Từ thực tiễn hiệu quả khi thu hút thành công các dự án lớn, công nghệ cao, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung thu hút các dự án hạ tầng hiện đại tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN); tạo quỹ mặt bằng sạch và hạ tầng, công nghệ vận hành tiện ích để thu hút dự án thứ cấp với sản phẩm hàm lượng công nghệ cao.
Thanh Hóa kỳ vọng thu hút các dự án có hạ tầng công nghệ hiện đại, tạo sản phẩm giá trị gia tăng cao. (Trong ảnh: Nhà máy Cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn chuẩn bị đưa vào vận hành năm 2025)
Theo Ban Quản lý KKTNS&CKCN, trong năm 2025, nhiều KCN tầm cỡ tiếp tục được các nhà đầu tư lớn đón đầu. Ngoài KCN WHA Smart Technology, thuộc một phần KCN Phú Quý (Hoằng Hóa) đã được chấp thuận chủ trương; KCN WHA Smart Technology 2 - Thanh Hóa, thuộc một phần KCN Giang Quang Thịnh (Thiệu Hóa) tiếp tục được Tập đoàn WHA - Thái Lan đề xuất, với diện tích 174,9ha, tổng vốn đầu tư 1.275 tỷ đồng và sẽ được chấp thuận chủ trương trong năm 2025. Nhà đầu tư này cũng tiếp tục quan tâm và mới ký ghi nhớ nghiên cứu thêm 2 KCN, 1 khu dịch vụ logistics mới tại huyện Thiệu Hóa.
Theo bà Jareeporn Jarukornsakul, Tổng Giám đốc Tập đoàn WHA, đã có nhiều nhà đầu tư thứ cấp là các tập đoàn đa quốc gia quan tâm, tìm hiểu thuê đất để thực hiện các dự án sản xuất với công nghệ hiện đại, tạo ra những sản phẩm hàm lượng chất xám cao. Với nguồn lực tài chính để giải phóng mặt bằng đã sẵn sàng, doanh nghiệp này đang đề xuất huyện Hoằng Hóa triển khai và hoàn thành sớm bàn giao mặt bằng sạch để triển khai dự án trong quý II năm nay, kịp thời đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển về Việt Nam nói chung và Thanh Hóa trong thời gian sớm nhất.
Được biết, WHA có khoảng hơn 1.000 khách hàng là nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, hoạt động trên các lĩnh vực: Logistics, công nghiệp ô tô, hóa dầu, công nghiệp điện tử, hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, dệt may..., như: Ford, Mazda, GM, MG by SAIC... Với mô hình “KCN sinh thái thông minh WHA”, trung tâm kiểm soát của WHA sử dụng hệ thống camera giám sát và nền tảng thông tin thời gian thực nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật cho người lao động. Các chỉ số môi trường như chất lượng không khí, mực nước và nước thải cũng được giám sát liên tục 24/7. Các KCN của WHA được quốc tế công nhận về cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn chất lượng cao và cơ sở vật chất tiêu chuẩn quốc tế. Đây sẽ là điểm đến hấp dẫn, phù hợp yêu cầu và mục tiêu theo xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp lớn.
Cũng trong năm 2025, Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN phía Tây TP Thanh Hóa - giai đoạn 1 do Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản đề xuất, với diện tích 167ha, tổng vốn đầu tư 2.918 tỷ đồng cũng dự kiến được chấp thuận chủ trương đầu tư. Với tổng diện tích quy hoạch khoảng 645ha, đây là KCN được tỉnh Thanh Hóa định hướng phát triển đa ngành theo xu hướng công nghiệp 4.0. Các ngành công nghệ cao và thân thiện với môi trường mà KCN này định hình hướng đến là công nghiệp điện - điện tử, viễn thông; cơ khí chế tạo; cơ khí chính xác; công nghiệp ô tô, xe máy, thiết bị xây dựng, thiết bị y tế; sản xuất hàng tiêu dùng và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
KCN số 19, thuộc KKTNS do Công ty CP Đầu tư KCN Việt - Nhật Hợp Thành đề xuất, với diện tích 295ha, tổng vốn đầu tư 2.360 tỷ đồng, KCN số 17 thuộc KKTNS do Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn đề xuất, với diện tích 570,12ha, tổng vốn đầu tư 6.432 tỷ đồng cũng đang được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, tiến tới chấp thuận chủ trương.
Đặc biệt, KCN Dược phẩm công nghệ cao Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 1 tại KKTNS, do Tập đoàn SMS Pharmaceuticals liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam đề xuất với số vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD trong giai đoạn 1 cũng đang được thúc đẩy tiến độ pháp lý để chấp thuận chủ trương trong năm nay. Đại diện Tập đoàn SMS Pharmaceuticals cho biết sẽ thu hút vốn đầu tư khoảng 4 - 5 tỷ USD trong hơn 10 năm tới, sản xuất các sản phẩm hướng tới thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, tạo nhiều việc làm cho người dân và giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam.
Từ năm 2021 đến nay, tại KKTNS&CKCN đã cấp mới 86 dự án đầu tư trong nước và 22 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 22.773 tỷ đồng và 323 triệu USD, trong đó có một số dự án quy mô lớn như: Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn, vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương, vốn đầu tư 1.099 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất vải Billion Union Việt Nam, vốn 70 triệu USD... Một số dự án đã đi vào hoạt động, giúp gia tăng năng lực sản xuất cho các “đầu não” sản xuất của tỉnh. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào KKTNS&CKCN vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, mà nguyên nhân quan trọng đến từ việc thiếu hạ tầng sạch - yếu tố quan tâm đầu tiên đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư KCN, ngoài việc xúc tiến triển khai gặp gỡ, đối thoại, quảng bá hình ảnh và các tiềm năng, thế mạnh khi đầu tư vào KKTNS&CKCN, công tác cải cách hành chính đang được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Ban Quản lý KKTNS&CKCN chú trọng đặc biệt. Theo đó, Ban Quản lý KKTNS&CKCN đang được yêu cầu phải trở thành đơn vị tiên phong trong công tác cải cách hành chính, với mục tiêu xây dựng “cơ quan hành chính phục vụ”, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong tiếp cận, thực hiện các thủ tục đầu tư.
KKTNS đang trên lộ trình trở thành một trong những trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước; với các tổ hợp công nghiệp mũi nhọn là: lọc hóa dầu, nhiệt điện, luyện cán thép, xi măng, chế biến hàng xuất khẩu,... ưu tiên thu hút các dự án có sử dụng công nghệ cao, hiện đại, giảm thiểu phát thải các-bon. Các KCN mới vẫn đang được nhà đầu tư quan tâm như: KCN Phú Quý (Hoằng Hóa); KCN Bắc Hoằng Hóa; KCN Hà Long (Hà Trung)... Thanh Hóa cũng đang tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch, thu hút các KCN chuyên ngành, KCN phụ trợ, sinh thái... với các nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế, sớm kiến tạo hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nhanh chóng lấp đầy đất công nghiệp tại các KCN.
Bài và ảnh: Tùng Lâm