Càng hướng đến giữ gìn giá trị thật, giữ gìn đạo đức, tính nhân văn trong kinh doanh, doanh nghiệp càng phát triển bền vững, mang lại ấm no cho người lao động và đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Giá trị này hiện hữu thật rõ ở Tập đoàn mía đường Lam Sơn - Thanh Hóa (LASUCO), một doanh nghiệp được thành lập từ năm 1980, tới nay là điển hình của sự thành công nhờ đổi mới.
Xây dựng từ năm 1980, mãi đến năm 1984 mới xong, nhưng nhà máy mía đường Lam Sơnmãi chưa ép được mẻ đường nào do nguyên liệu mía không có, máy móc hỏng hóc, kinh doanh bế tắc, chuyên gia nước ngoài xin rút về nước... Anh hùng Lao động Lê Văn Tam lúc đó là phó giám đốc Sở Nông nghiệp Thanh Hóa được phân công nhiệm vụ là giám đốc bắt đầu công cuộc gian nan vực lại hoạt động sản xuất của nhà máy .
Nhà máy Đường Lam Sơn tại Thọ Xuân - Thanh Hóa
Để “lội ngược dòng”, ông Lê Văn Tam bắt đầu bằng việc chạy vạy vay vốn, bởi nếu không có vốn sẽ chẳng làm gì được, tiền đâu mà trả lương cho công nhân, kỹ sư, cho cả bộ máy hành chính, nhất là để khai hoang trồng mía. Nhờ Bộ Tài chính xem xét, vay được khoản tiền, ông khẩn trương bắt đầu lại mọi thứ.
Thế nhưng có tiền rồi thì lấy mía ở đâu mà ép đường? Và có đất thì lại chẳng có giống, vị lãnh đạo nhà máy lại phải cùng anh em tỏa đi khắp nơi để tìm mua giống và tới từng thôn, xóm, động viên bà con nông dân trồng mía. Mua được giống mía, nhưng chỉ là những giống cho sản lượng thấp. Khi sờ đến máy móc thì không thể hoạt động được.
Ông Lê Văn Tam cùng ban lãnh đạo nhà máy lại phải ra trường Đại học Bách Khoa nhờ các thầy và sinh viên về hỗ trợ, sửa chữa, vận hành máy móc. Cùng thời điểm ấy, ông được Bộ Nông nghiệp cho đi Úc tìm hiểu sản xuất mía đường. Về nước, nhìn vào thực trạng đồng ruộng manh mún, ông nhận định, thật khó để có thể theo đuổi được trình độ sản xuất của các nước trên thế giới.
Tiên phong trong công cuộc đổi mới, ông Lê Văn Tam mạnh dạn đề xuất thành lập Hiệp hội Mía đường Lam Sơn, ban đầu mời được 53 hộ nông dân tham gia. Hiệp hội Mía đường Lam Sơn đã chủ động hợp tác với nông dân, giúp nông dân gỡ 3 cái khó, cái thiếu và cũng là cái cần nhằm tạo bước đột phá vào nền nông nghiệp “chiếu manh”, đó là: vốn, kiến thức và thị trường. Đồng thời, ông Tam chủ trương, nhà máy phải từng bước gắn với ruộng đồng, công ty gắn với nông dân, tạo nên sự liên minh công nông vững chắc trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Năm 1992, mô hình Hiệp hội Mía đường Lam Sơn mà ông trình lên Chính phủ được Thủ tướng Võ Văn Kiệt hết sức tâm đắc với triết lý “lấy dân làm gốc”, phát triển mạnh mẽ vùng nguyên liệu tại chỗ. Và sau 3 năm hoạt động thí điểm, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập hiệp hội vào năm 1995.
Ấn tượng thay, nhờ vào sức dân, nhà máy - Công ty Mía đường Lam Sơn đã biến một vùng đồi núi hoang vu vốn chỉ có cỏ tranh rậm rạp trở thành một vùng kinh tế mới trù phú. Ông Lê Văn Tam đã chủ trương tạo vùng nguyên liệu bền vững hơn, bằng việc thành lập các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ mía, dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai, sản xuất quy mô lớn, thâm canh nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.
Đồng thời, chương trình “Làm mới lại cây mía và hạt đường Lam Sơn” được khởi xướng đã mở rộng những cánh đồng lớn, cơ giới đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao đạt từ 80 tấn/ha đến 120 tấn/ha. Những năm 1992 - 1999, sản phẩm đường Lam Sơn tinh khiết thơm ngon đã trở thành “người bạn” của mọi nhà. Và sau 16 năm cổ phần hóa (2000 - 2016), Mía đường Lam Sơn (LASUCO) đã trở thành doanh nghiệp lớn mạnh trong ngành với nhiều bước đột phá mới. Mô hình mía đường Lam Sơn đã được nhân rộng ở tỉnh Thanh.
