Trong bối cảnh tỷ giá VND/USD tăng cao, các nhóm ngành xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ tác động tỷ giá như thủy sản, hóa chất, dầu khí, nhựa, dệt may, gỗ, săm lốp.
Nhiều nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ việc tỷ giá VND/USD tăng. Ảnh minh họa: PV.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất, MBS Research nhìn nhận những bất ổn liên quan đến “Trump 2.0” có thể dẫn đến việc gia tăng giá trị của đồng USD.
Tỷ giá hối đoái đã trở thành tâm điểm kể từ tháng 3/2024, áp lực tỷ giá có lúc chạm đến đỉnh điểm vào tháng 5/2024 khi đạt 25.470 VND/USD, đánh dấu mức mất giá khoảng 4,6% tính từ đầu năm, khi đối mặt với sức ép từ việc Fed duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong vòng 23 năm, nhu cầu về USD tăng vọt nhằm phục vụ cho việc nhập khẩu nguyên liệu và tích trữ đầu cơ.
Sau khi vật lộn với áp lực mất giá, VND đã dần phục hồi đáng kể từ giữa tháng 9/2024, sau đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay với mức 50 điểm cơ bản của Fed – đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 4 năm. Tuy vậy, điều này diễn ra không lâu khi tỷ giá lại một lần nữa tăng nóng trở lại trong quý IV/2024 khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nhằm gia tăng sản xuất cho mùa cuối năm. Bên cạnh đó, nhu cầu mua USD của Kho bạc Nhà nước cũng tăng cao trong giai đoạn này do phải chi trả các nghĩa vụ nợ.
Cho đến tháng 12, áp lực tỷ giá vẫn căng thẳng do sự phục hồi mạnh mẽ của đồng USD, và đã đẩy tỷ giá liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất lịch sử tại 25.485 VND/USD vào cuối tháng 12. Tính từ đầu năm 2024, đồng VND đã mất giá hơn 4,6% so với đồng USD. Tỷ giá thị trường tự do cũng đã tăng lên mức 25.800 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm đạt mức cao nhất kể từ khi cơ chế tỷ giá trung tâm được áp dụng vào năm 2016 tại 24.335 VND/USD, tăng lần lượt 4,3% và 2% so với đầu năm 2024. Trong bối cảnh này, NHNN đã phải cung ứng ra thị trường lượng lớn ngoại tệ và linh hoạt điều tiết thanh khoản hệ thống ngân hàng nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.
MBS Research kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 25.800 VND/USD trong quý I/2025 khi các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao của Mỹ so với các nước khác và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025.
Các nhóm ngành cổ phiếu hưởng lợi
Trong bối cảnh tỷ giá VND/USD tăng cao, các nhóm ngành xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ tác động tỷ giá như thủy sản, hóa chất, dầu khí, nhựa, dệt may, gỗ, săm lốp.
Theo một báo cáo từ BSC Research, nhóm thủy sản hưởng lợi nhờ giá hầu hết các mặt hàng thủy sản được quote và giao dịch theo đồng USD. Tương tự, nhóm hóa chất cũng được dự báo tích cực nhờ doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, nhập khẩu nguyên liệu chiếm tỷ trọng nhỏ hơn. Nhóm dầu khí và nhựa cũng được đánh giá khả quan.
Nhóm dệt may cũng được BSC Research đánh giá hưởng lợi nhờ xu hướng tăng của tỷ giá khi thị trường xuất khẩu và khách hàng chính của đa phần các doanh nghiệp may mặc là từ Mỹ, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp đều phải nhập nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài theo chỉ định của khách hàng nên nhìn chung tác động từ tỷ giá tăng lên kết quả kinh doanh không nhiều.
Tương tự, nhóm đá thạch anh nhân tạo cũng có thể tích cực nhờ chênh lệch tỷ giá tác động lên doanh thu lớn hơn chi phí lãi vay và nhóm săm lốp cũng có doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, nhập khẩu nguyên liệu chiếm tỷ trọng nhỏ hơn.
Nhóm gỗ có phần lớn doanh thu mảng gỗ và đá là xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu và thu về đồng USD, trong khi nguyên liệu đầu vào chủ yếu là tự chủ trong nước nên tỷ giá tăng sẽ tương đối có lợi cho doanh nghiệp.
Chiều ngược lại, nhóm phân tích cho rằng phân bón và tiện ích sẽ chịu áp lực từ tỷ giá. Theo đó, DPM, DCM nguyên liệu đầu vào được tính bằng đồng USD, doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng nhỏ. Tương tự với nhóm tiện ích, một số doanh nghiệp có giá khí đầu vào được tính theo đồng USD do đó sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện và giảm tính cạnh tranh với các loại hình năng lượng khác.
Đồng thời, đội ngũ phân tích BSC Research cũng đưa ra quan điểm trung lập với một số nhóm như sắp thép, gạo, công nghệ và một số cổ phiếu trong nhóm tiện ích (REE, PC1, GEG. BCG, BWE).
Ở nhóm công nghệ, với riêng FPT, BSC cho rằng tỷ giá USD/VND tăng sẽ bù đắp lại tỷ giá JPY/VND giảm, ngoài ra các khoản vay bằng USD của FPT cũng sẽ được trả trực tiếp bằng đồng USD từ doanh thu tại thị trường Mỹ nên nhìn chung tác động đến kết quả kinh doanh là không nhiều.