Sau gần 2 giờ tham dự sự kiện Happy Workplace, người FPT đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, bài học về quản lý tài chính cá nhân cùng hành động thực tiễn qua chia sẻ đầy tâm huyết từ các khách mời.
Khởi động từ năm 2023, với mong muốn kiến tạo môi trường làm việc hạnh phúc, Tập đoàn FPT chính thức phát động chuỗi chương trình "Happy Workplace". Tiếp tục với mục tiêu 2024 - Kiến tạo môi trường hạnh phúc hướng tới chăm sóc toàn diện cho CBNV đảm bảo cân bằng toàn vẹn mọi khía cạnh liên quan đến hạnh phúc, trong đó tài chính, đặc biệt là tài chính cá nhân của CBNV được Tập đoàn chú trọng phát triển để đảm bảo cho tương lai CBNV.
14h45 ngày 23/10, chương trình Workshop với chủ đề “Quản lý tài chính cá nhân” diễn ra tại tầng 8, FPT Tower, Hà Nội. Chương trình hướng tới mục đích, mỗi người FPT hiểu được tầm quan trọng của quản tài chính cá nhân, trang bị những kiến thức và kỹ năng về quản lý tài chính cá nhân và tìm hiểu thêm về các trường hợp điển hình (case study) về quản lý tài chính từ đó áp dụng vào thực tế.
Chương trình có sự tham dự của anh Chu Quang Huy - Giám đốc Nhân sự Tập đoàn FPT, anh Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT và diễn giả khách mời là chị Lương Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc, Quản lý tài sản khối trong nước của Dragon Capital Group - công ty quản lý quỹ lâu đời trên thị trường vốn Việt Nam. Tại hội thảo, các diễn giả chia sẻ câu chuyện, góc nhìn về bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới và Việt Nam để làm rõ tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân, đồng thời hướng dẫn quản lý tài chính cá nhân hiệu quả từ chính kinh nghiệm “thực chiến” của mình.
Anh Chu Quang Huy - GĐ Nhân sự
Mở đầu chương trình, anh Chu Quang Huy - GĐ Nhân sự FPT chia sẻ, tháng 9 vừa qia FPT đã có nhân viên thứ 80.000, dự kiến cuối năm sẽ đạt 83.000 người và sang quý I/2025 hân hoan đón nhận 100.000 nhân viên trên toàn cầu. Với quy mô và chiến lược liên quan đến kiến tạo môi trường làm việc hạnh phúc, công ty có nhiều chính sách chăm lo, đào tạo, phúc lợi, sức khoẻ và một trong những cấu phần quan trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc đó là “quản lý tài chính cá nhân”. Anh Huy hy vọng, buổi chia sẻ mang đến cho CBNV kinh nghiệm, bài học thực tiễn có thể áp dụng ngay hôm nay, tạo nên trải nghiệm hạnh phúc cho mỗi người.
Chương trình đưa ra vấn đề mà hầu như giới trẻ thường mắc phải, hậu quả của việc không có kỹ quản lý tài chính, thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu hụt tiền bạc mỗi cuối tháng và phải vay mượn để bù đắp chi tiêu. Tệ hơn, khi căng thẳng về tài chính khiến tâm trạng trở nên khó chịu, làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong cuộc sống như vợ - chồng, cha mẹ - con cái, bạn bè.... Bàn luận về vấn đề này, chị Lương Thị Mỹ Hạnh chia sẻ về khái niệm và tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân. Theo chị, quản lý tài chính không bây giờ thì bao giờ, vì xã hội đang chịu tác động lớn từ những thay đổi về chính trị, xung đột, lạm phát… và Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi sau 3 năm khó khăn trước đó.
“Đây là giai đoạn mỗi người gia tăng tài sản, tích luỹ đầu tư cá nhân. Thời điểm mọi người có thể lựa chọn đầu tư mạnh nhất là từ 22 tuổi tới trước 60 tuổi. Giai đoạn qua 40 tuổi, mức thu nhập sẽ đạt đỉnh điểm, sau đó thu sẽ giảm dần và chi tiêu tăng lên”, chị Hạnh nói.
Chị Lương Thị Mỹ Hạnh khuyên người
Tại chương trình, chị Hạnh đưa ra chia sẻ sâu hơn về cách quản lý tài chính cá nhân. Cụ thể, từng người cần xác định tình trạng hiện tại tài chính như thế nào (chưa ổn định, ổn định, đôc lập tài chính, an toàn tài chính hay tự do tài chính); Đưa ra mục tiêu tài chính - tăng thu hoặc giảm chi; Lập kế hoạch phân bổ ngân sách theo quy tắc 20% đầu tư - 50% chi tiêu khoản cố định - 30% chi khoản mong muốn. “Luôn nhớ, dòng tiền hàng tháng phải dương, nếu không cần quay lại cân đối ngân sách”, nữ khách mời bày tỏ.
