Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Doanh nghiệp bất động sản công nghiệp khởi sắc nửa đầu năm 2024
Chuyên mục:

Thị trường

Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp | 09:49
Google news

Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành bất động sản công nghiệp đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý II, cũng như nửa đầu năm 2024.

Thị trường bất động sản khu công nghiệp vẫn tiếp tục là điểm sáng với tỉ lệ hấp thụ tốt và giá chào thuê tiếp tục ở mức cao.

Nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực

Theo đánh giá của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), ngành bất động sản công nghiệp đang có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng của ngành như: Nhiều địa phương trọng điểm hoàn tất Quy hoạch mới – Gỡ rối điều chỉnh quy hoạch dự án cũ; Thúc đẩy phát triển dự án mới; Thúc đẩy đầu tư hạ tầng lan tỏa tích cực tới ngành; Tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng; Khách thuê tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam giúp tỷ lệ hấp thụ và giá chào thuê tiếp tục tăng...

BVSC cho rằng, thị trường bất động sản khu công nghiệp vẫn tiếp tục là điểm sáng với tỷ lệ hấp thụ tốt và giá chào thuê tiếp tục ở mức cao.

Theo CBRE, đất khu công nghiệp tại thị trường cấp 1 miền Bắc giá chào thuê đạt 133 USD/m2/kỳ thuê, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Với việc đầu tư FDI công nghệ cao thúc đẩy hoạt động tích cực; và không có dự án mới đi vào hoạt động trong quý; tỉ lệ lấp đầy tại miền Bắc đạt 83%.

Tại thị trường miền Nam duy trì tích cực trong nửa đầu 2024 nhờ vào xu hướng mở rộng của các nhà sản xuất. Theo CBRE, giá đất khu công nghiệp tại thị trường cấp 1 đạt 189 USD/m2/kỳ thuê, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Quỹ đất khu công nghiệp còn lại ở miền Nam tương đối hạn chế, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 92%.

“Với nhu cầu mở rộng sản xuất và xu hướng FDI dồi dào vẫn tiếp tục; cùng với nguồn cung hạn chế; chúng tôi dự báo giá chào thuê tại các khu công nghiệp sẽ duy trì ở mức cao và tiếp tục tăng trong thời gian tới”, BVSC nhận định.

Cũng theo BVSC, FDI vào Việt Nam vẫn duy trì xu hướng tích cực trong 4 tháng đầu năm khi vốn đăng ký mới và số dự án đầu tư tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, 4 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng 28,8% về số lượng dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tăng 73,2% về tổng vốn đăng ký đầu tư mới.

Việt Nam đang có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Úc, qua đó giúp tăng cường sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKFTA)… cũng tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để Việt Nam có được lợi thế tương đối trong hoạt động thương mại và đầu tư.

“Các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu của những hãng lớn đang dần tập trung vào Việt Nam: Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam; nhiều hãng khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng cơ sở sản xuất sẵn có tại Việt Nam”, BVSC đánh giá.

Vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024.

Số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, có tới 70,4% tổng vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư.

Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như: điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo. Sự phát triển của các lĩnh vực này tác động trực tiếp đến bất động sản công nghiệp nhờ việc gia tăng nhu cầu về nhà xưởng đáp ứng tốt yêu cầu cơ sở hạ tầng, dịch vụ.

Nhu cầu đa dạng hóa hóa chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư trong bối cảnh việc đặt nhà máy ở Trung Quốc không còn là sự lựa chọn tối ưu về chi phí cũng giúp Việt Nam trở thành một điểm đến được nhiều nhà đầu tư cân nhắc. Mới đây tập đoàn Nvidia từ Hoa Kỳ cam kết đưa Việt Nam thành một trung tâm công nghệ mới với thỏa thuận trị giá 200 triệu USD; hay Hana Micron từ Hàn Quốc và Intel với những dự án có quy mô lên tới hàng tỷ USD.

Xét về khu vực phát triển, theo dữ liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài, Bắc Ninh vẫn là điểm đến được các nhà đầu tư ưa ái với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,58 tỷ chiếm 17% tổng của cả nước. Đứng thứ hai là Bà Rịa - Vũng Tàu với 1,54 tỷ USD, và Quảng Ninh xếp vị trí thứ 3 với 1,36 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM.

Kết quả kinh doanh tích cực

Hưởng lợi từ các yếu tố hỗ trợ của ngành, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành bất động sản công nghiệp đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý II, cũng như nửa đầu năm 2024.

