Bất chấp thị trường chăn nuôi, thực phẩm khởi sắc trong thời gian qua, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, mã VSN) ghi nhận sự sụt giảm ở cả doanh thu lẫn lợi nhuận.
Bức tranh kinh doanh nửa đầu năm 2024 của Vissan kém sắc, bất chấp thị trường chăn nuôi và thực phẩm đang có sự tăng trưởng. Ảnh: Phạm Trường
Quý II/2024, Vissan ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt khoảng 723 tỷ đồng, lãi ròng gần 27 tỷ, lần lượt giảm 12% và 5%.
Tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu vẫn nghiêng về mảng kinh doanh thực phẩm, bên cạnh một phần nhỏ từ kinh doanh hàng công nghệ phẩm và sản phẩm khác.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty này ghi nhận doanh thu hơn 1.566 tỷ đồng, giảm khoáng 10% so với cùng kỳ năm 2023; lãi ròng gần 56 tỷ đồng, giảm 11%.
Mới đây, công ty này đã thông báo trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 6% (600 đồng/cp), ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/8/2024, dự kiến thanh toán vào ngày 10/10/2024. Theo đó, Vissan dự tính chi khoảng 49 tỷ đồng để trả cổ tức cho lượng 80,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Kế hoạch này đã được ĐHĐCĐ thường niên của công ty thông qua.
Kết quả kinh doanh của Vissan từ 2020 - 6/2024. Ảnh: Liên Thượng
Nên biết, Vissan có cơ cấu cổ đông khá cô đặc, với xuất phát điểm thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra). Năm 2016, công ty này cổ phần hoá, lên sàn. Đến cuối 2021, công ty CP Masan MeatLife (UPCoM: MML) chi gần 650 tỷ đồng mua lại 24,94% cổ phần Vissan.
Hiện nay, hai cổ đông lớn nhất của Vissan với 92,71% cổ phần là Satra và Masan MeatLife, thương hiệu chăn nuôi, thực phẩm nổi tiếng của tập đoàn đa ngành Masan. Theo cơ cấu chia cổ tức, Satra sẽ nhận về khoảng 33 tỷ đồng cho 66,77% cổ phần, còn MML thu về hơn 12 tỷ đồng.
Chốt phiên sáng 5/8, cổ phiếu VSN giảm khoảng 51,5% về 19.200 đồng so với khi mở phiên.