Trong thời điểm giá vàng không còn tăng dữ dội như trước, nhiều người băn khoăn không biết có nên mua vàng vào lúc này không?
Anh Trần Mạnh Hùng - một nhà đầu tư vàng lâu năm ở Hà Nội cho rằng, vàng ngoài vai trò tích trữ thì còn là kênh đầu tư sinh lời. Tuy nhiên, thường thì khi giá vàng biến động mạnh, các nhà đầu tư mới thực sự hứng thú tham gia vào thị trường. Còn khi giá ít biến động thì đây lại không phải kênh hấp dẫn.
“Với sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới, vàng có thể sẽ chỉ là kênh phòng thủ, đề phòng cho những trường hợp có cuộc khủng hoảng khác, do đó không nên chôn vốn quá nhiều vào vàng. Theo tôi, giai đoạn hấp dẫn nhất của vàng đã qua đi, hiện tại vàng chỉ nổi vài đợt sóng nhỏ", anh Hùng nói.
Nhận định về sức hấp dẫn của vàng đối với giới đầu tư trong thời gian tới, ông Tạ Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu & Tư vấn Bất động sản Công ty FIDT cũng cho rằng, trong ngắn hạn, vàng vẫn còn dư địa tăng trưởng ở 6 tháng cuối năm nhưng không quá nhiều, do đó không còn hấp dẫn để đổ vốn đầu tư nữa.
Có nên đầu tư vàng khi giá ngừng nổi sóng? (Ảnh minh họa: Công Hiếu).
Do vậy, nửa thời gian còn lại của năm 2024, tuy vàng vẫn có trong danh mục đầu tư nhưng nên coi đây là tài sản phòng thủ, tỷ trọng nắm giữ không nên vượt mức 5%, nhà đầu tư hãy nắm giữ các tài sản khác hấp dẫn hơn.
Ông Nguyễn Quang Huy - CEO khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi cũng cho biết, hiện nay đang là thời điểm khá nhạy cảm đối với nhà đầu tư vàng.
"Theo tôi, việc mua vàng để đầu tư lúc này cần cân nhắc tới những biến động vĩ mô trong và ngoài nước: Xu thế của các cuộc chiến trên thế giới; thay đổi chính sách quản lý vàng trong nước, việc sửa Nghị định 24, cùng các biện pháp bình ổn giá vàng như: đấu thầu vàng miếng, bán vàng qua ngân hàng, chống buôn lậu, thanh tra thị trường vàng…", chuyên gia Nguyễn Quang Huy nhận định.
Ngoài ra, cần xét đến "khẩu vị" rủi ro của mỗi nhà đầu tư, mức độ hiểu biết về kỹ năng đầu tư, tham khảo ý kiến chuyên gia, kết hợp phân tích kỹ thuật để cân đối giữa lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro trươc khi ra quyết định.
Theo chuyên gia, một thực tế hiện nay là khi giá bình ổn, người dân lại hết sức thờ ơ với vàng. Bởi lẽ, giá vàng trong nước không còn biến động mạnh, khiến tâm lý người dân cũng ổn định hơn, không quá hứng thú mua để giữ tài sản như trước nữa. Cùng với đó, một số kênh đầu tư khác có dấu hiệu phục hồi nên người dân cũng có nhiều lựa chọn hơn. Ví dụ hiện tại lãi suất huy động của ngân hàng đã đồng loạt tăng, lên trên mức 6%/năm.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng một nguyên nhân không nhỏ khiến người không còn hào hứng với việc mua vàng là do hoạt động mua vàng qua hình thức trực tuyến gặp nhiều khó khăn khiến nhiều người muốn mua cũng không được. Trong khi đó, trên thị trường thì các cửa hàng hiện đang khan hiếm nên dừng bán vàng miếng, ngay cả vàng nhẫn cũng chỉ được bán “nhỏ giọt”.
“Hiện nay, rất nhiều người nản khi mua vàng trực tuyến từ các ngân hàng. Không chỉ thao tác khó thực hiện mà còn phải chờ đợi lâu và bị hạn chế số lượng với mỗi lần mua”, ông Hùng nói.