Cụ thể, kết thúc quý II/2024, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (HoSE: SIP) ghi nhận doanh thu đạt hơn 1.937 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 332,6 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, kết quả tăng trưởng trên là nhờ doanh thu từ cung cấp dịch vụ tiện ích khu công nghiệp và lãi bán các khoản đầu tư trong quý II tăng so với cùng kỳ.

Lũy kế nửa đầu năm 2024, SIP ghi nhận doanh thu đạt hơn 3.763 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 590,5 tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 74,5% với kế hoạch năm.

Một số chỉ tiêu tài chính của các công ty bất động sản khu công nghiệp.

Tương tự, Công ty CP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (UpCOM: VRG) cũng ghi nhận doanh thu thuần quý II/2024 đạt gần 27 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ được hoàn chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp hơn 28 tỷ đồng nên công ty có lợi nhuận gộp gần 54 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến lãi sau thuế của VRG đạt hơn 38 tỷ đồng, tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp mang về 31 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 63% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 36 tỷ đồng, tăng gấp 72 lần so với nửa đầu năm trước.

Cũng có mức tăng trưởng bằng lần là Công ty CP Long Hậu (HoSE: LHG) đạt 162 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý II, tăng gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 67,8 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức lãi cao nhất trong vòng 6 quý trở lại đây của doanh nghiệp này.

Xét về cơ cấu, doanh thu cho thuê đất khu công nghiệp chiếm tới hơn 50,8% tổng doanh thu quý II/2024 của LHG, trong khi cùng kỳ không ghi nhận khoản này. Theo sau là doanh thu cho thuê nhà xưởng, khu lưu trú, trung tâm thương mại với 45 tỷ đồng, chiếm 27,8% và doanh thu từ các hoạt động khác đạt 34,6 tỷ đồng, chiếm 21,4%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của LHG đạt 134 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 99 tỷ đồng, lần lượt tăng 45% và 31% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 36% kế hoạch doanh thu và 76% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Mặc dù có doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (HoSE: BCM) cũng ghi nhận mức tăng trưởng bằng lần. Cụ thể, doanh thu quý II của BCM giảm 10% so với cùng kỳ, đạt 1.162 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 394 tỷ đồng, tăng gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận sau thuế trong kỳ tăng đột biến chủ yếu nhờ khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết tăng tới 365 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của BCM đạt 1.973 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế cao gấp 10 lần, đạt 513 tỷ đồng. Qua đó, hoàn thành 26% kế hoạch doanh thu và 31% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Trong khi đó, Tổng Công ty IDICO CTCP (HNX: IDC) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất quý II/2024 đạt hơn 2.148 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp cũng giảm 9%, còn 810 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 584 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Ban lãnh đạo Tổng Công ty cho biết, lợi nhuận trong quý II/2024 suy giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do giảm doanh thu từ các hợp đồng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của IDC đạt hơn 4.615 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.737 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 67% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu và 69% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Đối với nhóm doanh nghiệp “họ Sonadezi” cũng góp mặt 3 cái tên với lợi nhuận tăng trưởng. Theo đó, Công ty CP Sonadezi Long Thành (HoSE: SZL) đạt lãi ròng tăng 57% so với cùng kỳ, lên gần 35 tỷ đồng; Công ty CP Sonadezi Châu Đức (HoSE: SZC) đạt hơn 102 tỷ đồng lãi ròng, tăng 7% so với cùng kỳ; Công ty CP Sonadezi Long Bình (HNX: SZB) đạt hơn 42 tỷ đồng lãi ròng, tăng 2% so với cùng kỳ; Trong khi, Công ty CP Sonadezi Giang Điền (UpCOM: SZG) ghi nhận lãi ròng “đi lùi” 57% so với cùng kỳ, còn 30 tỷ đồng.

Không được may mắn nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành khác, Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HoSE: D2D) là doanh nghiệp duy nhất trong ngành bất động sản khu công nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý II năm nay.

Cụ thể, mặc dù doanh thu thuần trong quý II/2024 của D2D tăng hơn 60% so với cùng kỳ, lên hơn 27 tỷ đồng, nhưng do doanh thu tài chính “bốc hơi” gần 98%, cùng với chi phí quản lý tăng mạnh gần 60% so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này ghi nhận lỗ hơn 6 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ nặng nhất của D2D kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE vào tháng 8/2009.

Đình Đại-Link gốc

Thị trường đóng cửa
BCM
Thị trường đóng cửa
D2D
Thị trường đóng cửa
IDC
Thị trường đóng cửa
LHG
Thị trường đóng cửa
SIP
Thị trường đóng cửa
SZB
Thị trường đóng cửa
SZC
Thị trường đóng cửa
SZG
Thị trường đóng cửa
SZL
Thị trường đóng cửa
VRG
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục