Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Giá vé máy bay cao, nhiều gia đình đành ngậm ngùi từ bỏ kế hoạch về quê ăn Tết
Chuyên mục:

Hàng hóa

Báo Thanh tra | 18:24
Google news

Cận Tết, nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao khiến giá vé máy bay tăng vọt. Mong ước sau một năm làm việc xa quê được về đoàn tụ với gia đình, mẹ cha đành phải gác lại do thu nhập không đủ mua vé máy bay khứ hồi cho cả gia đình. Năm nào cũng như năm nào, không ít gia đình phải từ bỏ kế hoạch về quê đón Tết.

Nhiều chặng bay “cháy” vé

Gia đình chị Mai Thị Oanh, sống tại TP.HCM, đã lên kế hoạch về Hà Nội đón Tết cùng ông bà nội. Tuy nhiên, do công việc bận rộn, chị không thể đặt vé máy bay sớm.

“Sau Rằm tháng Chạp, khi gia đình tôi mới có thể chốt ngày nghỉ Tết, thì vé máy bay hạng phổ thông đã hết. Giá vé thương gia lại quá cao. Tổng chi phí cho vé khứ hồi của cả gia đình lên đến hơn 30 triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi đành phải hủy kế hoạch về quê đón Tết,” chị Oanh chia sẻ.

Giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình quyết định không về quê ăn Tết (Ảnh minh họa: TTXVN).

Chị Oanh cho biết, đã nhiều mùa Tết gia đình chị không thể về quê do ảnh hưởng của Covid-19 và khó khăn kinh tế. Năm nay, dù đã quyết tâm về quê ăn Tết cùng ông bà, nhưng chi phí quá cao khiến kế hoạch bị phá sản một lần nữa.

“Giá vé máy bay quá cao, chỉ riêng tiền đi lại đã hết 36 triệu đồng. Cộng thêm các khoản chi phí khác như quà bánh, lì xì, tổng chi phí có thể lên đến 60 - 70 triệu đồng. Cả năm dành dụm cũng không đủ để tiêu Tết,” chị Oanh nói thêm.

Không chỉ riêng gia đình chị Oanh, chị Hải Triều cũng quyết định không về quê Thanh Hóa vì giá vé máy bay cao. Chị Triều chia sẻ: “Giá vé quá đắt, dù biết bố mẹ, anh em, họ hàng sẽ rất mong, nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác...”.

Vé máy bay dịp Tết luôn “nóng”

Dịp Tết, vé máy bay từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc nhiều năm qua luôn trong tình trạng “nóng”. Hiện nay, một số chặng từ TP.HCM đi miền Bắc và miền Trung vẫn còn vé, nhưng phải nối chuyến phức tạp. Ví dụ, hành khách từ TP.HCM muốn tới Đà Nẵng phải bay qua Hà Nội trước.

Chặng TP.HCM - Đà Nẵng vào ngày 24/1 (25 tháng Chạp) có giá vé nối chuyến qua Hà Nội của Vietjet là 6,1 triệu đồng/chặng, trong khi Vietnam Airlines cung cấp giá vé từ 9,3 triệu đồng/chặng.

Mặc dù các hãng hàng không đã bổ sung 522 chuyến bay, tương đương 133.000 ghế, nhưng nhiều đường bay từ TP.HCM đến các tỉnh vẫn kín chỗ trong những ngày sát Tết và ngược lại sau Tết.

Vé tàu, vé xe cũng thi nhau khan hiếm

Không chỉ vé máy bay trở nên "nóng" trong dịp Tết, mà việc mua vé tàu, vé xe cũng đang gặp nhiều khó khăn. Từ cuối tháng 11/2024, ga Sài Gòn luôn tấp nập hành khách, phần lớn là người dân về quê sớm để tránh tình trạng chen chúc. Tuy nhiên, nhiều người đến ga vẫn nuôi hy vọng tìm được những tấm vé cuối cùng, nhưng phần lớn các chặng "hot" đã "khóa sổ".

Cụ thể, 10 chuyến tàu chạy từ ngày 25 đến 29/1 (tức 26 tháng Chạp đến mùng 1 Tết) trên tuyến Sài Gòn - Hà Nội đã không còn chỗ trống. Tương tự, tuyến Sài Gòn - Tuy Hòa cũng không còn ghế trống từ ngày 20/1.

Trước đó, chỉ còn vài chuyến tàu có ghế trống với giá khá cao. Cụ thể, giá vé ngồi mềm điều hòa dao động từ 660.000 đồng đến gần 850.000 đồng tùy theo mác tàu, giường nằm khoang 4 giá hơn 1,17 triệu đồng. Một số chuyến còn giường nằm khoang 6 với giá 968.000 đồng, nhưng phải phụ thu chặng dài tới 778.000 đồng, tổng giá vé lên tới 1,746 triệu đồng.

Tình trạng khan hiếm vé cũng diễn ra với vé máy bay, tàu hỏa và cả vé xe khách từ Hà Nội đến các tỉnh miền Trung trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2025. Ngày 16/1, anh Mạnh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) tìm mua vé tàu cho gia đình về Nghệ An vào ngày 25/1 (26 tháng Chạp) nhưng cũng đã hết vé.

"Khi không mua được vé tàu, tôi gọi đến một số hãng xe khách nhưng cũng không còn vé. Để về quê đón Tết đúng ngày, tôi đành phải thuê xe taxi", anh Hùng chia sẻ.

Một số nhà xe trên tuyến Hà Nội - Nghệ An, Hà Tĩnh cũng hết vé do hành khách đặt trước. Đại diện nhà xe Văn Minh cho biết đã bán hết vé từ đầu tháng 1, hiện không còn chỗ từ ngày 18 đến 28 tháng Chạp.

Theo dự báo từ Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm tại bến xe Giáp Bát đạt khoảng 20.000 lượt khách/ngày, tăng 350% so với ngày thường, tập trung chủ yếu trên các tuyến đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa… Bến xe Mỹ Đình dự kiến đón khoảng 22.000 lượt khách/ngày, tăng hơn 350%.

Mỗi ngày, bến xe khai thác hơn 950 lượt xe, chủ yếu trên các tuyến Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng. Tại bến xe Gia Lâm, lượng khách cao nhất đạt khoảng 5.000 lượt/ngày, tăng 250% so với ngày thường, với 400 lượt xe/ngày, tập trung ở các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang…

Bến xe Nước Ngầm dự kiến lượng khách tăng 140 - 150% so với ngày thường, chủ yếu trên các tuyến Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Link gốc

Thị trường đóng cửa
HVN
Thị trường đóng cửa
VJC
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục