từ 2025, ước tính khoảng 100 triệu USD với công suất 90%.
"Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi toàn thế giới. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác chiến lược để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây thiết yếu cho các ứng dụng AI trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản, theo sáng kiến toàn cầu của Nvidia", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT khẳng định.
Mảng CNTT nước ngoài cũng chính là động lực giúp FPT duy trì tăng trưởng lợi nhuận "đều như vắt tranh" qua từng tháng, quý, năm. Sau 11 tháng, doanh thu CNTT nước ngoài của FPT đã vượt mốc 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Đà bứt phá được dẫn dắt bởi sức tăng đến từ cả 4 thị trường, đặc biệt là Nhật Bản và APAC.
Trong khi đó, FPT Telecom bên cạnh mảng kinh doanh truyền thống cung cấp Internet băng rộng, truyền hình trả tiền tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng phát triển cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu để đáp ứng nhu cầu sử dụng cloud.
Cùng ngành công nghệ - viễn thông, Viettel Global mang sứ mệnh đưa Viettel trở thành tập đoàn lớn mạnh tầm quốc tế. Tổng công ty đang hoạt động tại 9 quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mĩ với tổng dân số hơn 200 triệu người. Trong đó, Viettel Global đứng top 1 thị phần tại 6 thị trường chính Myanmar, Campuchia, Lào, Đông Timor, Burundi…
2024 là năm bản lề đối với Viettel Global khi tổng công ty tiến những bước quan trọng trong việc xử lý các vấn đề tồn động và tiến đến hết lỗ lũy kế vào năm 2025. Đây được xem là bước đệm để Viettel Global sẽ có thể tính toán phương án chia cổ tức. 9 tháng đầu năm, Viettel Global lãi trước thuế hơn 6.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Cũng liên quan đến lĩnh vực viễn thông, với vị thế là TowerCo có thị phần số 1 Việt Nam (hơn 9.500 trạm BTS tính đến cuối tháng 11), Viettel Construction là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn từ việc phủ sóng 5G tại Việt Nam nhờ việc phủ sóng trạm phát sóng. SSI Research ước tính Viettel Construction sẽ xây mới 3.000 trạm BTS trong năm 2024 và 4.500 trạm BTS trong năm 2025.
Ông Trần Quốc Toàn – Giám đốc Chi nhánh 2 Hội sở Mirae Asset cho rằng nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mức định giá cao hơn trung bình trong nhiều năm qua, dựa trên tiềm năng tăng trưởng bền vững trong tương lai.
"Các dự án chiến lược như hợp tác với Nvidia phát triển công nghệ AI, mở rộng thị trường trung tâm dữ liệu và triển khai mạng 5G đang mở ra cơ hội tăng trưởng vượt bậc cho cả nhóm Viettel và FPT, khiến dòng tiền tiếp tục đổ vào nhóm cổ phiếu này. Sự kết hợp của xu hướng toàn cầu đi cùng kết quả kinh doanh khả quan và kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ đã tạo nên cơn sóng tăng giá bền vững cho nhóm cổ phiếu họ "Viettel-FPT" trong năm qua", chuyên gia Mirae Asset nhận định.
Ngoài công nghệ - viễn thông, các doanh nghiệp trong nhóm FPT và Viettel đang hoạt đông trong lĩnh vực khác như FPT Retail hay Viettel Post cũng có những điểm nhấn riêng thu hút giới đầu tư.
Viettel Post bắt đầu vận hành Công viên Logistics Lạng Sơn từ ngày 11/12, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng logistics, phục vụ xuất, nhập khẩu truyền thống và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa thương mại điện tử giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là bước đầu trong việc hiện thực hóa tham vọng logistics xuyên biên giới của Viettel Post.
Trong khi đó, FPT Retail với chuỗi nhà thuốc và hệ thống tiêm chủng Long Châu đang dần hiện thực hóa tham vọng khép kín chuỗi chăm sóc sức khỏe – lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Theo SSI Research, Long Châu sẽ có 1.900 và 2.300 nhà thuốc vào cuối năm 2024-2025 và đặt mục tiêu có 100 trung tâm vaccine vào cuối năm 2024, sau đó mở 150 trung tâm vào năm 2025.
Theo Chứng khoán TPS, quy mô thị trường dịch vụ CNTT toàn cầu ước tính khoảng 1.200 tỷ USD năm 2024 và dự báo khoảng 2.300 tỷ USD vào năm 2033, tương ứng CAGR giai đoạn 2025 – 2033 là 7,26%. Sự phát triển của dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ bảo mật an ninh mạng là những yếu tố chính thúc đẩy thị trường.
Tại Việt Nam, thị trường CNTT và dịch viễn thông được định giá 21 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 36 tỷ USD vào năm 2029 với CAGR là 9,1%. Thị trường này đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở nhiều nhóm ngành hàng như sức khỏe, giáo dục, tài chính và sản xuất. Riêng với thị trường AI, hãng tư vấn toàn cầu IMARC Group dự báo sẽ tăng lên hơn 2 tỷ USD năm 2032, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 15,8%.
Sự mở rộng của thị trường trong thời gian tới được thúc đẩy bởi các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và công nghệ chuỗi khối. Kết nối 5G, điện toán biên, biện pháp an ninh mạng, và phân tích dữ liệu là xu hướng chính của ngành công nghệ thông tin truyền thông trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang đặt quyết tâm đưa Việt Nam trở thành nước có nền công nghệ thông tin phát triển qua nhiều biện pháp toàn diện và đồng bộ như đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường đào tạo nhân sự IT có trình độ cao; kêu gọi hợp tác với các ông lớn công nghệ để đưa Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, fintech,…
Ngoài ra, ngành CNTT sẽ được dự báo hưởng lợi khá lớn từ dòng vốn FDI trong thời gian tới. Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các công ty toàn cầu đang tìm kiếm đầu tư vào công nghệ thông tin do hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc + 1, tăng trưởng kinh tế tích cực, chi phí lao động rẻ, cơ sở hạ tầng được cải thiện, tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.
"Dư địa rộng lớn của thị trường công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn mở ra tiềm năng tăng trưởng cho các doanh nghiệp có nội lực mạnh mẽ và thích ứng cao như nhóm FPT và Viettel trong tương lai", chuyên gia Mirae Asset nhận định.