Sếp Dragon Capital đưa ra gợi ý về tạo thói quen đầu tư: lên kế hoạch để tìm hiểu đúng về đâu tư, xác định rủi ro, vẽ đúng mục tiêu (ngắn hoặc dài). Từ đó cần tìm hiểu sản hiểu, lựa chọn sản phẩm đầu tư phù hợp có sự tham khảo từ chuyên gia và phân bổ đầu tư. Cuối cùng là xác định đầu tư nghiêm túc, kỷ luật từ con số nhỏ nhưng bắt đầu sớm và đầu tư đều đặn hàng tháng.
Tiếp nối chương trình, anh Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học FPT chia sẻ thêm góc nhìn về tầm quan trọng cũng như những câu chuyện thực tiễn và bài học thành công trong việc quản lý tài chính cá nhân bền vững.
Anh Hoàng Nam Tiến khuyên CBNV FPT sở hữu ngay một căn nhà thay vì tiết kiệm 5 năm hay 10 năm.
Trước khi bắt đầu phần chia sẻ, anh Tiến tiến hành khảo sát nhanh “Bao nhiêu phần trăm người tham dự chương trình đang dành 20% thu nhập/lương để tiết kiệm, đầu tư” và nhận được 5 cánh tay giơ cao. Anh Tiến nhận định, thế hệ gen Z đang sống trong một thời đại khác với thế hệ 8X trở về trước. “20 năm đầu, các bạn hoàn toàn sống bằng thu nhập từ bố mẹ, sau 62 tuổi sống bằng lương hưu trí, tiết kiệm. Như vậy, mỗi người chỉ sống và lao động năng động, linh hoạt nhất để kiếm tiền từ sau 20 tuổi và trước 62 tuổi”, anh Tiến vẽ bản đồ đơn giản về dòng tài chính thế hệ trẻ ngày nay.
Bằng phong cách chia sẻ trẻ trung, hài hước, anh Tiến nói: “Thế hệ chị Hạnh và tôi là lỗi lạc - lỗi thời và lạc hậu. Qua rồi cái thời cất đi 20% thu nhập để tiết kiệm, mỗi người các bạn nên dũng cảm, tự tin sở hữu một căn nhà ngay bây giờ”. Theo anh, nếu tiếp tục tiết kiệm 5 năm hay 10 năm nữa, thế hệ trẻ - những người đi làm công ăn lương sẽ không mua được nhà vì mức chi tiêu sẽ chỉ càng cao và các bạn vẫn không thể mua nhà, trừ các trường hợp xuất sắc…. “Thay vào đó, các bạn nên mạnh dạn sở hữu một căn nhà từ bây giờ và dùng 5-10 năm tiếp theo cống hiến làm việc và tin tưởng vào mức độ tăng trưởng bền vững của FPT để trả nợ”, anh Tiến nói với giọng điệu đầy cảm hứng.
Đúc kết lại kinh nghiệm dành riêng cho thế hệ trẻ ngày nay, anh Tiến đưa ra 2 lời khuyên. Đầu tiên, “nếu chỉ đi làm ăn lương thì chỉ đủ sống, ngơi tay là đói ngay, vì vậy cần làm việc tử tế, học tử tế và thái độ tử tế”. Thứ hai, “nếu chỉ cố gắng tiết kiệm thì không bao giờ đạt được điều mong muốn vì xã hội luôn phát triển ở phía trước, do vậy hãy dũng cảm thay đổi quan điểm thế hệ, sống thật với thời đại của mình”.
Sau phần chia sẻ của các chuyên gia, chương trình tiếp nối với phần tọa đàm quản lý tài chính thông minh, các ví dụ cụ thể về quản lý tài chính cá nhân. Tại đây, MC đưa ra loạt câu hỏi từ khán giả, được đúc rút trong khảo sát ngắn trong chương trình. Khi được hỏi về việc gia tăng thu nhập hiện tại, anh Tiến chia sẻ gần gũi: “Mỗi người chỉ cần nỗ lực làm việc, cống hiến, tăng thêm giá trị bản thân tại vị trí mình làm thì 5 năm tới, các bạn sẽ thay đổi vị trí 2-3 lần và tỷ lệ thuận với thu nhập. Tất cả phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, thái độ hợp tác, khả năng tự học… của từng người”. Khác với ý kiến của anh Tiến, chị Hạnh khuyên mỗi bạn trẻ gia tăng tài sản bằng cách đầu tư càng sớm càng tốt, “không bao giờ tốt hơn bay giờ”. Mỗi người có thể đầu tư cổ phiếu, chứng khoán, tuy nhiên nên tìm các quỹ, tổ chức đầu tư để trao gửi niềm tin vừa an toàn vừa hiệu quả.
Gần 2 giờ diễn ra, chương trình vẫn duy trì được số lượng người tham dự đông đảo. Khán giả có nhiều thời gian để giao lưu với khách mời. Bên cạnh đó, tham dự chương trình, người FPT được bốc thăm nhận thưởng tai nghe Apple Airpods 3, máy massage cổ vai gáy Philips và pin sạc dự phòng Anker - những món quà thiết thực cho công việc cũng như đời sống.
Hà Trần
Ảnh: Trần Huấn