Ngành cảng biển Việt Nam tăng trưởng ấn tượng khi hàng loạt doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh bứt phá. Bên cạnh đó, loạt dự án “siêu” cảng như 4 cụm bến tại khu cảng nước sâu Lạch Huyện đi vào hoạt động từ quý 1/2025, hay các dự án như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng nước sâu Gemalink - giai đoạn 2A đang được triển khai, hứa hẹn đưa ngành cảng biển Việt Nam thay đổi mạnh mẽ.
Chốt phiên 7/2, cổ phiếu MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC – UPCOM: MVN) giảm nhẹ 0,68% về còn 87.900 đồng/CP. Đây mới chỉ là phiên giảm điểm đầu tiên sau 6 phiên tăng liên tiếp của MVN.
Tính rộng ra, từ đầu năm đến nay, MVN tăng 15/22 phiên, đẩy thị giá đi từ 55.000 đồng/CP lên mức tiệm cận 88.000 đồng/CP như hiện tại, tương ứng mức tăng 60%. Vốn hóa của công ty cũng được đẩy lên mức 105.480 tỷ đồng, qua đó trở thành doanh nghiệp thứ 18 trên thị trường có vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu MVN tăng điểm mạnh mẽ trong bối cảnh kết quả kinh doanh của VIMC tăng trưởng tích cực trong năm 2024.
Năm 2024, sản lượng vận tải biển do đội tàu VIMC đảm nhận đạt 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch năm. Trong lĩnh vực cảng biển, sản lượng hàng hóa thông qua ước đạt 145 triệu tấn, tăng 26% so với cùng kỳ và vượt 17% kế hoạch năm.
Sản lượng gia tăng giúp doanh thu của tổng công ty đạt mức kỷ lục 17.003 tỷ đồng, tăng 33% so với 2023. Động lực chính đến từ hoạt động khai thác cảng và dịch vụ hàng hải, mang về 7.627 tỷ đồng doanh thu, tăng 19%. Đây cũng là mảng mang lại lợi nhuận lớn nhất cho MVN, khi mang về 2.210 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tương đương 79% cơ cấu lợi nhuận gộp của công ty.
Đồng thời, hoạt động khác lãi đột biến 1.342,5 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ. Trong năm, công ty đã thanh lý tài sản thu về 722 tỷ đồng (năm trước chỉ 83,6 tỷ đồng). Trừ đi thuế phí, VIMC ghi nhận 2.604 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 53% so với thực hiện của năm 2023.
Sự tăng trưởng tích cực của VIMC có đóng góp không nhỏ của CTCP Cảng Hải Phòng (UPCOM: PHP) – công ty con do VIMC sở hữu với tỷ lệ 92,5%.
Trong quý 4/2024, công ty ghi nhận 710 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với quý 4/2023, lợi nhuận gộp từ đó tăng gần 100 tỷ đồng lên 244,4 tỷ đồng. Trừ đi thuế phí, lãi sau thuế của Cảng Hải Phòng tăng trưởng 55% lên 197,3 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2024, doanh thu của Cảng Hải Phòng đạt 2.595 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 20,4% và 31% so với kết quả năm 2023, tương ứng vượt 12,3% kế hoạch doanh thu và 42,9% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 30,8% lên 975 tỷ đồng.
Đây cũng là doanh thu và lợi nhuận sau thuế cao nhất của Cảng Hải Phòng kể từ khi có mặt trên thị trường chứng khoán vào năm 2015.
Cảng Hải Phòng là đơn vị vận hành loạt cảng lớn tại TP Hải Phòng của VIMC, bao gồm cảng Hoàng Diệu, cảng Tân Vũ và cảng Chùa Vẽ. Công ty cũng là chủ đầu tư bến cảng số 3,4 của cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện – cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc.
Tương tự cổ phiếu MVN của VIMC, cổ phiếu PHP của Cảng Hải Phòng cũng đang “làm mưa làm gió” trên sàn chứng khoán thời gian vừa qua. Phiên 7/2, PHP giảm nhẹ 0,67%. Đây mới chỉ là phiên giảm thứ 3/10 phiên gần nhất của PHP. Tính rộng ra từ đầu năm 2025 đến nay, thị giá PHP tăng gần 29% với 14 phiên tăng điểm so với chỉ 8 phiên giảm điểm.
