Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Doanh nhân Việt Nam: Tâm - Tài - Trí - Dũng
Chuyên mục:

Doanh nghiệp

Báo Lao Động | 14:23
Google news

Tròn 20 năm trước, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện các tập đoàn tư nhân bên lề Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sự kiện này mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc bởi đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam (13.10.1945). Giới doanh nhân Việt Nam đã và đang tiếp tục thể hiện 4 chữ: Tâm - Tài - Trí - Dũng trong việc đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng xây dựng đất nước, hiện thực hóa công cuộc đổi mới và sẽ là lực lượng tiên phong trong mục tiêu đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.

Chữ Tâm của doanh nghiệp - doanh nhân

Chữ Tâm của doanh nhân thể hiện ngay trong những ngày đầu Cách mạng. Mùa Thu năm 1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời mới thành lập, kinh tế kiệt quệ; Ngân quỹ Trung ương chỉ còn vẻn vẹn 1,25 triệu đồng Đông Dương, trong đó có 580 nghìn đồng rách nát chờ tiêu hủy; Nợ các khoản lên đến 564 triệu đồng. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ vàng” nhằm thu nhận hiện vật mà nhân dân quyên góp cho Chính phủ. Hưởng ứng lời kêu gọi và niềm tin nơi Bác, các doanh nhân, các nhà tư sản dân tộc đã đóng góp vào “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ Vàng” trên 20 triệu đồng Đông Dương và khoảng 370kg vàng, bảo đảm hoạt động cho chính quyền Cách mạng những ngày đầu thành lập. Tiêu biểu là Doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ và Trịnh Văn Bô đã đóng góp 5.000 lượng vàng.

Những đóng góp gần như vô điều kiện của những nhà tư sản đã góp phần xây dựng Chính phủ còn non trẻ. Không chỉ coi trọng các nhà tư sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định tư tưởng của mình bằng việc một nhà tư sản yêu nước, kinh doanh sách báo tiến bộ, kinh doanh lương thực, hàng nông sản trước Cách mạng tháng Tám là ông Lê Văn Hiến làm Bộ trưởng Tài chính đầu tiên.

Ngày 13.10.1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nhân, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này...”.

Đó là chữ Tâm của doanh nhân Việt Nam đối với vận mệnh của đất nước, đối với đời sống của người dân còn muôn vàn khó khăn.

Chữ Tâm ấy còn tiếp tục được vận dụng, tỏa sáng ở nhiều thời điểm. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ doanh nhân dân nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng đất nước, vượt qua khó khăn, tự lực, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, nỗ lực thích ứng linh hoạt để duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Đồng thời, phát huy truyền thống "chia ngọt, sẻ bùi", "tương thân, tương ái", cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, cộng đồng, đóng góp lớn vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 và ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương. Có doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp hơn 500 tỉ đồng cho Quỹ vaccine. Giúp cho Quỹ đạt gần 9000 tỉ đồng, giúp sớm xử lý được tình huống, đưa các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước trở lại trạng thái bình thường.

Hay gần đây nhất, khi người dân ở một số tỉnh phía Bắc chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 (bão Yagi). Ngay khi cơn bão vừa qua đi, hàng nghìn doanh nghiệp đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào. Đơn cử như Tập đoàn Vingroup và các công ty trong hệ sinh thái công bố tài trợ 250 tỉ đồng cho đồng bào đang chịu thiệt hại do siêu bão Yagi và mưa lũ kéo dài. Nguồn tiền sẽ được phân bổ trực tiếp cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp như dựng lại khoảng 2.000 ngôi nhà bị sập đổ, hỗ trợ từ 150 - 300 triệu đồng cho các gia đình có người thiệt mạng, góp phần tái thiết cơ sở hạ tầng cũng như các công trình dân sinh... giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Hoặc câu chuyện tại Bình Dương, một doanh nghiệp có quy mô không lớn như Công ty TNHH Kỹ Nghệ cửa Ý - Á Châu (phường Khánh Bình, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã quyết định thống nhất gửi 500 triệu đồng về tài khoản của LĐLĐ tỉnh Bình Dương để hỗ trợ đồng bào bị bão lũ. Riêng cá nhân bà Lê Thị Hương - Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty TNHH Kỹ Nghệ cửa Ý - Á Châu hỗ trợ 100 triệu đồng bằng cách mua đồ dùng thiết yếu và dự định sẽ cùng người thân đi trao tận nơi cho người bị nạn.

