Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Doanh thu tăng nhưng lãi 'bèo', khó khăn vẫn bủa vây các đại gia ngành xây dựng
Chuyên mục:

Doanh nghiệp

Thời báo kinh doanh | 09:20
Google news

Các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn đang đối diện nhiều thách thức bất chấp đà hồi phục của thị trường địa ốc. Sức ép lớn khiến không ít nhà thầu "đánh cược", mạo hiểm lấn sân sang trực tiếp làm dự án bất động sản, hoặc “xoay trục” ra nước ngoài.

Quý I/2024, doanh thu thuần hợp nhất của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp, UPCoM: HAN) đạt 539 tỷ đồng, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2023, nhờ sự đóng góp từ doanh thu kinh doanh bất động sản đạt 202 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu xây lắp cũng tăng 2,6 lần, đạt 291 tỷ đồng.

Doanh thu tăng, lãi “bèo bọt”

Nhờ doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận gộp của Hancorp cũng tăng 2,7 lần, đạt 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự cải thiện về doanh thu chỉ đủ để công ty cân đối cho các khoản chi phí gia tăng theo doanh thu (chi phí tài chính tăng 3,2 lần, chi phí quản lý tăng 76%).

Kết quả, kết thúc quý đầu năm 2024, dù đã có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ, HAN chỉ ghi nhận khoản lãi trước thuế 4,9 tỷ đồng và lãi sau thuế vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng. Chưa kể, “game” tài chính của công ty ghi nhận giảm 29%, chỉ đạt 0,9 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm.

Nhà thầu xây dựng vẫn đối diện với nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: HN).

Cũng trong cảnh tương tự, dù doanh thu thuần tăng gấp đôi, song do không còn khoản thu từ hoạt động tài chính như cùng kỳ năm 2023, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (UPCoM: XMC) ngậm ngùi báo lỗ trong quý I/2024.

Cụ thể, trong quý I/2024, doanh thu thuần hợp nhất của XMC đạt 474 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lợi nhuận gộp của công ty đạt 43 tỷ đồng, tăng gấp 4,4 lần. Biên lợi nhuận gộp 9,1%.

Tuy nhiên, với việc doanh thu tài chính chỉ 0,3 tỷ đồng, giảm 99,3%, do không còn khoản lãi từ việc bán các khoản đầu tư như cùng kỳ, XMC ngậm ngùi báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 2,4 tỷ đồng, tăng vọt so với cùng kỳ lỗ thuần chỉ khoảng 0,8 tỷ đồng.

Cần phải nhấn mạnh, những trường hợp kể trên không chỉ là số ít, xét trên toàn cục, dù tình hình kinh doanh đã bớt u ám, “sức khỏe” của các doanh nghiệp ngành xây dựng trên thực tế chưa có nhiều đột phá. Ngay cả với nhóm nhà thầu ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh cũng vẫn có những “vết gợn”.

Điển hình như Tổng công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (UPCoM: CC1) đang chứng kiến doanh thu thuần tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I/2024. Tuy nhiên, do không còn doanh thu tài chính lớn như cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ tăng 6%.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất của CC1, quý I/2024, doanh thu thuần đạt 1.395 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ đó, lợi nhuận gộp tăng 47% so với cùng kỳ, đạt 79 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 5,7%.

Song, do không còn điểm tựa từ doanh thu tài chính lớn như năm trước (chỉ đạt 13 tỷ đồng, giảm 81%), CC1 kết thúc quý I/2024 với khoản lãi trước thuế 11,3 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 1,3% và lãi sau thuế 8,8 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Chật vật tìm “lối thoát hiểm”

Một ông lớn khác của ngành xây dựng là công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons cũng ghi nhận kết quả kinh doanh có phần kém tích cực trong quý I/2024, với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều suy giảm so với cùng kỳ năm 2023

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý của Ricons, trong quý I/2024, doanh thu thuần công ty đạt 1.619 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu ghi nhận sự suy giảm của mọi mảng kinh doanh, như xây lắp giảm 5%, bất động sản đầu tư giảm 66%, cho thuê và thanh lý thiết bị xây dựng giảm 34%, riêng mảng bán vật liệu xây dựng “bốc hơi” hoàn toàn.

