Đã lắp đặt khoảng 400 trạm sạc xe điện tại các cây xăng của PVOIL, nhưng Chủ tịch Cao Hoài Dương nói lúc đầu thấy xe điện ra đời, "chúng tôi ‘cay’ lắm".
Kinh doanh chủ lực là xăng dầu, nhưng trong chiến lược phát triển, Chủ tịch Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), ông Cao Hoài Dương nói doanh nghiệp sẽ cung cấp đa dạng năng lượng, từ xăng dầu, hydro đến điện và các dịch vụ khác. Xu hướng thị trường phát triển ra sao, doanh nghiệp cũng sẽ thích ứng, làm tốt.
Xe điện là xu hướng, không thể khác
Chia sẻ với phóng viên VTC News bên lề sự kiện thương hiệu độc đáo để thành công do Forbes Việt Nam tổ chức, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch PVOIL nói mình là đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhưng bây giờ lại rất vui khi xe điện phát triển ngày càng nhanh và mạnh.
Theo ông, xe điện là là xu hướng và chúng ta phải thay đổi, phải thuận theo vì đây là xu hướng bền vững, có lợi cho môi trường, cho con cháu chúng ta, cho mục tiêu Net Zero.
Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương chia sẻ câu chuyện kinh doanh của doanh nghiệp trong sự kiện của Forbes Việt Nam tổ chức ngày 12/12. (Ảnh: Forbes)
“Nói thật lòng, đúng cảm xúc của một người kinh doanh xăng dầu, thời điểm thấy xe điện trên đường, chúng tôi ‘cay lắm’, không muốn xe điện phát triển đâu. Ai chẳng ích kỷ, vì chạm vào nồi cơm của mình mà, xe điện phát triển chắc chắn thị phần của mình bị thu hẹp, thậm chí mất. Nhưng mà đó là xu hướng, không thể khác được. Cái lớn nhất ở đây là câu chuyện môi trường, cái nào tốt cho môi trường, tốt cho đời sau thì mình nhất định không thể ích kỷ”, ông Dương nói.
Chủ tịch PVOIL nói thêm bây giờ thấy xe điện phát triển ông lại mừng, vì thị trường còn có thêm một lựa chọn cho người sử dụng xe, và doanh nghiệp ông điều hành cũng có phần trong sự phát triển này. Ông Dương cho biết mình không ngồi im nhìn, chờ thị trường chuyển biến, mà doanh nghiệp ngay lập tức tận dụng lợi thế của mình, người ta vẫn nói biến thách thức thành cơ hội.
Lợi thế của PVOIL là hàng trăm cây xăng ở vị trí thuận lợi, mặt bằng rộng rãi và Tổng Công ty quyết định hợp tác với đơn vị sản xuất xe điện - VinFast, lắp đặt trạm sạc điện cho ô tô, xe máy điện ở các cây xăng.
Từ 2018, PVOIL ký thỏa thuận hợp tác với VinFast nghiên cứu cơ hội phát triển trạm sạc xe điện tại hệ thống cây xăng của mình. Đến tháng 7/2022, trạm sạc ô tô điện đầu tiên khánh thành ở Hải Phòng. Hiện đã có gần 400 trạm sạc xe điện tại các cây xăng của PVOIL đi vào hoạt động, bổ sung nguồn thu mới cho doanh nghiệp.
Theo ông Dương, ngành kinh doanh cốt lõi của PVOIL vẫn là xăng dầu, bây giờ có thêm trạm sạc cho xe điện thì doanh thu, lợi nhuận tăng thêm, người lao động thêm doanh thu. Trong khi thị phần xăng dầu của doanh nghiệp thì vẫn rất tốt, chưa thấy tác động, đe dọa nào từ sự phát triển.
Một trạm sạc xe điện của PVOIL tại Hải Phòng. (Ảnh: VinFast)
Trong năm 2023 và 10 tháng năm 2024, doanh nghiệp này mở mới 177 điểm bán, nâng tổng số cửa hàng sử dụng thương hiệu PVOIL lên 3.100 trên cả nước, trong đó 843 cửa hàng trực thuộc và 2.300 cửa hàng đại lý, nhượng quyền thương mại.
Số lượng cửa hàng tăng lên, lượng xăng dầu bán ra tăng lên theo lý giải của ông Dương, một phần do sau COVIDD-19 và tiếp đó là khủng hoảng thiếu xăng dầu năm 2022, khá nhiều đầu mối dừng kinh doanh, và doanh nghiệp này “trám” vào chỗ trống.
“Cũng có thể tổng lượng xăng dầu bán ra trên thị trường không tăng, nhưng chưa thấy "đe dọa" nào từ sự phát triển nhanh của xe điện mà chỉ thấy tốt lên. Khách đi xe xăng đến, đương nhiên chúng tôi phục vụ rồi, và bây giờ thêm xe điện. Bất kể xe điện hay xe động cơ đốt trong, khi đến các cây xăng của chúng tôi đều sẵn sàng phục vụ. Mình biết tiếp cận đúng nhu cầu của khách hàng thì doanh nghiệp sẽ luôn ổn trong bất kỳ biến động nào”, ông Dương khẳng định.