Đó chính là những ví dụ để nói về chữ Tâm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với đất nước, đối với đồng bào chưa bao giờ phai nhạt.

Đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp vào nền kinh tế đến năm 2030 theo Nghị quyết 41.

Khẳng định Tài - Trí

Năm 2013, khi tạp chí Forbes công bố lần đầu tiên Việt Nam có tỉ phú USD. Đó là ông Phạm Nhật Vượng với khối tài sản lên đến 1,7 tỉ USD. Đến năm 2024 số tỉ phú USD của Việt Nam đã lên con số 6 gồm: Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VietJet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát - Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank - Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan - Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Thaco - Trần Bá Dương và gia đình. Trong đó, tỉ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam khi sở hữu khối tài sản trị giá 4,4 tỉ USD.

Đây là sự vươn lên mạnh mẽ của các tập đoàn tư nhân lớn tại Việt Nam, trở thành những “sếu đầu đàn” với sự dẫn dắt của những doanh nhân tài năng.

Năm ngoái, khi VinFast chào sàn Nasdaq, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh tự hào viết trên trang Facebook cá nhân rằng: “15.8.2023 - Dấu mốc lịch sử của kinh tế - tài chính Việt Nam”. Ông Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là câu trả lời xác đáng nhất cho những nghi ngờ về năng lực của doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế. Nếu có nhiều hơn doanh nghiệp nhìn theo VinFast để học hỏi thì kinh tế Việt Nam sẽ sớm vươn tới đẳng cấp cao hơn ở tầm thế giới.

Quả thật, câu chuyện VinGroup làm xe điện không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế, lợi nhuận hay chạy theo xu thế mà còn là chiến lược lâu dài. Đó là tầm nhìn về một tương lai bền vững cho con người và hành tinh thông qua việc di chuyển xanh, sạch và an toàn. Hãng xe thương hiệu Việt còn khao khát vươn tới những thành tựu cao hơn nữa - trở thành một trong những hãng xe điện hàng đầu trên thế giới.

Trong một bài phỏng vấn sau đó, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định: “VinFast đã đi rất chuẩn về chiến lược. Cần hiểu rằng, tiên phong đồng nghĩa với những khó khăn, thách thức nghiệt ngã. Doanh nghiệp đã phải chuẩn bị rất nhiều điều kiện cho cuộc đấu này, không phải chỉ là ảo tưởng xung trận chỉ với một niềm tin quyết thắng. Với những thành tựu tính đến ngày hôm nay, chúng ta phải tin tưởng vào năng lực của doanh nghiệp Việt. Những thắng lợi ban đầu trên thị trường chứng khoán Mỹ của VinFast đã khẳng định Việt Nam là “tay chơi” trong thị trường bậc cao nhất mà chỉ có một số ít hãng ôtô toàn cầu xâm nhập. Đó không chỉ tạo ra vị thế cho doanh nghiệp mà còn xây dựng nên hình ảnh cho Việt Nam”.

“Sự thừa nhận của quốc tế đối với VinFast đánh dấu sự trưởng thành của một doanh nghiệp Việt, đồng thời là ví dụ để khẳng định rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có năng lực tiếp cận thị trường thế giới theo cách nhanh chóng và hiệu quả” - PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10.10.2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã khẳng định: Vai trò của doanh nhân và tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp được củng cố, phát huy. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam diễn ra vào ngày 4.10.2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong. Trong đó có tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm...); tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, bảo đảm đủ năng lượng, cung cầu lao động đáp ứng yêu cầu phát triển); tiên phong xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại để góp phần nâng cao năng lực quản trị đất nước theo hướng thông minh, Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ; tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không ai bị bỏ lại phía sau, góp phần vào phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.

Dũng khí, bản lĩnh vượt chông gai

Chữ “Dũng” của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam còn thể hiện trong việc dám đương đầu với thử thách mới.

Báo cáo của Tổng Cục thống kê mới nhất cho hay: Tính chung 9 tháng năm 2024, cả nước có hơn 183.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 163.800 doanh nghiệp, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Điều này cho thấy cuộc chơi của doanh nghiệp Việt vẫn còn rất khốc liệt, đầy rào cản và thách thức trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, những khó khăn ấy không khiến doanh nghiệp Việt Nam nhụt chí, thậm chí dám nghĩ lớn, làm lớn. Rõ nhất là câu chuyện về đường sắt tốc độ cao đang được dư luận quan tâm.

