Nhờ có thêm các tuyến xe lẫn doanh nghiệp đăng ký khai thác, doanh thu Bến xe Miền Tây tăng lên gần 40 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng đạt 20 tỷ đồng, mức cao nhất 10 năm.
Bến xe Miền Tây có quy mô lớn nhất TP.HCM. Ảnh:
Theo báo cáo tài chính quý II/2024, CTCP Bến xe Miền Tây (HNX: WCS) ghi nhận doanh thu thuần gần 40 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ cải thiện đáng kể giá vốn, biên lợi nhuận gộp được nâng lên từ 58% lên 63%.
Doanh nghiệp này không phát sinh bất cứ chi phí nào liên quan đến hoạt động tài chính hay bán hàng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 3% lên gần 4 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ thuế và chi phí, Bến xe Miền Tây báo lãi ròng 20 tỷ đồng, tăng 23% và cũng là mức cao nhất kể từ năm 2015.
Lý giải kết quả tích cực này, đơn vị điều hành bến xe lớn nhất TP.HCM cho biết việc có thêm một số doanh nghiệp vận tải mới vào bến đăng ký khai thác tuyến, mở thêm tuyến mới đã giúp doanh thu tăng cao.
Bên cạnh đó, công ty cũng được tăng biểu đồ xe chạy để phục vụ hành khách vào dịp cao điểm và lễ 30/4-1/5, điều chỉnh thu giá dịch vụ xe lưu đậu và lượt xe ra vào bến của xe trung chuyển.
Khoản thu nhập khác tăng 27% do lượng hành khách qua bến tăng, qua đó cải thiện nguồn thu từ hoạt động kinh doanh các dịch vụ khác.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính chỉ đạt 88% so với cùng kỳ do lãi suất huy động tiền gửi giảm sâu.
Kỳ vừa rồi, tổng chi phí của Bến xe Miền Tây hơn 18 tỷ đồng, tăng 2% do các khoản chi phục vụ hoạt động kinh doanh như tiền cơm cho người lao động, mua công cụ dụng cụ, tiền điện phát sinh thêm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của đơn vị này đạt gần 79 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc ổn định các loại chi phí giúp lợi nhuận trước và sau thuế tăng tương ứng 12% lên lần lượt 49 tỷ đồng và 39 tỷ đồng.
Năm nay, Bến xe Miền Tây đặt mục tiêu doanh thu 160 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 69 tỷ đồng. Như vậy sau nửa năm hoạt động, công ty quản lý bến xe đã hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu và 71% chỉ tiêu lợi nhuận.
Ngoài kế hoạch về tài chính, Bến xe Miền Tây cũng đặt mục tiêu đón 9,4 triệu lượt khách xuất bến và gần 450.000 lượt xe xuất bến. Công ty cũng kỳ vọng nộp ngân sách gần 32 tỷ đồng và nâng thu nhập bình quân của người lao động lên 26,3 triệu đồng/người/tháng.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 274 tỷ đồng, giảm gần 4% so với đầu năm. Chiếm 82% số đó là các khoản tiền gửi trong ngân hàng.
Nợ phải trả giảm mạnh hơn một nửa xuống 37 tỷ đồng, chủ yếu do công ty hoàn tất chia cổ tức cho cổ đông. Theo đó, công ty đã chi 40 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 160%, tức mỗi cổ phiếu nhận về 16.000 đồng.
Phần lớn cổ tức Bến xe Miền Tây thuộc về 3 cổ đông lớn gồm Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - SAMCO đang sở hữu 51% vốn. Theo sau là America LLC (23,8%) và CTCP Đầu tư Thái Bình (10,02%).
Công ty quản lý bến xe này chỉ là một doanh nghiệp nhỏ trên sàn khi có vốn điều lệ chỉ 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, thị giá WCS lại nổi tiếng là có mức độ đắt đỏ bậc nhất, liên tục nằm trong top những mã có thị giá lớn nhất sàn chứng khoán. Nhờ kết quả kinh doanh tích cực, hiện cổ phiếu WCS đang giao dịch ở mức đỉnh lịch sử 230.000 đồng/đơn vị.