Đến nay, LASUCO đã có hơn 3.000 cán bộ công nhân viên, đạt 200.000 tấn sản lượng mỗi năm, phát triển vùng nguyên liệu mía rộng lớn tới 100.000ha, sở hữu 10.000ha diện tích trồng công nghệ cao, tạo việc làm cho hàng nghìn nông dân, lao động địa phương.
Trong ký ức của vị “thuyền trưởng”, thành công đến ngày hôm nay là do có sự đồng hành, chia sẻ của người nông dân. “Có thể có người không tin, nhưng khi không nhìn thấy khói của nhà máy, bà con nông dân lo hơn cả giám đốc. Lúc lạm phát cao nhất, có người đến bảo, ông Tam ơi, bây giờ giá mía ông mua vào 1.800 đồng/kg, mà giá đường ông bán ra chỉ 2.000 đồng/kg, thế này thì ông phá sản mất. Nếu cần ông cứ nói, chúng tôi xin giảm giá để nhà máy không thua lỗ quá”, ông Tam từng chia sẻ với báo giới.
Doanh nhân giá trị thật – doanh nghiệp giá trị thật
Dường như đang có sự thay đổi lớn trong tư duy, trong lý tưởng, trong khát khao làm được những điều mà thế giới làm của nhiều doanh nhân. Điều đó thể hiện khá rõ ở thế hệ kế nhiệm Anh hùng Lao động Lê Văn Tam là con trai của ông, doanh nhân Lê Văn Tân, Chủ tịch LASUCO. Dẫu vươn ra thế giới, ấn tượng nhất là Chủ tịch Lê Văn Tân vẫn tiếp tục phát huy giá trị nhân văn cốt lõi và tính sáng tạo, dám đổi mới, đột phá song vẫn hướng tới những giá trị thật của doanh nghiệp mà cha mình để lại.
LASUCO phát triển bền vững với giá trị cốt lõi: Đạo đức - Tôn trọng - Sáng tạo - Đổi mới. (Ảnh minh họa)
Trong một nền kinh tế thị trường đầy “cạm bẫy” về ham muốn lợi nhuận, không tránh khỏi tâm lý của một bộ phận doanh nhân thích đầu tư nóng, ngoài ngành với suy nghĩ “làm giàu không khó”. Nhưng doanh nhân Lê Văn Tân vẫn cần mẫn với mục tiêu chủ đạo là sản phẩm nông nghiệp, kiên trì ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chứng minh khát vọng của mình bằng hiệu quả cao trong chất lượng và năng suất thực tế.
LASUCO nổi danh là doanh nghiệp đột phá và tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao sản xuất nông nghiệp khi đã sớm thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Chất lượng cao Lam Sơn. Trung tâm đã mạnh dạn đầu tư gần 20ha nhà kính công nghệ Israel là nơi trồng dưa vàng, nhân giống các loại hoa lan, cam V2, mía giống chất lượng cao. Khu nhà nuôi cấy mô rộng hơn 5.000m2 hiện là một trong những trung tâm lớn nhất cả nước về nuôi cấy mô, hàng năm, cung ứng từ 3 -5 triệu giống mía sạch cho các vùng nguyên liệu mía. Đến nay tự hào là các nhà khoa học của Trung tâm đã lai tạo sản xuất nhiều giống chất cây lượng cao được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận.
Nhờ vậy, LASUCO đã ghi dấu trên thị trường nội địa và quốc tế bằng những sản phẩm nông sản tươi và nông sản chế biến ấn tượng Với tư duy đổi mới và sáng tạo, LASUCO đã tạo ra những lợi thế cạnh tranh khác biệt và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ. Bằng chứng là tổng kết niên độ 2022 - 2023, LASUCO đã hoàn thiện toàn bộ việc nâng cấp dây chuyền sản xuất đường phèn từ 30 tấn/ngày lên 50 tấn/ngày vận hành vượt tiến độ đề ra. Hệ thống phân phối được duy trì và ngày càng mở rộng, hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh với sự có mặt của các sản phẩm tại 20 nước trên thế giới. Năm tài chính 2022 - 2023, doanh thu hợp nhất của LASUCO đạt 1.807 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 39,74 tỷ đồng.
“Ai làm kinh doanh cũng nói đến chữ tín, nhưng không phải ai cũng hiểu chữ tín một cách chuẩn xác. Chữ tín nếu chỉ ở trong tâm thôi thì chưa đủ, chữ tín còn bao gồm cả năng lực của cá nhân, của cả tổ chức để thực hiện các cam kết đã hứa với khách hàng, đối tác và người lao động nhằm giữ gìn và phát huy thành quả của thế hệ cha anh đi trước để lại”, Anh hùng Lao động Lê Văn Tam từng chia sẻ.
Giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, quản trị, của thế hệ doanh nhân LASUCO là đạo đức - tôn trọng - sáng tạo - đổi mới, phát huy hiệu quả nguồn lực con người. Doanh nhân giá trị thật, doanh nghiệp giá trị thật, là những gì đối tác, người lao động và người nông dân xứ Thanh cảm nhận sâu sắc khi nói về Tập đoàn Mía đường Lam Sơn Thanh Hóa.