Kết quả, trong quý đầu năm, dù cải thiện được giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 58 tỷ đồng, tăng 38%, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 3,6%, nhưng Ricons chỉ có lãi sau thuế 14,3 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng quý I/2024 khó khăn hơn quý IV/2023, với 16,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, 41,5% nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh giữ ổn định, 42,2% cho rằng đang khó khăn hơn.

Dự báo quý II/2024 so với quý I/2024, 32,2% doanh nghiệp xây dựng được khảo sát nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, 40,7% cho rằng giữ ổn định và 27,1% dự báo sẽ khó khăn hơn.

Một loạt dẫn chứng từ thực tế để thấy rằng đa phần, nếu không muốn nói là tất cả, các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn đang đối diện rất nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, nhiều ông lớn đầu ngành đã tích cực tìm hướng đi mới nhằm “mở lối thoát hiểm”, trong đó có lấn sân bất động sản và xoay trục ra nước ngoài.

Như trường hợp của Coteccons (CTD) đang đẩy mạnh đầu tư dự án. Hiện, CTD đang đầu tư vào dự án The Emerald 68 tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong (Lê Phong Group). Đây là dự án đầu tiên Coteccons đóng vai trò nhà phát triển.

Trước CTD, Ricons cũng định hướng đầu tư vào bất động sản, với mục tiêu mở rộng nguồn thu bên cạnh ngành xây dựng cốt lõi của doanh nghiệp. Tiêu chí của công ty là đầu tư có chọn lọc, liên kết với các chủ đầu tư tại các dự án có pháp lý rõ ràng, các dự án thứ cấp có khả năng mang lại lợi nhuận cao.

Cùng với đó, Newtecons - một tên tuổi đang có những tăng trưởng thần tốc do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập cũng đang có định hướng sẽ tham gia đầu tư trực tiếp vào bất động sản.

Cũng không giấu tham vọng lấn sân sang làm dự án, tuy nhiên, Xây dựng Hòa Bình (HBC) lại đang chú trọng việc “xuất ngoại” hơn.

Chủ tịch HBC Lê Viết Hải đã nhiều lần khẳng định trong bối cảnh thị trường bị “co hẹp”, doanh nghiệp này sẽ ưu tiên mở hướng ra nước ngoài, dù đây là hướng đi nhiều thách thức và đòi hỏi sự dài hơi.

Có thể thấy, trong bối cảnh “sức khỏe” nền kinh tế còn nhiều biến động, thách thức vẫn đang chờ đợi các nhà thầu, buộc các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đều phải tính tới việc mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực nằm ngoài thế mạnh như xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng công nghiệp hay thậm chí tham gia sâu rộng hơn vào các dự án đầu tư công…

Giới quan sát cũng nhận định, các nhà thầu xây dựng rất khó trở lại trong ngắn hạn, ít nhất là giữa năm 2024, bởi những khó khăn chung của thị trường bất động sản, trong khi các dự án hạ tầng đầu tư công đòi hỏi chặng đường dài hơi từ 3-5 năm, bất chấp Chính phủ đang có nhiều giải pháp tháo gỡ.

Với những diễn biến từ thực tế, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, khẳng định bên cạnh những nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, cần có thêm các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ trong các vấn đề về pháp lý, vốn vay, chi phí không tên, hoãn, giãn nợ..., tạo động lực để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chuẩn bị cho quá trình phục hồi.

Hưng Nguyên

Link gốc

Thị trường đóng cửa
CC1
Thị trường đóng cửa
CTD
Thị trường đóng cửa
HAN
Thị trường đóng cửa
HBC
Thị trường đóng cửa
XMC
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục
Cỡ chữ
NhỏLớn