Một “ông lớn” cảng biển khác tại TP Hải Phòng – CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship - HOSE: VSC) cũng có kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trong năm 2024, ghi nhận 2.788 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 28% so với kết quả năm 2023, lợi nhuận gộp từ đó tăng gấp rưỡi lên 970 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính của công ty tăng mạnh lên 264 tỷ đồng, cao gấp 8,5 lần so với cùng kỳ. Kết quả, công ty lãi trước thuế 651 tỷ đồng, tăng 145,6% so với năm 2023.
Viconship lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu 2.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng. Như vậy công ty đã vượt 14% kế hoạch doanh thu và 103% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Trong cơ cấu doanh thu tài chính năm 2024 của Viconship, 220 tỷ đồng đến từ quý 4. Theo văn bản giải trình được công ty công bố, trong quý 4/2024, công ty đã đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào công ty liên kết (35% phần vốn góp tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ), căn cứ vào giá trị mua tương đương của phần mua 65%, số tiền 189 tỷ đồng.
Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ là chủ sở hữu cảng Nam Hải Đình Vũ tại TP Hải Phòng. Trong năm 2023, Viconship đã mua vào 35% vốn điều lệ công ty này với giá trị khoảng 1.004 tỷ đồng, tương ứng với giá mua gần 75.000 đồng/CP.
Đến tháng 7/2024, Viconship công bố hoàn thành nhận chuyển nhượng phần vốn góp còn lại tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ, nâng sở hữu lên 399,99 tỷ đồng trong số 400 tỷ đồng vốn điều lệ của công ty này, tương ứng tỷ lệ 99,999%.
CTCP Gemadept (HOSE: GMD) – một trong những tập đoàn cảng biển hàng đầu Việt Nam cũng ghi nhận doanh thu hợp nhất năm 2024 tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2023 lên 4.832 tỷ đồng - cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, hoạt động khai thác cảng tăng trưởng mạnh mẽ khi ghi nhận doanh thu đạt 4.201 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 1.965 tỷ đồng, tăng lần lượt 44,4% và 54,7% so với năm 2023.
Doanh thu tài chính năm 2024 của Gemadept giảm 78,5% so với cùng kỳ về còn 417,6 tỷ đồng, chủ yếu do năm 2023 tăng đột biến với khoản lãi 1.840 tỷ đồng chuyển nhượng vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ.
Do doanh thu tài chính giảm mạnh, công ty báo lãi sau thuế năm 2024 đạt 1.905 tỷ đồng, giảm gần 25% so với năm 2023. Tuy nhiên kết quả này vẫn cao vượt trội so với những năm trước đó.
Thành lập vào năm 1990, Gemadept sau gần 35 năm phát triển, hiện là một trong những doanh nghiệp cảng biển hàng đầu cả nước với hệ thống cảng trải dài từ Bắc vào Nam. Tại TP Hải Phòng, công ty sở hữu loạt cảng lớn, bao gồm cảng Nam Hải, cảng Nam Hải ICD và cụm cảng Nam Đình Vũ. Trong đó, cụm cảng Nam Đình Vũ có diện tích 65ha, sở hữu 7 cầu bến kéo dài 1,5km với công suất thiết kế 3 giai đoạn là 2 triệu teu/năm.
Ở thị trường miền Nam, siêu cảng nước sâu Gemalink tại Cái Mép, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu – liên doanh giữa Gemadept (75%) và đối tác CMA Terminals của Pháp (25%), đi vào hoạt động từ tháng 1/2024 và nhanh chóng trở thành một trong những thương cảng hàng đầu thế giới với công suất 3 triệu teu/năm.
CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng (UPCOM: TOS) ghi nhận doanh thu thuần quý 4/2024 đạt 1.910 tỷ đồng, cao gấp 4,4 lần quý 4/2023. Lợi nhuận gộp từ đó tăng mạnh từ 126 tỷ đồng lên 354 tỷ đồng. Trừ đi thuế phí, TOS báo lãi sau thuế đạt 253 tỷ đồng, cao gấp 6,6 lần cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2024, doanh thu của công ty đạt 3.976 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 488,68 tỷ đồng, tăng lần lượt 152% và 143,5% so với kết quả năm 2023, vượt 178% kế hoạch doanh thu và 206% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2024.