Ngay sau khi Bộ Chính trị thông báo đồng ý về chủ trương làm tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bày tỏ sự sẵn sàng tham gia siêu dự án này.

Theo Bộ GTVT, tổng mức đầu tư dự án sơ bộ vào khoảng 67,34 tỉ USD. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), mục tiêu hoàn thành toàn tuyến là vào năm 2035. Tốc độ dự kiến là 350km/h, kết hợp kinh tế với an ninh - quốc phòng, giữa vận tải hành khách là chủ yếu và vận tải hàng hóa nhanh khi có nhu cầu.

Tại Hội nghị giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp lớn diễn ra ngày 21.9.2024, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - ông Trần Đình Long tuyên bố: "Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao tại Việt Nam".

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cũng có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thành lập liên doanh phát triển công nghiệp đường sắt. Theo đó, VNR - đơn vị duy nhất đang khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, muốn người đứng đầu Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép doanh nghiệp này cùng với các đối tác nước ngoài thành lập liên doanh hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đường sắt với tỉ lệ vốn góp chi phối. Ngoài các đối tác nước ngoài, VNR cũng mở rộng cửa cho các đơn vị cơ khí chế tạo trong nước cùng tham gia vào liên doanh đặc biệt này.

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đã mở cánh cửa chào đón và tạo động lực để các doanh nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao. Động thái này cũng khuyến khích các doanh nghiệp đã ấp ủ ý định và quyết tâm tìm hiểu công nghệ, quy trình, gửi người đi đào tạo, tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước cùng chí hướng đầu tư...

Về dự án này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: "Cần mạnh dạn làm dự án lớn, làm đến đâu, hoàn chỉnh đến đó. Cần khơi dậy niềm tự hào dân tộc để phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, vận dụng sáng tạo truyền thống nghệ thuật chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích trong lịch sử dân tộc để làm công trình này".

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển doanh nghiệp, doanh nhân được nêu trong Nghị quyết 41 là "Bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ; bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, đặc biệt, không hình sự hóa quan hệ kinh tế...".

“Được bình đẳng khi tiếp cận nguồn lực” và “không hình sự hóa quan hệ kinh tế” là hai yếu tố được doanh nghiệp, doanh nhân mong chờ được thể chế hóa bằng những quy định, chính sách cụ thể.

Ở chiều ngược lại, đây cũng là lúc doanh nghiệp, doanh nhân phải phát huy bản lĩnh. Bởi một thực tế cho thấy, vẫn còn một bộ phận doanh nhân trong quá trình vận hành doanh nghiệp, thay vì mang lại những giá trị cho đất nước, cho nhân dân, cho những người lao động lại lợi dụng những kẽ hở của luật pháp, thu lợi vun vén cho bản thân và gia đình.

Đặc biệt gần đây, hàng loạt doanh nhân bị khởi tố, bắt giam với những tội danh như lừa đảo, thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu, tham gia đấu thầu các dự án lớn như vụ án ở FLC, Tân Hoàng Minh, AIC, Phúc Sơn, Thuận An...

Chữ “Dũng” của doanh nhân chính là biết hy sinh quyền lợi cá nhân, của doanh nghiệp để phục vụ tổ quốc, nhân dân.

Đất nước đang “bước vào vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” như nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, trong đó vai trò của đội ngũ doanh nhân chiếm vị trí quan trọng. Họ phải đủ Tâm - Tài - Trí - Dũng, thể hiện bản lĩnh vững vàng, vượt qua khó khăn, đoàn kết, có trách nhiệm với xã hội, với Tổ quốc để sớm thực hiện hóa giấc mơ hùng cường của đất nước.

Ngày 9.5.2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Theo đó, mục tiêu từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước, khoảng 32 - 38% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98 - 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới tăng 10% mỗi năm.

Đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỉ phú đô la Mỹ thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.

Đến năm 2045, phấn đấu một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước.

Thùy Linh

Link gốc

Thị trường đóng cửa
FLC
Thị trường đóng cửa
HPG
Thị trường đóng cửa
MSN
Thị trường đóng cửa
TCB
Thị trường đóng cửa
VIC
Thị trường đóng cửa
VJC
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục