Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Động lực nào cho cổ phiếu cảng biển?
Chuyên mục:

Thị trường

Nhà đầu tư | 18:54
Google news

Các doanh nghiệp cảng biển đã có mùa BCTC quý IV/2024 rất tích cực, song những thông tin tốt và triển vọng phần nào đã phản ánh vào đà tăng của cổ phiếu nhóm này xuyên suốt 1 năm qua.

Toàn cảnh bến 1-2 cảng nước sâu Lạch Huyện của HITC. Phía xa lần lượt là cụm bến 3-4 của CTCP Cảng Hải Phòng và cụm bến 5-6 của Tập đoàn Hateco.

Cổ phiếu cảng biển đã kết thúc tuần giao dịch với nhiều biến động. Thống kê của Nhadautu.vn cho thấy, so với tuần trước đó, đa số các mã nhóm này đều giảm điểm. Trong đó, giảm mạnh nhất là MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (-9,57%), xếp sau là TOS của CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng (-7,03%), PHP của CTCP Cảng Hải Phòng (-5,93%), VSC của CTCP Container Việt Nam (-1,62%)…

Chiều ngược lại, PDN của CTCP Cảng Đồng Nai gây ấn tượng khi tăng 19,29%, xếp sau là GMD của CTCP Gemadept (+0,49%) và SGP của CTCP Cảng Sài Gòn (+0,26%).

“Các doanh nghiệp cảng biển đã có mùa BCTC quý IV/2024 rất tích cực, song những triển vọng phần nào đã phản ánh vào đà tăng xuyên suốt 1 năm qua”, một chuyên gia chứng khoán đánh giá.

Tính trong 1 năm trở lại đây, nhiều mã cảng vẫn duy trì mức tăng 3 chữ số như MVN (+465,49%), PHP (+176,49%), HAH (+123,81%)…

Triển vọng của cổ phiếu cảng biển

Theo giới phân tích, nhóm cảng biển vẫn còn dư địa tăng trong năm 2025, song sẽ có sự phân hóa.

Giới phân tích kỳ vọng sản lượng hàng hóa qua các cảng biển trong năm 2025 sẽ tích cực nhờ việc đẩy mạnh đầu tư công cho hệ thống giao thông kết nối và hạ tầng cảng biển ngày càng được chú trọng.

Cụ thể, các dự án nâng cấp luồng hàng hải Hà Nam và Cái Mép hoàn thành đã nâng cao năng lực đón tàu của các cảng trong khu vực, thu hút được nhiều đối tác mới hơn.

Theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch 7 tuyến đường thủy trung ương kết nối Hải Phòng với các địa phương lân cận. Ngoài ra, mới đây bộ Giao thông Vận tải cũng đã chấp thuận chủ trương nạo vét đoạn luồng còn lại của các cảng thượng lưu cảng Nam Đình Vũ.

Không những thế, vào ngày 16/1/2025 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 148/QĐ-TTg, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Dự án có diện tích 571 ha, tổng vốn đầu tư không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.

Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được căn cứ trên văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư và hồ sơ kèm theo nộp ngày 6/4/2023, và các văn bản giải trình, do SGP và Terminal Investment Limited Holding S.A (TIL) – thành viên hãng tàu hàng đầu thế giới MSC nộp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngoài ra, kỳ họp Quốc hội ngày 19/2 vừa qua cũng thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (tổng mức đầu tư của dự án là 203.231 tỷ đồng) cũng được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng tích cực cho nhóm cảng biển, đặc biệt là các doanh nghiệp tại Hải Phòng.

Triển vọng với nhóm cảng biển còn đến từ đề xuất tăng giá dịch vụ bốc dỡ của hàng loạt doanh nghiệp cảng biển, nhất là tại các cảng nước sâu. Dù Thông tư 12/2024 và Quyết định 810 của Bộ Giao thông Vận tải đã tăng khung giá dịch vụ bốc dỡ container khoảng 10% so với trước đây, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng mức giá này vẫn chưa bù đắp đủ chi phí đầu tư, vận hành tại các cảng biển Việt Nam.

Trao đổi với báo giới, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam (Visaba) cho rằng, giá điều chỉnh chưa bù đắp được chi phí đầu tư, vận hành và duy trì hoạt động tại các cảng Việt Nam.

Nếu giá bốc dỡ được điều chỉnh tăng thêm, doanh nghiệp cảng sẽ có kinh phí để đầu tư các công nghệ thân thiện với môi trường như hệ thống năng lượng tái tạo, xử lý khí thải và cơ sở hạ tầng hỗ trợ vận tải xanh.

Việc đề xuất tăng giá dịch vụ bốc dỡ container tại các cảng nước sâu như Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện mở ra cơ hội tích cực cho các doanh nghiệp vận hành cảng niêm yết.

Ngoài ra, Chứng khoán VNDirect đánh giá sự sự thay đổi các liên minh hãng tàu từ quý II/2025, trong đó Ocean Alliance tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu, hứa hẹn mang đến sự ổn định và tăng trưởng cho các doanh nghiệp cảng biển.

Song song đó, sự mở rộng mạnh mẽ của MSC tại thị trường châu Á, đặc biệt là Việt Nam, với các dự án đầu tư vào cảng Lạch Huyện và Cảng trung chuyển quốc tế (TCQT) Cần Giờ, sẽ thúc đẩy đáng kể hoạt động giao thương hàng hải trong khu vực. Điều này sẽ tạo ra nhiều tuyến dịch vụ mới, gia tăng lưu lượng hàng hóa và củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm logistics quan trọng.

Ở góc nhìn cẩn trọng, Chứng khoán ABS cảnh báo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cảng biển sẽ tăng mạnh trong năm 2025. “Điều này sẽ thể hiện rõ hơn ở khu vực cảng Hải Phòng do gia tăng công suất thiết kế.Việc gia tăng công suất thiết kế trong khi nguồn cung hàng hóa chưa có biến chuyển tích cực trong năm 2025 dẫn đến tình trạng dư thừa công suất”, trích báo cáo của Chứng khoán ABS.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá khu vực Hải Phòng trở thành "chảo lửa" thu hút những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực cảng biển Việt Nam như Tân Cảng, VIMC, Gemadept, Hateco, Viconship, PHP....

VCBS nhìn nhận cụm cảng Hải Phòng sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn trong giai đoạn 2025-2026 khi nguồn cung tăng mạnh 34% so với công suất hiện tại, bao gồm Lạch Huyện 3-4 của PHP (1,1 triệu TEU), Lạch Huyện 5-6 của Hateco (1 triệu TEU giai đoạn 1) và đến năm 2026 sẽ có Nam Đình Vũ 3 của Gemadept (650.000 TEU).

Khả Mộc-Link gốc

Thị trường đóng cửa
GMD
Thị trường đóng cửa
HAH
Thị trường đóng cửa
MVN
Thị trường đóng cửa
PDN
Thị trường đóng cửa
PHP
Thị trường đóng cửa
SGP
Thị trường đóng cửa
TOS
Thị trường đóng cửa
VSC
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục