Ngay từ đầu năm nay, Viettel Post đã công bố chiến lược chuyển mình thành một công ty logistics theo hướng chuyên nghiệp, xanh và hiệu quả.
Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án Công viên Logistics Viettel tại Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn nhằm kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ kho, vận tải hàng hóa nội địa và thương mại điện tử quốc tế.
Theo quy hoạch, Khu kinh tế Đồng Đăng là khu kinh tế tổng hợp, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế; là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Với diện tích 394km2, đây là một trong những trung tâm về thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là khu kinh tế có hạ tầng kỹ thuật hiện đại và hạ tầng xã hội đồng bộ gắn với phát triển thành phố Lạng Sơn mở rộng; là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.
Chiến lược tăng cường logistics thông minh...
Vụ đầu tư này nằm trong kế hoạch chuyển đổi được Viettel Post đề ra ngay từ đầu năm nay.
Theo đó, công ty công bố chiến lược chuyển mình thành một công ty logistics theo hướng chuyên nghiệp, xanh và hiệu quả, không còn đơn thuần là một doanh nghiệp chuyển phát.
Công ty muốn tập trung vào các lĩnh vực then chốt như công viên logistics, cửa khẩu thông minh, hạ tầng logistics xuyên biên giới, hệ thống liên vận giúp kết nối đồng bộ các trung tâm, khu công nghiệp, vùng nuôi trồng... với các hub giao thông đường bộ, biển, cửa khẩu...
Trong đó, hệ thống công viên logistics sẽ cung cấp trọn gói các dịch vụ logistics như công nghệ bảo quản sau thu hoạch, dịch vụ thông quan, kiểm hóa, kiểm dịch mà kết quả sẽ được công nhận ở các quốc gia khác.
Mạng lưới công viên logistics cũng sẽ giúp kết nối các vùng, miền nuôi trồng, các khu công nghiệp với các hub giao thông của đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và các cửa khẩu.
Viettel Post cho biết, các công viên logistics có mức độ tự động hóa cao nhất, có thể giảm 60-70% nhân công. Điều này sẽ giúp tối ưu chi phí và thời gian lưu chuyển hàng hóa.
Về hạng mục quan trọng khác là cửa khẩu thông minh, Trung tá Hoàng Trung Thành - Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, hệ thống cửa khẩu thông minh mà Viettel Post dự kiến triển khai sẽ được ứng dụng các công nghệ vận tải xuyên biên giới bằng xe tự hành AGV, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, 24/24 giờ, được điều khiển bằng mạng 5G, từ đó tăng công suất thông quan lên 4-5 lần, giải quyết triệt để tình trạng tắc biên và giảm chi phí thông quan tới 70%.
Trong khâu triển khai, lãnh đạo Viettel Post tiết lộ kế hoạch mở rộng thị trường sang Lào và mở thêm văn phòng đại diện tại Thái Lan.
Đến tháng 3/2024, Viettel Post đã ký kết thỏa thuận hợp tác với chính quyền TP. Bằng Tường và TP. Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để thành lập văn phòng đại diện và xây dựng Trung tâm giao dịch nông sản Trung Quốc - ASEAN.
Viettel Post kỳ vọng kết nối được hàng hóa nông sản, thủy hải sản… của Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN (Lào, Myanmar, Campuchia) thông qua mạng lưới đường sắt, đường bộ và đường thủy nhằm phân phối sang thị trường Trung Quốc.
... trong xu thế thương mại điện tử xuyên biên giới
Tính đến thời điểm hiện tại, Viettel Post đang là đơn vị logistics đầu tiên của Việt Nam hợp tác với chính quyền địa phương tại Trung Quốc để hoàn thiện hạ tầng mạng lưới vận chuyển xuyên biên giới.
Những năm qua chứng kiến sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam kéo theo nhu cầu chuyển phát gia tăng nhanh chóng.
Viettel Post, với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành, đứng thứ hai về độ phủ đã tận dụng tốt xu thế này giúp kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng, doanh thu mảng dịch vụ đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm 24% giai đoạn 2017-2023.
Để đón đầu nhu cầu chuyển phát ngày một tăng cao, Viettel Post đã và đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và mạng lưới công nghệ, bao gồm các kho thông minh, mạng lưới điều hành (NOC) và tự động hóa quy trình giúp tối ưu hóa chi phí, thời gian xử lí hàng hóa giúp sản lượng gia tăng mạnh mẽ.
Hiện tại, Viettel Post đã vượt mốc sản lượng 1 triệu đơn hàng/ngày, có thời điểm chạm mốc gần 2 triệu đơn trong những ngày cao điểm. Từ tháng 1/2024, doanh nghiệp đã khai trương tổ hợp công nghệ chia chọn Quang Minh, qua đó, nâng năng lực xử lí lên 4 triệu đơn/ngày. Viettel Post cũng có kế hoạch đưa trung tâm logistic tại Đà Nẵng vào hoạt động.
Theo đó, Chứng khoán DSC cho rằng, trong giai đoạn cuối năm 2024, và trung, dài hạn, thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng bình quân 2 chữ số (theo STAR) sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy kết quả kinh doanh của Viettel Post.
Đồng quan điểm về tiềm năng trong trung, dài hạn, Chứng khoán SSI đánh giá việc Viettel Post đưa công viên logistics tại Lạng Sơn đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển logistics thương mại điện tử xuyên biên giới và cửa khẩu thông minh.
Về tổng quan, SSI nhận thấy công ty đang tìm hiểu các cơ hội để đầu tư vào 3 phân khúc chính, gồm dịch vụ logistics B2B cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ trong nước, dịch vụ giao hàng B2C cho thương mại điện tử xuyên biên giới và dịch vụ logistics biên giới thông minh B2B.
Đồng thời tổ chức này cho rằng công ty đang đi đúng hướng để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng mới, vì dịch vụ giao hàng nhanh B2C cho thương mại điện tử trong nước hiện đang cạnh tranh khá cao và biên lợi nhuận hạn chế.
Viettel Post đang trong quá trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các phân khúc mới và có thể bắt đầu triển khai các dịch vụ mới từ năm 2025 trở đi. Do đó chi phí vốn đầu tư giai đoạn 2024-2025 sẽ cao hơn những năm trước, vào khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng.
Phản ứng tích cực trước thông tin đầu tư vào công viên logistics, kết phiên giao dịch ngày 7/11, cổ phiếu VTP trên thị trường đã tăng trần lên mức 102.100 đồng/cổ phiếu, tiến tới vùng đỉnh mọi thời đại với giá trị vốn hóa thị trường vượt mốc 12.400 tỷ đồng.