Bóc tách cơ cấu doanh thu, hoạt động dịch vụ ngoài khơi của TOS vẫn chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu khi mang về 1.771 tỷ đồng doanh thu, tăng 82,7% so với cùng kỳ. Doanh thu nạo vét cầu cảng, xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ nhất, đạt 1.489 tỷ đồng, cao gấp gần 12 lần so với năm 2023.
Dịch vụ biển Tân Cảng là thành viên của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn với tỷ lệ sở hữu 36%, hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp tàu dịch vụ dầu khí và khai thác cảng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TOS phản ứng tích cực với kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024. Chốt phiên 7/2, TOS tăng 2,21% lên 138.900 đồng/CP, tương đương vốn hóa 4.306 tỷ đồng.
Đây là phiên tăng điểm thứ 8/10 phiên gần nhất. Trong đó, kể từ khi công bố kết quả kinh doanh ngày 22/1/2025, TOS có 5 phiên tăng với 4 phiên tăng trần trên sàn UPCOM. Thị giá cổ phiếu tăng gần 88% tính từ đầu năm đến nay.
Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT) tại bến 3,4 cảng Lạch Huyện. Ảnh: Trọng Tùng
Chiều ngày 6/2/2025 vừa qua, cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT) chính thức đi vào hoạt động khi đón chuyến tàu đầu tiên cập cảng. Tọa lạc tại bến 5, 6 khu bến cảng nước sâu Lạch Huyện, đây là dự án cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc do Tập đoàn Hateco làm chủ đầu tư.
Với tổng diện tích 73ha, cảng HHIT bao gồm 02 bến chính với chiều dài 900m có thể tiếp nhận cùng lúc hai tàu container có trọng tải 200.000 DWT (~ 18.000 TEU) và bến sà lan với chiều dài 200m, có thể đón những tàu lớn nhất thế giới và đi trực tiếp từ những nơi xa nhất như bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ.
Khu bến cảng nước sâu Lạch Huyện nằm tại thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải. Với vị trí đắc địa, thuận lợi kết nối giao thương trong nước và quốc tế, đây là dự án trọng điểm của TP Hải Phòng, được kỳ vọng sẽ tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm logistics của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Nằm cạnh cảng HHIT, bến container số 3 và số 4 do CTCP Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư đang gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại để có thể đưa giai đoạn 1 đi vào vận hành từ quý 1/2025.
Bến cảng 3,4 do Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư. Dự án nằm cạnh Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HITC) tại bến 1,2 khu cảng Lạch Huyện. Ảnh: Trọng Tùng
Dự án bao gồm hai bến chính dài 750m, một bến sà lan dài 150m, hệ thống bãi chứa hàng, đường giao thông, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 8000 – 14.000 TEU, tương đương 100.000 – 160.000 DWT, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua 1,1 triệu TEU/năm. Tổng mức đầu tư của dự án gần 7.000 tỷ đồng.
Vào cuối năm 2024, PHP cùng với Công ty Terminal Investment Limited (TIL) – công ty con chuyên về khai thác và đầu tư cảng container của hãng vận tải biển hàng đầu thế giới MSC, đã thành lập liên doanh là Công ty TNHH Cảng quốc tế TIL Cảng Hải Phòng. Công ty có nhiệm vụ khai thác hai bến container quốc tế số 3, 4 khu bến cảng Lạch Huyện.
Tại bến 1,2, Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HITC) là cảng đầu tiên đi vào vận hành tại khu bến cảng nước sâu Lạch Huyện. Sản lượng thông qua tại cảng TC-HITC tăng trưởng đều những năm vừa qua, tăng từ 500.000 teu năm 2020 lên đỉnh kỷ lục 1,5 triệu teu đạt được trong năm 2024.
Cảng Nam Đình Vũ của Gemadept. Ảnh: Trọng Tùng
Tại Hải Phòng, CTCP Gemadept cũng đang mở rộng hoạt động đầu tư với cảng Nam Đình Vũ. Giai đoạn 3 của dự án được kỳ vọng đưa vào khai thác cuối năm 2025, sau khi hai giai đoạn đầu đã lấp đầy công suất, nâng tổng công suất của cụm cảng lên 2 triệu teu/năm.
