Trong vòng 3 phiên giao dịch, cổ phiếu VNZ của VNG mất tới hơn 35% thị giá, tương ứng vốn hóa đã bốc hơi hơn 5.000 tỷ đồng...
Phiên giao dịch ngày 10/9, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG đã gây chú ý khi tiếp tục giảm mạnh 59.000 đồng/cổ phiếu (tương đương 14,9%), xuống còn 334.500 đồng/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh của VNZ phiên này cũng cao đột biến, gấp hơn 80 lần so với đầu tháng 9/2024, đạt gần 36.000 đơn vị.
Đây đã phiên thứ 3 liên tiếp cổ phiếu
Đáng chú ý, đây là phiên thứ 3 liên tiếp cổ phiếu này lao dốc. So với phiên ngày 6/9, thị giá VNZ đã bốc hơi hơn 35%, tương ứng giảm 180.500 đồng/cổ phiếu. Tính từ thời điểm đầu năm 2024, cổ phiếu VNZ giảm mạnh gần 50%.
Dù giảm mạnh nhưng cho tới hiện tại, VNZ vẫn đang giữ vị trí top 1 về cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn trên toàn sàn chứng khoán, cách khoảng 38.500 đồng so với cổ phiếu CMF của Công CP Thực phẩm Cholimex nằm ở vị trí thứ 2.
Thế nhưng nếu cổ phiếu của VNG tiếp tục giảm sàn trong phiên hôm nay 11/9, nhiều khả năng VNZ sẽ đánh mất vị thế "quán quân" hiện tại và nhường lại nó cho CMF.
Cổ phiếu của VNG giảm mạnh tại thời điểm doanh nghiệp này có biến động nhân sự cấp cao. Cụ thể, vào ngày 7/9, ông Kelly Wong, Phó Tổng Giám đốc VNG, được bổ nhiệm vào vị trí quyền Tổng Giám đốc.
Trước khi được bổ nhiệm, ông Kelly Wong là Phó Tổng giám đốc Khối trò chơi trực tuyến tại Công ty VNG. Ông có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc ở nhiều mảng kinh doanh khác nhau tại Việt Nam, từng giữ vị trí Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO (mã cổ phiếu KDC), Chủ tịch điều hành Red Wok Investment (RWI), Giám đốc điều hành khối tư vấn doanh nghiệp của Công ty Cổ phần chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu HCM).
Ông Kelly Wong được bổ nhiệm trong bối cảnh VNG không có thông tin nào khác về vị trí Tổng Giám đốc hiện tại. Đáng chú ý, Ban giám đốc Công ty VNG không đề cập đến vai trò của ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập, giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG từ năm 2004.
Đầu năm 2023, ông Lê Hồng Minh đã chuyển giao chức Chủ tịch Hội đồng quản trị sang ông Võ Sỹ Nhân - một trong bốn thành viên độc lập được bầu bổ sung tại phiên họp bất thường năm 2022. Nhà sáng lập Công ty VNG giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị. Ông Lê Hồng Minh cũng là một trong những cổ đông lớn nhất của công ty này.
VNG đang kinh doanh ra sao?
Trong quý 2/2024, VNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.054 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do chi phí vận hành cao, công ty lỗ 462 tỷ đồng, tương tự mức lỗ 457 tỷ đồng trong quý 2/2023. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VNG đạt 4.314 tỷ đồng. Trong đó, mảng dịch vụ trò chơi trực tuyến vẫn giữ vai trò chủ đạo, chiếm 72% tổng doanh thu với 3.112 tỷ đồng. Dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet đạt 653 tỷ đồng, chiếm 15% tổng doanh thu, còn lại là dịch vụ quảng cáo trực tuyến và các mảng khác.
Dù vẫn đang lỗ, VNG tiếp tục đầu tư mạnh vào các dự án mới, đặc biệt là các phần mềm trò chơi. Công ty đã mất toàn bộ 510 tỷ đồng đầu tư vào Tiki Global nhưng vẫn kiên định với chiến lược đầu tư dài hạn. Trong nửa đầu năm 2024, VNG đã đầu tư thêm 1.777 tỷ đồng vào Công ty CP Zion, đơn vị sở hữu ZaloPay, nâng tổng mức đầu tư lên gần 5.142 tỷ đồng. ZaloPay được xem là một trong những dự án chiến lược, dự kiến sẽ mang lại tiềm năng lớn cho VNG trong tương lai.
Bên cạnh đó, VNG cũng đang ghi nhận doanh thu từ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tại thị trường quốc tế. Công ty đang tập trung phát triển các trung tâm dữ liệu VNG Data Center và triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ. Dù kết quả kinh doanh hiện tại chưa đạt kỳ vọng về lợi nhuận, nhưng các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào triển vọng dài hạn của VNG, đặc biệt trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến, quảng cáo trực tuyến và ZaloPay.