Chỉ với hai doanh nghiệp vừa bị cơ quan chức năng phanh phui, gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả đã được sản xuất và tuồn ra thị trường suốt 4 năm qua, đút túi hơn 500 tỷ đồng. Không ai biết bao nhiêu trẻ sinh non, phụ nữ mang thai và người già đã từng sử dụng những sản phẩm này. Dư luận bức xúc đặt câu hỏi: Nếu vẫn để doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm, còn cơ quan chức năng chỉ hậu kiểm an toàn thực phẩm, liệu có đủ sức phát hiện và ngăn chặn kịp thời, hay lại tiếp tục để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng như vụ sữa bột giả mới đây?
Chỉ cần tự công bố là được phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Lực lượng chức năng vừa triệt phá đường dây sản xuất, kinh doanh sữa bột giả quy mô lớn, phát hiện hàng trăm sản phẩm đóng gói tinh vi, mô phỏng mẫu mã của các thương hiệu uy tín trong và ngoài nước. Đặc biệt, gần 600 nhãn hiệu sữa bột đã bị làm giả và được phân phối rộng rãi trên nhiều tỉnh thành.
Theo thống kê, trong năm 2024, Bộ Y tế đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Ảnh: CACC
Sữa bột, đặc biệt là loại dành cho trẻ em, là sản phẩm nhạy cảm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ nhỏ. Việc sử dụng sữa giả không chỉ không đảm bảo dinh dưỡng mà còn có thể chứa hóa chất độc hại, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như suy dinh dưỡng, ngộ độc thực phẩm, và ảnh hưởng lâu dài đến hệ tiêu hóa và thần kinh.
Sự mất niềm tin vào thị trường sữa trong nước không chỉ gây tổn thất cho người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp chân chính và nền kinh tế.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, chỉ 71 sản phẩm của 2 công ty, Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, đã được đơn vị này cấp giấy tiếp nhận hồ sơ tự công bố thực phẩm, nhưng không có sản phẩm nào dành cho các nhóm đối tượng đặc biệt như người tiểu đường, trẻ sinh non hay phụ nữ mang thai.
Hơn 90% trong số gần 600 sản phẩm sữa bột giả còn lại được công bố tại các tỉnh thành khác.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu các Sở Y tế địa phương rà soát và cung cấp thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa giả.
Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp có quyền tự công bố sản phẩm thực phẩm mà không cần xin phép trước. Tuy nhiên, quy định này đã tạo ra một kẽ hở cho các đơn vị làm ăn gian dối, lợi dụng sự thông thoáng để sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật, thậm chí gán ghép công dụng “thần dược”.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm thừa nhận: Chính sách “tự công bố” sản phẩm, được áp dụng từ năm 2018 đến nay, tuy góp phần rút ngắn thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng cũng vô tình mở ra kẽ hở để một số tổ chức, cá nhân lợi dụng. Không ít trường hợp đã biến sự thông thoáng này thành “lá chắn” cho hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng; quảng cáo sai sự thật, thậm chí “thổi phồng” công dụng như một loại thần dược chữa bách bệnh.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội chỉ rà soát, xác định 71 sản phẩm thuộc 2 công ty được cấp giấy tiếp nhận hồ sơ tự công bố thực phẩm. Ảnh: IT.
Vụ gần 600 nhãn hiệu sữa giả: Lộ rõ hàng loạt hạn chế trong năng lực hậu kiểm của các cơ quan chức năng
Vụ việc gần 600 nhãn hiệu sữa bột bị làm giả, tuồn ra thị trường trong suốt 4 năm qua đã gióng lên hồi chuông báo động về những điểm yếu trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiện nay. Dù chỉ có hai doanh nghiệp bị phát hiện, quy mô vi phạm và mức độ nguy hại, theo chuyên gia cho thấy rõ hàng loạt lỗ hổng lớn trong khâu giám sát và hậu kiểm.
Kiểm soát nguyên liệu đầu vào lỏng lẻo: Nhiều cơ sở có thể dễ dàng thu mua nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc để sản xuất thực phẩm, trong khi cơ chế giám sát nguyên liệu đầu vào hiện nay còn rất hạn chế.
Hậu kiểm thiếu chủ động: Việc kiểm tra chủ yếu mang tính định kỳ hoặc chỉ được tiến hành khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, dẫn đến tình trạng các sản phẩm kém chất lượng tồn tại và lưu hành trong thời gian dài mà không bị phát hiện.
