FECON là một trong các doanh nghiệp đang tiên phong áp dụng công nghệ hiện đại vào các dự án quan trọng khi sử dụng robot đào hầm tiên tiến trong dự án metro Nhổn - ga Hà Nội. Vượt qua những khó khăn ban đầu, doanh nghiệp này ngày càng khẳng định thương hiệu nhờ vào chiến lược táo bạo và sự nhạy bén trong kinh doanh.
FECON và công nghệ đào ngầm tiên tiến
Ngày 28/8, đại diện CTCP FECON (mã FCN)- đơn vị chịu trách nhiệm vận hành robot đào ngầm TBM số 1 tại tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội thông báo, sau gần một tháng thi công, robot này đã tiến hành đào hơn 120 mét, đồng thời lắp đặt 7 đốt vỏ hầm tạm thời và 58 đốt vỏ hầm vĩnh cửu. Dự kiến, toàn bộ công đoạn đào ngầm 4 km sẽ kéo dài trong vòng 16 tháng, với sự tham gia của hơn 150 nhân viên.
Thiết bị đào ngầm robot TBM của Fecon. Ảnh Fecon
Dự án này khởi công từ năm 2009 với mục tiêu hoàn thành vào năm 2015, nhưng tiến độ đã nhiều lần bị lùi lại. Vào ngày 8/8 vừa qua, đoạn trên cao đã chính thức đi vào hoạt động thương mại, và toàn tuyến dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
"Bước nhảy" từ năm 2011
FECON thành lập năm 2004, khởi đầu bằng nghề ép cọc, sau hơn 15 năm được thành lập, FCN đã lớn mạnh và trở thành một thế lực trong xây dựng hạ tầng và được biết đến là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về thi công nền móng, công trình ngầm.
FECON hoạt động bao phủ trong lĩnh vực gắn kết chặt chẽ với khu vực công và chi tiêu công cho hạ tầng. Vượt qua nhiều khó khăn, FECON đã từng bước phát triển và khẳng định mình.
Sau nhiều cú vấp FECON nhanh chóng phát triển lớn mạnh.
Nếu như năm 2004, FECON có doanh thu chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng thì năm 2012 chỉ tiêu này đã vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận của FECON bắt đầu có sự "nhảy vọt" rõ nét từ năm 2011, tiếp tục duy trì tăng trưởng cho đến hiện tại (ngoại trừ tác động của Covid–19).
"Ông lớn" M&A doanh nghiệp Nhà nước
Trong giai đoạn 2011 – 2016, FECON đã thành lập nhiều Công ty và thực hiện hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập tại một số doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước thành công.
Đơn cử, FECON cùng Công ty CP SCI (HNX: S99), ông Phạm Việt Khoa cùng các công sự và đại gia Nguyễn Văn Tuấn đã lập nên Công ty CP Hạ tầng FECON.
Ở thời điểm cuối năm 2014, FECON trở thành cổ đông chiến lược của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI), nắm giữ 25,76% vốn của TEDI.
Năm 2015, FECON giới thiệu là nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (CIENCO1). Báo cáo tài chính cho thấy, đầu năm 2015, FECON đã đầu tư 70 tỷ đồng (giá gốc) vào CIENCO1. Ở thời điểm này, vốn điều lệ của CIENCO1 là 700 tỷ đồng. FECON cũng đã cử ông Phạm Việt Khoa tham gia HĐQT của CIENCO1.
Được biết, năm 2014, sau cổ phần hóa, 4 cổ đông là các tổ chức liên quan ông Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út trọc) đã nắm giữ gần 90% vốn của CIENCO1. Điều này đồng nghĩa, FECON là cổ đông lớn thứ 5 sau 4 tổ chức liên quan ông Đinh Ngọc Hệ. Ngoài ra, FECON và CIENCO1 còn bắt tay với COTECCONS (HoSE: CTD) để thành lập nên Công ty CP Đầu tư Hạ tầng FCC.
Trước đó, dưới thời ông Đinh La Thăng làm chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam (PVN), FECON của ông Phạm Việt Khoa đã "ghép nối" với PVN và Tập đoàn SSG trở thành bộ 3 có nhiều hợp tác kinh doanh, góp vốn đầu tư các dự án bất động sản.
Tình hình làm ăn của Fecon (tỷ đồng)
Điển hình như thương vụ đầu tư đình đám của CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam – SSG (PVN – SSG) trên khu đất 21,2ha tại lô X1, X2 và 3,8ha trên lô X3, thuộc khu Công viên Văn hóa Thể thao Tây Nam Hà Nội. Vào quý IV/2017, cơ cấu cổ đông của PVN – SSG gồm FECON nắm giữ 6% của PVN – SSG, Tập đoàn SSG nắm giữ 81,2% vốn, Ocean Bank nắm 8% và PVN nắm 4,8%.
Không chỉ "tranh thủ" các thương vụ để tăng doanh thu, lợi nhuận, hoạt động M&A đã góp phần giúp FECON giữ vững được mối quan hệ với các khách hàng cũ, phát triển thêm khách hàng mới, củng cố thêm vị thế trên thị trường.
Năm 2022-2023, tình hình làm ăn của FECON không mấy tươi sáng. Có lẽ do ảnh hưởng của đại dịch, doanh thu và lợi nhuận năm 2023 đều giảm mạnh, thậm chí ghi nhận lỗ tới 42 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, FECON ghi nhận lợi nhuận trước thuế 7,3 tỷ đồng, tăng 24%, và lợi nhuận sau thuế đạt 1,3 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của FECON đạt 8.517 tỷ đồng, giảm 0,7% so với đầu năm. Các khoản phải thu chiếm 47% tổng tài sản, đạt 4.013 tỷ đồng, tăng 7%; hàng tồn kho chiếm 20,6%, đạt 1.756 tỷ đồng, tăng 4,5%. Nợ phải trả đạt 5.177 tỷ đồng, giảm 0,8% so với đầu năm, trong đó nợ vay tăng nhẹ 1,5%, đạt 2.992 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 3.340 tỷ đồng, giảm 0,6%, với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,55 lần.
Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, FECON đặt mục tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng, với cổ tức dự kiến không quá 5% bằng tiền mặt. Các dự án lớn đã ký kết trong nửa cuối năm 2023 như bến cảng Lạch Huyện và Phoenix tại Cảng Vũng Áng, cùng với 80 dự án tiềm năng khác, là cơ sở để FECON tin tưởng vào khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT FECON, ông Phạm Việt Khoa, cho biết các hợp đồng xây dựng hiện nay đều chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt, khiến biên lợi nhuận giảm sút. Do đó, công ty kỳ vọng vào các dự án khu công nghiệp và đô thị sắp tới sẽ mang lại biên lợi nhuận tốt hơn.
Hiện FECON đang triển khai đầu tư khu đô thị Square City tại TP Phổ Yên với tổng vốn 3.600 tỷ đồng và dự kiến khởi công vào tháng 6/2024. Dự án cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái với tổng vốn 954 tỷ đồng cũng đang được triển khai và dự kiến cho thuê từ cuối năm 2025.
FECON cũng đang tập trung tái cấu trúc các khoản vay tại Dự án Điện gió Quốc Vinh và Dự án BOT Phủ Lý, với mục tiêu thoái vốn khi đạt lợi nhuận kỳ vọng. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FCN hiện giao dịch ở mức 14.850 đồng/cổ phiếu, với vốn hóa thị trường đạt 2.337 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Quản lý quỹ HD mới đây đã mua thêm 11 triệu cổ phiếu FCN, nâng mức sở hữu lên 11,12%, trở thành cổ đông lớn thứ hai sau Raito Kogyo, đơn vị nắm giữ 25,51% vốn FECON.
Chủ tịch HĐQT của Fecon là ông Phạm Việt Khoa (SN 1973, Nam Định) Ông Khoa có trình độ chuyên môn: Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh; Thạc sỹ Nền móng và Công trình ngầm. Tại Fecon ông Khoa đang sở hữu 5.000.100 cổ phiếu chiếm 3,18% vốn điều lệ
Trước khi khởi nghiệp với Fecon, ông Phạm Việt Khoa là cán bộ, kỹ sư thi công và thí nghiệm nền móng, với nhiều năm lăn lội tại các dự án thuộc Công ty Xây dựng số 20 (LICOGI 20) hay phụ trách chuyên môn nền móng của Công ty Tư vấn và Thiết kế hầm cầu lớn (TEDI).
Giai đoạn từ năm 1994 đến năm 1998, ông Phạm Việt Khoa là Đội trưởng đội thi công và thí nghiệm nền móng - Công ty Xây dựng số 20 (LICOGI 20); Từ năm 1999 đến tháng 06 năm 2003, phụ trách chuyên môn nền móng - Công ty tư vấn và thiết kế cầu hầm lớn (TEDI). Sự nghiệp của ông Phạm Việt Khoa bắt đầu chuyển sang một ngã rẽ khi cùng cộng sự bắt tay thành lập Fecon năm 2004.