Nhưng đó là câu chuyện hiện tại, còn về lâu dài, Chủ tịch PVOIL cho rằng các dự báo cho thấy thị trường xăng dầu nếu có biến động liên quan đến xe điện cũng sau năm 2030. Chiến lược của PVOIL là cung cấp đa dạng năng lượng, dài hơi là xăng dầu, hydro và điện. Ông khẳng định lợi nhuận từ trạm sạc điện khá tốt, đủ động lực cho doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình kinh doanh mới này.
Bán xăng đúng và đủ
Trong cơ cấu cổ đông, 80,5% vốn của PVOIL hiện nay do Petrovietnam sở hữu. Doanh nghiệp xăng dầu lớn thứ 2 Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 23% cũng là doanh nghiệp tham gia đầy đủ các hoạt động từ xuất nhập khẩu dầu thô cung cấp cho các nhà máy lọc dầu, chế biến xăng dầu và kinh doanh bán lẻ.
Bên cạnh thị trường nội địa, thương hiệu này cũng đang đứng đầu về sản lượng nhập khẩu, chiếm 20% thị phần và nằm trong tốp 3 doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu lớn nhất Lào, đồng thời đang nghiên cứu mở thêm nhà máy sản xuất nhiên liệu tại Campuchia.
Cuộc đua trạm sạc xe điện dự báo sẽ nóng lên từ sau 2025. (Ảnh: T. Trường)
Ông Dương rời ghế Tổng giám đốc, đảm nhận vị trí Chủ tịch PVOIL giữa năm 2020, và bắt đầu trải qua liên tiếp hai khủng hoảng mà ông bảo là đáng quên đi.
Khủng hoảng đầu tiên ông và đội ngũ điều hành đối diện ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới là đại dịch COVID-19. Ông nói đó là thời điểm doanh nghiệp khó khăn không gì có thể diễn tả được. Xăng dầu chính là một trong 3 nhóm bao gồm hàng không và du lịch lữ hành chịu tác động nặng nề, thiệt hại lớn nhất do đại dịch này gây ra.
Sản lượng, doanh thu của doanh nghiệp giảm đến 70% vì hàng không bán được. Nhưng thời điểm đó, doanh nghiệp đặt ra quyết tâm giữ lao động, không sa thải bất cứ nhân sự nào. Vì đó là khó khăn chung, không thể để người lao động đối diện thêm một nỗi lo nữa.
Cả hệ thống thắt chặt chi tiêu, ban lãnh đạo thống nhất vận động người lao động giảm lương. Lao động trực tiếp nhận 70% lương, lao động gián tiếp, bộ phận hành chính, cấp quản lý nhận 50% lương, còn lãnh đạo cấp cao thì không nhận lương.
“Số lương còn lại người lao động tạm chưa nhận thôi chứ không phải mất. Chúng tôi động viên, hẹn nhau cố gắng qua 6 tháng công ty sẽ hoàn trả phần chưa nhận này cho người lao động. Và thật may mắn, bây giờ doanh nghiệp đã hoàn trả toàn bộ lương cho người lao động các cấp rồi. Nhưng điều đáng mừng nhất là cả giai đoạn khó khăn đó, chúng tôi không mất lao động nào”, Chủ tịch PVOIL cho biết.
Chưa hết khó hậu COVID-19 thì tiếp đến là khủng hoảng xăng dầu toàn cầu từ tháng 6/2022, khi xung đột Nga - Ukraine leo thang. Nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp là thương nhân nhập khẩu xăng dầu, mà PVOIL nằm trong số đó.
Ông Dương kể mình là đơn vị kinh doanh, bán được hàng là phải mừng, nhưng thời điểm đó, lượng hàng bán ra tăng mà doanh nghiệp sốt ruột, vì càng bán càng lỗ. Có những lô hàng vừa nhập đã lỗ ngay 70 tỷ đồng.
Điều chưa từng có trong tiền lệ kinh doanh của doanh nghiệp này là bình quân sản lượng tăng mỗi năm khoảng 20% từ sau COVID-19. Doanh thu theo đó cũng tăng vọt, đạt mốc 100.000 tỷ đồng lần đầu vào năm 2022 và tiếp tục duy trì mức doanh thu này trong năm 2023. Sản lượng toàn hệ thống 5,7 triệu tấn/m3 xăng dầu các loại, gấp 1,8 lần so với thời điểm khoảng 2019.
Ông Dương cho biết có nhiều yếu tố giúp doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc, nhưng để phát triển như ngày nay, điều đầu tiên công ty luôn trung thành với slogan: đúng và đủ, bán xăng thật, lít thật, không thể để khách trả tiền 10 lít xăng mà nhận 9 lít, lại là dầu trộn, xăng pha.
“Nói dễ hiểu phương châm kinh doanh của tôi là luôn muốn chạm vào túi khách hàng, nhưng mà mình phải làm sao cho khách mua hàng một cách vui vẻ, thoải mái móc túi đưa tiền mua sản phẩm của mình”, ông Dương nói.