Gần nhất, ngày 3/12, Viettel Post công bố sắp ra mắt sàn thương mại điện tử bán sỉ xuyên biên giới hai chiều đầu tiên tại Việt Nam - VIPO Mall. Trước đây, VTP từng đầu tư một sàn thương mại điện tử nội địa mang tên Vỏ Sò nhưng đã ngừng hoạt động.
Cổ phiếu VTP của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), sau khi chinh phục mức giá đỉnh lịch sử (150.900 đồng) trong phiên giao dịch ngày 4/12 và thậm chí lên đến 154.000 đồng vào đầu phiên giao dịch ngày 5/12 – đã suy yếu và đóng cửa với giá sàn. VTP giảm 7% về 140.400 đồng, tương đương giá trị vốn hoá thị trường gần 17.100 tỷ đồng (6,7 tỷ USD).
Việc VTP giảm sàn diễn ra sau khi cổ phiếu đã có 1 quá trình tăng giá mạnh. Trong hơn 1 tháng tính từ đầu tháng 11 đến nay, VTP đi rất nhanh, ghi nhận mức tăng 60% với sự hỗ trợ từ thông tin chính thức vận hành Công viên logistics Lạng Sơn vào ngày 11/12/2024. Đây là trung tâm logistics lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam, được dự báo đem về cho Viettel Post hàng nghìn tỷ doanh thu mới.
So với thời điểm lên sàn của VTP hồi tháng 3 năm nay, cổ phiếu đã tăng hơn 70%. So với giá đáy thiết lập trong năm (khoảng 70.000 đồng), VTP tăng hơn 90%.
Gần nhất, ngày 3/12, Viettel Post công bố sắp ra mắt sàn thương mại điện tử bán sỉ xuyên biên giới hai chiều đầu tiên tại Việt Nam - VIPO Mall, cho phép thanh toán bằng đồng Việt Nam. Trước đây, Tổng công ty này đã đầu tư một sàn thương mại điện tử nội địa mang tên Vỏ Sò (voso.vn) nhưng đã ngừng hoạt động.
Theo bảng phân tích của CTCK Vietcap, về phía người bán, 51% lệnh bán VTP trong phiên giao dịch hôm nay đến từ “Sói già” – tức đối tượng nhà đầu tư kinh nghiệm có giá trị đặt 1 lệnh đầu tư từ 200 triệu – 1 tỷ đồng. 30% đến từ “cá mập” – tức các nhà đầu tư tổ chức, NĐT lớn dẫn dắt thị trường với giá trị đặt trên 1 tỷ đồng/lệnh. Còn lại 19% thuộc về “cừu non” – nhà đầu tư nhỏ lẻ với giá trị lệnh dưới 200 triệu.
Trong khi đó, về phía người mua, thống kê của CTCK này cho biết, cũng có 41% là sói già và 15% là cá mập. Cừu non chiếm 44%.