Đối với những người ngư dân bám biển, trong những khoảnh khắc nguy nan, sự xuất hiện của những người Dầu khí trên các phương tiện, công trình biển, chính là ánh sáng hy vọng được thắp lên mạnh mẽ.
Những ngày gần đây, tin tức về việc Chi nhánh PVEP Khánh Mỹ thuộc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và tàu PVT Neptune của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans) đã kịp thời phát hiện, cứu hộ thành công 4 ngư dân gặp nạn trên biển đã khiến tập thể người lao động dầu khí không khỏi xúc động và tự hào trước tấm lòng nhân ái, nghĩa tình của những người đồng nghiệp đang làm việc nơi đầu sóng ngọn gió, giữa biển cả bao la.
Được biết, vào ngày 7/10 vừa qua, PVEP Khánh Mỹ trong khi đang thực hiện công tác khoan khảo sát đáy biển tại khu vực ngoài khơi tỉnh Cà Mau bằng tàu Bình Minh, đã phát hiện một người trôi nổi trên biển cần sự giúp đỡ. Công tác cứu nạn đã nhanh chóng được triển khai và đưa được người bị nạn lên tàu an toàn. Trước đó vào ngày 24/9/2024, tàu PVT Neptune trên hải trình đến Haldia, Ấn Độ, cũng đã phát hiện và cứu giúp 3 ngư dân người Myanmar đang gặp nạn, trôi dạt trên vùng biển Thái Lan.
Các ngư dân Myanmar trôi dạt trên biển Thái Lan được thuyền viên tàu
Ngay sau khi được cứu vớt, các ngư dân đã được tập thể thuyền viên, người lao động Dầu khí trên tàu chăm sóc y tế, cung cấp quần áo, thực phẩm và động viên về mặt tinh thần. PVEP Khánh Mỹ đã cùng tàu Bình Minh phát đi thông báo tới Cảng vụ Hàng hải Cà Mau và các cơ quan chức năng liên quan để phối hợp hỗ trợ đưa ngư dân về bờ. Về phía tàu PVT Neptune sau đó đã chủ động thay đổi hải trình, đưa 3 ngư dân gặp nạn đến điểm bàn giao cho tàu Hải quân Myanmar để chính quyền nước này đưa các ngư dân trở về nhà an toàn.
Tương tự, vào tháng 12/2023, tàu PTSC Hải An do Công ty Tàu Dịch vụ Dầu khí (PTSC Marine) quản lý và khai thác, đang hoạt động tại vùng biển ngoài khơi Malaysia cũng đã phát hiện và kịp thời cứu 3 ngư dân người Việt trôi dạt trên biển. Ngay sau khi được cứu vớt, các ngư dân đã được tập thể thuyền viên trên tàu chăm sóc y tế, cung cấp quần áo, thực phẩm và động viên về mặt tinh thần. Tàu PTSC Hải An sau đó đã phối hợp với cơ quan hàng hải Malaysia tạo điều kiện đưa ngư dân về nước một cách sớm nhất có thể.
Tàu PTSC Hải An phát hiện và cứu 3 ngư dân người Việt trôi dạt trên vùng biển ngoài khơi Malaysia.
Đây chỉ là những vụ việc mới đây nhất, trên hàng ngàn vụ cứu nạn, cứu hộ mà người lao động Dầu khí làm việc trên các phương tiện, công trình biển đã thực hiện trong suốt nhiều năm qua. Hành động cứu nạn, chăm sóc y tế và cả động viên tinh thần kịp thời cho những ngư dân gặp nạn trên biển không chỉ thể hiện tấm lòng nhân ái, nghĩa tình của người lao động Dầu khí, mà còn khẳng định vai trò quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đối với các hoạt động an ninh - quốc phòng, cứu hộ - cứu nạn trên biển.
Với đặc thù hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại các vùng biển xa, những công trình, những con tàu dầu khí không chỉ là biểu tượng của sự phát triển kinh tế, mà còn đóng vai trò là “trạm cứu hộ khẩn cấp”, kịp thời ứng cứu ngư dân và các tàu thuyền gặp nạn. Còn nhớ vào năm 2017, người lao động trên giàn PQP-HT của Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) đã cứu giúp một ngư dân bị tai biến mạch máu não, hôn mê sâu trên tàu cá và hỗ trợ trực thăng đưa ngay về Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh trong đêm tối. Những năm qua, giàn PQP-HT cũng đã nhiều lần hỗ trợ, cứu nạn hàng chục trường hợp ngư dân gặp nạn trên biển, giúp chăm sóc y tế, bố trí phương tiện đưa ngư dân về Vũng Tàu an toàn.
Giàn khai thác Hải Thạch cứu ngư dân bị hôn mê sâu trong đêm tối.
Các công trình biển thuộc Liên doanh Vietsovpetro cũng không ít lần nhận được tín hiệu cấp cứu từ tàu thuyền xung quanh. Năm 2018, Giàn nén khí Rồng - Vietsovpetro đã kịp thời tiếp nhận, sơ cấp cứu và hỗ trợ đưa về bờ an toàn một ngư dân bị đau ruột thừa cấp tính. Được biết, người ngư dân này đang làm việc trên một tàu cá thì bị đau bụng dữ dội nên chủ tàu đã phát đi tín hiệu cầu cứu sự hỗ trợ y tế của bác sĩ trên giàn. Cùng khoảng thời gian trên, giàn PPD 40000 thuộc cụm giàn Công nghệ trung tâm số 2 của Vietsovpetro cũng đã tiếp nhận và hỗ trợ y tế kịp thời cho một ngư dân bị tai nạn lao động từ tàu hải quân của Công ty 128 chuyển sang. Bác sĩ của giàn đã tiến hành sơ cứu và chuyển bệnh nhân lên máy bay trực thăng để đưa về bờ Vũng Tàu với sự trợ giúp của nhân viên y tế Vietsovpetro được điều động từ bờ ra cùng máy bay.
Giàn PPD 40000 hỗ trợ cấp cứu và đưa ngư dân về bờ điều trị.
Hay như sự việc vừa diễn ra trên vùng mỏ Đại Hùng vào tháng 5/2024 vừa qua, chỉ trong vòng 2 tuần, giàn FPU Đại Hùng 01, thuộc Chi nhánh Điều hành Dầu khí trong nước (PVEP-POC) đã 2 lần tiếp nhận và hỗ trợ y tế cho các ngư dân gặp tai nạn lao động trên biển. Với lòng nhiệt tình và thấu hiểu về sự thiếu thốn vật tư y tế trên các tàu cá, toàn bộ ê kíp hỗ trợ cứu nạn đã được kích hoạt để tiếp nhận và nhanh chóng xử lý vết thương cho các ngư dân gặp nạn. Bác sỹ giàn đã thăm khám và xử lý vết thương ổn định cho các bệnh nhân, sau đó các bệnh nhân đã được PVEP-POC hỗ trợ đưa về bờ bằng trực thăng để tiếp tục kiểm tra và điều trị. Ngoài việc thăm khám và hỗ trợ y tế thì tập thể CBNV giàn FPU Đại Hùng 01 đã tổ chức quyên góp và ủng hộ tiền mặt cho các ngư dân gặp nạn khi vận chuyển về bờ.
Một số hình ảnh cứu nạn và hỗ trợ ý tế tại giàn FPU Đại Hùng 01.
Trong những năm qua, tất cả các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, trong quá trình hoạt động trên biển đã thường xuyên phát hiện và thực hiện cứu nạn, cứu hộ thành công hàng trăm ngư dân gặp nạn trên biển, kịp thời can thiệp y tế và hỗ trợ di chuyển tất cả các nạn nhân về bờ an toàn. Mỗi cán bộ, người lao động Dầu khí luôn sẵn sàng cứu giúp và tâm niệm việc tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người bị nạn trên biển là một công việc có ý nghĩa lớn, là một phần trách nhiệm của những người lao động trên biển. Điều này thể hiện tấm lòng của những người làm Dầu khí trên biển, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” đối với đồng bào, đặc biệt trong điều kiện làm việc xa đất liền, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Ngoài ra, sự tận tâm, chuyên nghiệp trong việc chăm sóc y tế, cung cấp nhu yếu phẩm và động viên tinh thần cho người gặp nạn cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của những người lao động Dầu khí, không chỉ với hoạt động sản xuất, mà còn với an toàn và sinh mạng của những người lao động sinh sống nương nhờ biển cả.
Những ngư dân cô độc, nhỏ bé trôi dạt giữa trùng dương mênh mông sóng nước, sinh mạng của họ mong manh như ngọn đèn trong gió bão, được kịp thời cứu vớt, chăm sóc, thực sự là những hình ảnh dâng trào cảm xúc, mang tính nhân văn sâu sắc. Đối với những ngư dân bám biển, trong những khoảnh khắc nguy nan, sự xuất hiện của những người Dầu khí trên các phương tiện, công trình biển, không chỉ là ánh sáng hy vọng được thắp lên mạnh mẽ, mà còn giúp họ cảm nhận được sâu sắc sự ấm áp, tình tương thân tương ái, nhân văn cao cả giữa người với người, không kể đến quốc tịch, màu da. Ngành Dầu khí, những người lao động Dầu khí, bên cạnh việc nỗ lực lao động sản xuất đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo, còn luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay, nguyện làm những “anh hùng thầm lặng” đối với những ngư dân bám biển trên những con sóng bạc đầu. Tất cả đều thể hiện giá trị nghĩa tình, trách nhiệm xã hội, tính nhân văn sâu sắc thấm đượm trong mọi hoạt động của Petrovietnam./.
Trúc Lâm