Một nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản. Nguồn: World - Energy
Cơ chế đặc thù cho nhà máy điện hạt nhân
Sáng ngày 19/2, với 459/460 đại biểu tán thành, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, có hiệu lực thi hành kể từ ngày Quốc hội thông qua.
Theo đó, dự án được trao nhiều cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ. Đó là Quốc hội trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư thực hiện dự án; áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn với các gói thầu tư vấn, thực hiện dự án, thẩm tra báo cáo, thẩm định công nghệ…
Về phương án vốn, chủ đầu tư được vay, vay lại theo điều kiện ưu đãi (không chịu rủi ro tín dụng, không phải lập đề xuất chương trình, dự án dùng vốn ODA, vay ưu đãi… ). Chủ đầu tư được phép thu xếp vốn đốn ứng từ nguồn vốn vay, trái phiếu; ngân hàng thương mại được miễn áp dụng quy định về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với chủ đầu tư…
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu vào năm 2009 với tổng công suất 4.000 MW, chia thành 2 nhà máy trên diện tích 1.642 ha. Song, đến năm 2016, dự án bị tạm dừng vì nhiều yếu tố.
Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương triển khai, hoàn thành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2030.
Theo quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam cần 150.000 MW công suất nguồn điện và đến 2050 thì cần khoảng 490.000 – 573.000 MW. Điện mặt trời và điện gió được kỳ vọng là nguồn năng lượng xanh trong tương lai nhưng thiếu ổn định, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Trong khi đó, điện than đối mặt thách thức lớn trong cam kết giảm phát thải ròng.
Do vậy, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được xác định không chỉ là lời giải cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững, đưa nền khoa học công nghệ của đất nước phát triển lên tầm cao mới.
Với tầm quan trọng đó, tại cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìm đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh) ngày 12/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam sẽ phát triển hạt nhân tập trung, hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước. Quy hoạch điều chỉnh đề nghị là đến năm 2030 phải xác định không phải chỉ có Ninh Thuận mà ít nhất phải có 3 trong 8 điểm đã được xác định có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Doanh nghiệp hưởng lợi?
Theo KB Research, dự án gồm 2 nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, tổng đầu tư dự kiến rơi vào 12 tỷ USD. Tuy nhiên, số vốn có thể được điều chỉnh sau khi Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch điện VIII, bổ sung 4.000 MW vào lưới điện quốc gia.
Dự án này cùng với đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ là các đại dự án đem lại nguồn việc lớn cho doanh nghiệp nhà thầu thi công, xây lắp hạ tầng… Hay nhóm thép và vật liệu xây dựng hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng gia tăng.
Ninh Thuận – nơi đặt nhà máy điện hạt nhân được áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án điện hạt nhân. Riêng mỏ khoáng sản thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông) đang hoạt động và còn hạn khai thác sẽ được nâng công suất tối đa 50% mà không phải lập dự án điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường.
Theo đánh giá của các đơn vị phân tích, các ngành nghề dưới đây có khả năng được hưởng lợi từ các dự án điện hạt nhân.
Đầu tiên là ngành khai thác và chế biến khoáng sản, do các nhà máy điện hạt nhân cần nhiều loại nguyên liệu đặc biệt như uranium, zirconium, titan, đồng, nhôm, chì, kẽm để sản xuất thiết bị và nhiên liệu. Các doanh nghiệp tiềm năng có thể hưởng lợi như Masan High-Tech Materials (MSR), Tổng công ty Khoáng sản TKV (Vimico), CTCP Khoáng sản và Luyện kim Việt Nam...
Ngành sản xuất thép và kim loại đặc biệt với các đơn vị đầu ngành như Tập đoàn Hoà Phát, Tổng công ty Thép...
Ngành xây dựng, hạ tầng như Coteccons, Hoà Bình, Vinaconex, Tổng công ty Xây dựng Sông Đà...
Ngành cơ khí, chế tạo máy, thiết bị điện như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Xây dựng Cơ khí (Coma), CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM)...
Ngành vận tải, logistics như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các công ty vận tải, cảng biển...