Sau thời gian lập đỉnh vào tháng 7, mã HVN của Vietnam Airlines đã lình xình đi ngang. Tới phiên 8/11, cổ phiếu này đã tăng kịch trần dưới sự trợ lực của kết quả kinh doanh cùng với việc công bố lộ trình khắc phục tình trạng bị kiểm soát.
Phiên giao dịch ngày 8/11, nhà đầu tư tỏ ra khá thận trọng khiến VN-Index có thời điểm áp sát mốc 1.250 điểm, thanh khoản cũng chưa có sự cải thiện. Trong khi đó, mã HVN của Vietnam Airlines lại ngược chiều tăng kịch trần lên 24.850 đồng/cổ phiếu.
Khối lượng khớp lệnh cũng tăng vọt lên gần 5,7 triệu cổ phiếu và dư mua hơn 330.000 đơn vị. Đây là phiên có thanh khoản cao nhất của HVN trong hơn 3 tháng trở lại đây.
So với hồi đầu năm, thị giá HVN đã tăng gấp đôi, từ vùng 12.250 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên so với vùng đỉnh 36.450 đồng/cổ phiếu hồi tháng 7 vừa qua, thị giá HVN đã giảm tới 32%.
Diễn biến thị giá cổ phiếu
Đà tăng này diễn ra sau khi Vietnam Airlines công bố kết quả kinh doanh khởi sắc cùng với việc doanh nghiệp lộ trình khắc phục tình trạng bị kiểm soát.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2024, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất hơn 79.994 tỷ đồng, tăng hơn 17,4% so sánh cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế hơn 6.641 tỷ đồng. Riêng quý III/2024, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.239,7 tỷ đồng.
Mức lợi nhuận đạt được chủ yếu do tiếp tục cải thiện hiệu quả công ty mẹ và cộng hưởng hệ sinh thái các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.
Tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ quý III/2024 tăng 19,8% so với quý III/2023, tương đương tăng hơn 3.598,7 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 17,7%, tương đương tăng hơn 3.125,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết các đường bay quốc tế, mở thêm các đường bay mới cùng hoạt động khai thác tăng cao trong giai đoạn cao điểm hè, Vietnam Airlines đạt kết quả kinh doanh tích cực trong quý III và 9 tháng đầu năm 2024.
Về giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát, Vietnam Airlines cho biết Tổng công ty đã hoàn thành Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ dại dịch Covid-19 để Tổng công ty sớm phục hồi và phát triển bền vừng giai đoạn 2021-2035 và đã báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Theo đề án, trong năm 2024-2025 Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và kinh doanh có lãi, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
Trần Thị Tú Anh