Thiếu sự phối hợp liên ngành: Việc phân công, phân cấp giữa các cơ quan như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với UBND các cấp còn chồng chéo, thiếu liên thông, gây khó khăn trong xử lý và truy xuất nguồn gốc vi phạm.
Ý thức và đạo đức kinh doanh xuống cấp: Một bộ phận doanh nghiệp vì lợi nhuận sẵn sàng đánh đổi sức khỏe người tiêu dùng, trong khi chế tài xử phạt hiện hành chưa đủ mạnh để răn đe.
Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hiện tại Việt Nam có khoảng 2.000 nhãn hàng sữa và hàng chục nghìn sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng khác, tạo thành một "ma trận" thật – giả lẫn lộn, đòi hỏi người tiêu dùng phải ngày càng cảnh giác và thông thái hơn.
Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, việc quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với UBND các cấp. Tuy nhiên, vụ việc gần 600 nhãn sữa bột bị làm giả trong thời gian dài cho thấy câu hỏi đặt ra là: Trước "ma trận" thực phẩm như hiện nay, liệu cơ quan chức năng có đủ nguồn lực và năng lực để làm tốt công tác hậu kiểm?
Nhiều chuyên gia đã so sánh với ngành sản xuất phân bón, trong đó doanh nghiệp phải tiến hành khảo nghiệm thực tế trước khi được phép đưa sản phẩm ra thị trường. Trong khi đó, các sản phẩm thực phẩm – đặc biệt là dành cho trẻ em, người già và người bệnh – lại đang được "tự công bố", với hậu kiểm lỏng lẻo. Phải chăng chúng ta đang đánh đổi sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng chỉ vì muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp?
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2024 đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm; trong đó chỉ có 9.043 cơ sở bị xử lý (chiếm 40,9%), phạt tiền 6.658 cơ sở với tổng số tiền hơn 33,5 tỷ đồng.
Bộ Công an trong năm 2024 đã phát hiện, xử lý 8.959 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (tăng 1.854 vụ so với 2023), với 8.978 đối tượng bị xử lý. Đặc biệt, đã khởi tố 62 vụ, 97 bị can – tăng gần gấp đôi so với năm 2023.
Những con số trên cho thấy, dù đã có nhiều nỗ lực từ các cơ quan chức năng, nhưng với sự tinh vi ngày càng tăng của các đối tượng vi phạm, công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn cần được siết chặt hơn nữa – đặc biệt trong khâu hậu kiểm, giám sát thị trường và chế tài xử lý.
Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh bất chấp quy định pháp luật, chạy theo lợi nhuận đưa ra thị trường hàng giả, hàng nhái, thực phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: CACC
Luật sư Hoàng Anh Sơn – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Vụ việc gần 600 nhãn hiệu sữa bột bị làm giả vừa bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó, nhiều vụ việc tương tự đã bị Thanh tra Bộ Y tế, lực lượng Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương phát hiện, xử lý; thậm chí một số trường hợp còn bị khởi tố hình sự.
Tuy nhiên, bất chấp các quy định pháp luật, thậm chí coi thường cả đạo lý, một số cá nhân, tổ chức sản xuất – kinh doanh vẫn bất chấp hậu quả, vì lợi nhuận mà đưa ra thị trường hàng giả, hàng nhái, thực phẩm kém chất lượng.
Đặc biệt nghiêm trọng là các sản phẩm làm giả thuộc nhóm thực phẩm dành cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người bệnh. Đây là hành vi táng tận lương tâm, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật hiện hành. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức hình phạt cao nhất lên tới tù chung thân. Tuy nhiên, trên thực tế, chế tài này dường như vẫn chưa đủ sức răn đe.
Cũng theo luật sư, "Vụ việc gần 600 nhãn hiệu sữa giả bị phát hiện là hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng, không chỉ về đạo đức kinh doanh mà còn về hiệu quả quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm," – Luật sư Sơn nhấn mạnh.
Theo ông, đã đến lúc cần rà soát, cải tổ toàn diện hệ thống giám sát thực phẩm, siết chặt quy trình hậu kiểm, nâng cao chế tài xử lý vi phạm và tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Bởi lẽ, đây không chỉ là vấn đề kinh tế, pháp lý, mà là bài toán liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn của hàng triệu người dân.
Phi Long