Cổ phiếu HRT và SRT đều đã tăng bằng lần từ đầu năm và đang ở gần vùng đỉnh lịch sử.
CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội (mã HRT) và CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (mã SRT) vừa thông qua nghị quyết HĐQT về việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi theo hợp đồng hợp nhất. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 31/10/2024.
Theo đó, công ty hợp nhất là CTCP Vận tải Đường sắt sẽ phát hành gần 130,4 triệu cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu của các cổ đông HRT và SRT, tương ứng tổng giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 1.300 tỷ đồng.
Tỷ lệ hoán đổi là 1 cổ phiếu HRT đổi 1,09071 cổ phiếu công ty hợp nhất, 1 cổ phiếu SRT đổi 0,85565 cổ phiếu công ty hợp nhất. Lượng cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng.
Việc hợp nhất nằm trong Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giai đoạn đến hết năm 2025 đã được Thủ tướng xác định tại Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 26/6/2024. HRT có vốn điều lệ hơn 800 tỷ và SRT có vốn điều lệ hơn 500 tỷ đồng, đều là thành viên thuộc VNR. Hiện tại, VNR đang sở hữu 91,62% vốn của HRT và 78,44% vốn của SRT.
Theo lãnh đạo VNR, việc hợp nhất 2 đơn vị này sẽ giúp tăng doanh thu cho công ty, tăng thu nhập người lao động, đặc biệt sử dụng được các cơ sở vật chất của cả 2 đơn vị hiệu quả nhất. VNR dự kiến đăng ký kinh doanh công ty sau hợp nhất vào đầu quý 4/2024, đảm bảo việc hợp nhất xong trong năm 2024, đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Cùng với “game” hợp nhất, bộ đôi HRT và SRT đang nổi sóng mạnh mẽ trên sàn chứng khoán thời gian gần đây. Cả 2 cổ phiếu đều đang ở gần vùng đỉnh lịch sử với mức tăng trên 100% so với đầu năm. Đà tăng “bốc đầu” phần nào có hiệu ứng từ thông tin về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam (quy mô đến 70 tỷ USD) đang được chú ý thời gian gần đây.
Cổ phiếu nổi sóng trong bối cảnh tình hình kinh doanh vẫn còn nhiều vấn đề “ngổn ngang”. Theo BCTC quý 2/2024, SRT ghi nhận doanh thu đạt xấp xỉ 526 tỷ đồng, tăng gần 24% cùng kỳ năm ngoái tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 4,9 tỷ đồng, giảm đến hơn 56% so với cùng kỳ 2023.
Theo giải trình, nguyên nhân cơ bản do giá nguyên nhiên vật liệu tăng, chưa kể phát sinh thêm các chi phí phục vụ khách hàng do sự cố sạt lở và tăng phí điều hành giao thông vận tải đường sắt…
Tương tự, doanh thu quý 2 của HRT cũng tăng 24%, đạt 778 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn 6 tỷ đồng, tương đương 1/4 cùng kỳ năm ngoái. Ngoài chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt 38% và 20% cùng kỳ khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty giảm mạnh.