Giá dầu tiếp tục giảm tại châu Á trong phiên 17/12, do dữ liệu kinh tế của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu, trong khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước thềm cuộc họp chính sách của Fed.
Lo ngại về nhu cầu tiếp tục "nhấn chìm" thị trường dầu. Ảnh: TTXVN
Vào lúc 15 giờ 02 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ giảm 11 xu Mỹ xuống 70,60 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2 xu Mỹ xuống 73,89 USD/thùng.
Nhà phân tích thị trường Tony Sycamore của ngân hàng IG cho biết giá dầu đang gặp áp lực do loạt số liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc và hoạt động chốt lời sau khi tăng 6% vào tuần trước.
Đà giảm này kéo dài từ phiên trước, do số liệu chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc yếu hơn dự dự đoán, dù sản lượng công nghiệp tăng mạnh. Bên cạnh đó, giới đầu tư chuyển sang trạng thái “án binh” trước cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Fed được dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm nay vào ngày 17-18/12. Cuộc họp này cũng sẽ cung cấp thêm manh mối về mức độ cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2025 và 2026, và liệu Fed có thu hẹp lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ trước dự đoán lạm phát sẽ gia tăng dưới thời chính quyền sắp tới của ông Donald Trump hay không.
Theo các nhà phân tích của LSEG, giá dầu hiện nay đã phản ánh mức cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tới của Fed, vì vậy bất kỳ diễn biến bất ngờ nào từ cuộc họp này đều có thể khiến thị trường biến động. Lãi suất thấp hơn thường có lợi cho giá dầu vì nó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu “vàng đen”.
Tuy nhiên, triển vọng của thị trường dầu trong năm tới đang chịu tác động tiêu cực khi nguồn cung từ các quốc gia ngoài Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những nước liên minh, hay còn gọi là OPEC+, đang ngày càng tăng, trong khi nhu cầu chậm lại, chủ yếu ở Trung Quốc.
Trong báo cáo mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết ngay cả khi nhóm OPEC+ duy trì chính sách cắt giảm sản lượng, thị trường dầu sẽ dư cung 950.000 thùng/ngày vào năm tới, tương đương gần 1% nguồn cung toàn cầu.