Dù năm 2024 đã qua 3/4 thời gian, song tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm 2024 của các doanh nghiệp bất động sản lại không mấy khả quan.
Hiện các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với lợi nhuận trái chiều. Trong khi một số doanh nghiệp vượt kế hoạch cả năm, thì không ít doanh nghiệp vẫn còn xa vạch đích. Đặc biệt, số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm chiếm áp đảo khiến kết quả toàn ngành đi lùi so với cùng kỳ.
Một số doanh nghiệp bất động sản "về đích" sau 9 tháng
Quý III/2024, Công ty CP Vạn Phát Hưng (mã chứng khoán: VPH) đã thu về 349 tỷ đồng nhờ chuyển nhượng thành công Khu dân cư Nhơn Đức tại huyện Nhà Bè (TP HCM) cho đối tác sau nhiều năm vướng mắc pháp lý. Nhờ đó, doanh nghiệp lãi ròng hơn 183 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lãi ròng đạt lần lượt 34 tỷ đồng và 145 tỷ đồng. Con số này tương ứng 13% và 191% kế hoạch đề ra cả năm 2024.
Đặc biệt, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (mã: NHA) ghi nhận doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2024 đạt 120 tỷ đồng, trong đó 103 tỷ đồng đến từ bán bất động sản dự án Khu dân cư Mộc Bắc (cùng kỳ mảng này không có doanh thu). Lãi sau thuế 9 tháng đạt 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi 871 triệu đồng.
Dự án khu phức hợp Westgate (TP HCM) của Bất động sản An Gia.
Năm nay, Nam Hà Nội đặt kế hoạch doanh thu 150 tỷ đồng và lãi sau thuế 50 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, doanh nghiệp đã thực hiện được 80% mục tiêu doanh thu và 106% kế hoạch lợi nhuận.
Hay tại Bất động sản An Gia (mã: AGG), lũy kế 9 tháng đạt doanh thu hơn 1.750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 250 tỷ đồng. Năm nay, An Gia đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 250 tỷ đồng, tăng 43% so với thực hiện năm trước. Như vậy, công ty vượt 10% doanh thu và hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận.
Không chỉ mảng bất động sản dân dụng, lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp cũng vượt chỉ tiêu. Đơn cử tại Công ty CP Long Hậu (mã: LHG), trong 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu thuần 329 tỷ đồng và lãi sau thuế 139 tỷ đồng, lần lượt tăng 32% và 33% so với cùng kỳ. Kết quả này tương ứng 106% kế hoạch lãi cả năm 2024. Công ty CP Sonadezi Giang Điền (mã: SZG) đạt 333,5 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế khoảng 134 tỷ đồng. Năm 2024, SZG đặt kế hoạch doanh thu 417 tỷ đồng và lãi sau thuế 122 tỷ đồng. Như vậy sau 3 quý, doanh nghiệp đã thực hiện được lần lượt 80% mục tiêu doanh thu và 110% kế hoạch lợi nhuận.
Loạt doanh nghiệp bất động sản vẫn còn xa "vạch đích"
Trái ngược với các nghiệp bất động sản kể trên, dù đi qua 3/4 chặng đường nhưng tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm 2024 tại nhiều đơn vị khác còn rất xa "vạch đích".
Điển hình như Nhà Khang Điền (HOSE: KDH), trong 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.231 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 410 tỷ đồng, giảm lần lượt 24% và 61% so với cùng kỳ 2023, tương ứng mới hoàn thành 32% kế hoạch doanh thu và 52% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2024.
Trường hợp tại Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG), dù báo lãi trong 9 tháng đầu năm song khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 2024.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm, Hà Đô đạt doanh thu 1.964 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 3% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 544,8 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%. Năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu 2.896 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 972 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, Hà Đô mới hoàn thành gần 68% kế hoạch doanh thu và 56% kế hoạch lợi nhuận năm.
Một dự án của Tập đoàn Hà Đô.
Thậm chí tại Địa ốc Hoàng Quân (mã: HQC), lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 26,6 tỷ đồng, tăng gấp 7,8 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với kế hoạch năm 2024 là 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 26,6% chỉ tiêu đề ra.
Cùng cảnh ngộ, năm 2024, DIC Corp đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.300 tỷ đồng, tăng trưởng 72% so với thực hiện năm 2023; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.010 tỷ đồng, tăng trưởng 509%. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp mang về 869 tỷ đồng doanh thu và 42 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, sau 9 tháng, DIC Corp mới chỉ hoàn thành 38% doanh thu và chỉ 4% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD4 (mã: HU4). Tuy lợi nhuận sau 9 tháng chỉ gần 9 tỷ đồng, nhưng lại tăng gấp hơn 103 lần so với cùng kỳ nhờ ghi nhận doanh thu bất động sản gần 102 tỷ đồng, gấp gần 16 lần so với cùng kỳ.
Mặc dù có kết quả kinh doanh ấn tượng, nhưng với kế hoạch đầy tham vọng năm 2024 với tổng doanh thu 425 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 26 tỷ đồng, HU4 khó có thể đạt mục tiêu khi mới thực hiện được 41% doanh thu và 34% lợi nhuận sau 3 quý.
Tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm 2024 tại Công ty CP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) cũng cách rất xa vạch đích. Lũy kế 9 tháng, doanh thu tại Nam Long giảm mạnh 46% so với cùng kỳ, còn 828 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 54 tỷ đồng, lao dốc tới 83%. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 15,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 đạt gần 194 tỷ đồng.
Năm 2024, Nam Long đặt mục tiêu doanh thu khủng với 6.657 tỷ đồng, gấp đôi thực hiện năm 2023 và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ước tính đạt 506 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 9 tháng, Nam Long mới chỉ thực hiện được 12% mục tiêu doanh thu và hơn 3% kế hoạch lợi nhuận.
Phối cảnh Khu đô thị Mizuki Park của Đầu tư Nam Long.
Theo số liệu của VietstockFinance, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của 84 doanh nghiệp bất động sản nhà ở trên sàn đã công bố báo cáo tài chính trong 9 tháng đầu năm 2024 lần lượt giảm 17% và 44% so với cùng kỳ, còn hơn 111.300 tỷ đồng và hơn 20.500 tỷ đồng. Trong đó, có 19 doanh nghiệp báo lãi tăng, 36 doanh nghiệp lãi giảm, 5 doanh nghiệp từ lỗ thành lãi và 5 doanh nghiệp từ lãi thành lỗ. Trong số doanh nghiệp lãi, chưa đầy 1/3 đơn vị đi được hơn nửa chặng đường năm sau 9 tháng.
Tại tọa đàm "Nhận diện thị trường bất động sản cuối năm 2024 và đầu năm 2025" tổ chức tại TP HCM đầu quý IV/2024, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định khả quan về thị trường bất động sản trong thời gian sắp tới. Sự phục hồi diễn ra từng bước, các doanh nghiệp chủ động đưa ra các chiến lược phù hợp. Tại thị trường Hà Nội và TP HCM, nhiều dự án cũ sau thời gian dài “ngủ đông” đã được khởi công, chủ đầu tư rốt ráo hoàn tất thủ tục để đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, có nhiều động lực quan trọng thúc đẩy thị trường trong thời gian tới. Có thể kể đến đầu tiên là về mặt chính sách, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều quy định pháp luật một cách rõ ràng và minh bạch hơn. Ba luật là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 là những căn cứ bản lề góp phần giúp thị trường bước vào chu kỳ phát triển theo hướng an toàn và lành mạnh hơn.
Huy Tùng - Lê Thanh