Ở phía Nam, chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 6/2024, ban lãnh đạo Gemadept cho biết công tác chuẩn bị cho giai đoạn 2A của dự án cảng nước sâu Gemalink đã hoàn tất. Công ty đang thực hiện thủ tục xin giấy phép xây dựng để dự kiến khởi công từ cuối quý 2/2025. Sau khi hoàn thành, giai đoạn 2A dự kiến mang về thêm cho Gemalink 600.000 teu mỗi năm, nâng tổng sản lượng hàng năm lên 2,1 triệu teu.
Vào ngày 16/1/2025 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 148/QĐ-TTg, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Dự án có diện tích 571 ha, tổng vốn đầu tư không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.
Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được căn cứ trên văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư và hồ sơ kèm theo nộp ngày 6/4/2023, và các văn bản giải trình, do CTCP Cảng Sài Gòn (UPCOM: SGP) và Terminal Investment Limited Holding S.A (TIL) – thành viên hãng tàu hàng đầu thế giới MSC nộp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trước đó, vào ngày 8/1/2025, Cảng Sài Gòn đã ký kết hợp đồng với CTCP Chứng khoán Asean để tư vấn phương án tài chính cho dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2024, khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 864,4 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng tàu thuyền qua cảng cũng tăng trong năm ngoái với số lần thông qua cảng biển ước đạt 102.670 lượt, tăng trưởng 2%.
Trong báo cáo Ngành cảng biển được công bố đầu tháng 1/2025, trung tâm phân tích của CTCP Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định lý do chính cho sự tăng trưởng này là tình hình xuất nhập khẩu chung của Việt Nam được cải thiện.
Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong năm 2024 đạt 786,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 405,5 tỷ USD (tăng 14,3%) và trị giá nhập khẩu đạt 380,8 tỷ USD (tăng 16,7%).
Giá trị xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI cũng tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ, với xuất khẩu đạt 289,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 240,6 tỷ USD, tăng lần lượt 12,5% và 15,1% so với năm 2023. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, chủ yếu ở mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử, đóng góp tăng trưởng sản lượng ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu.
Xu thế này được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2025, khi Bộ Công thương dự báo tình hình xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 12%, hỗ trợ sản lượng thông cảng tăng trưởng.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia phân tích của Chứng khoán ABS, nguồn vốn FDI tăng trưởng cũng sẽ là một động lực khác thúc đẩy phát triển ngành cảng biển trong thời gian tới.
Tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
Đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong tháng đầu năm 2025, khi tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 4,3 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2024; vốn thực hiện trên 1,5 tỷ USD, tăng 2%.
Dù được nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ, theo Chứng khoán ABS, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cảng biển sẽ gia tăng mạnh mẽ trong năm 2025.
“Cạnh tranh gay gắt sẽ diễn ra ở khu vực cảng Hải Phòng do gia tăng công suất thiết kế,” báo cáo của ABS cho biết. Tại khu vực này, tổng cộng sẽ có 3 dự án mở rộng công suất trong năm 2025.
Cụ thể, tại khu bến cảng nước sâu Lạch Huyện, bốn bến cảng mới (bến 3, 4 của Cảng Hải Phòng và bến 5, 6 của Tập đoàn Hateco) đi vào hoạt động dự kiến nâng công suất thiết kế khu bến này lên gấp 3 lần. Trong khi đó, Nam Đình Vũ 3 của GMD đi vào hoạt động trong cuối năm 2025 cũng sẽ tăng công suất lên 650.000 TEU/năm.
Gia tăng công suất thiết kế trong khi nguồn cung hàng hóa chưa có biến chuyển tích cực trong năm 2025 dẫn đến tình trạng dư thừa công suất.
Các cảng nước sâu hưởng lợi nhờ xu hướng gia tăng cỡ tàu. Theo Công hội Hàng hải Quốc tế và Vùng Baltic (BIMCO), các hãng tàu container có xu hướng đặt hàng tàu cỡ trung đến lớn (12k-17k TEU) chiếm 50% tỷ lệ đặt hàng năm 2024 và dự kiến đạt 60% trong năm 2025 do tăng trưởng nhu cầu vận chuyển và giúp các hãng tàu tối ưu chi phí.
Vì vậy, các bến container Lạch Huyện đi vào hoạt động sẽ gây áp lực lớn lên các cảng phía trong hạ nguồn khi các hãng tàu tăng kích cỡ để vào cảng nước sâu.
Tác giả: Minh Phong; Thiết kế: Hà Anh