Ông Nguyễn Thành Tiến được giới thiệu là diễn giả dạy làm giàu, chuyên gia đào tạo bất động sản được trả phí cao nhất Việt Nam… nhưng doanh nghiệp ông làm sở hữu lại kinh doanh không mấy hiệu quả.
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (VLA: HNX) vừa thông qua nghị quyết vay 9,5 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Á Châu.
Mục đích dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động và phát hành bảo lãnh phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty.
Chủ tịch, cổ đông lớn VLA đều là chuyên gia đầu tư
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang là đơn vị thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, được thành lập vào tháng 11/2007. Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu là phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin. Ngoài ra, Công ty còn tham gia đầu tư tài chính, chứng khoán, kinh doanh bất động sản.
Vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp là 3 tỷ đồng. Tuy nhiên đến 27/2/2009 công ty đã thực hiện phát hành thêm 780 cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tính đến 20/1/2010, doanh nghiệp đã phát hành thành công 7,8 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ lên 10,8 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, tại thời điểm ngày 15/3/2010 VLA có 3 cổ đông nắm giữ trên 5% vốn cổ phần là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nắm giữ 10%; Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Thiên Hoá nắm giữ 19,1%; Huỳnh Thị Thanh Hiền nắm giữ là 8,8%.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại cơ cấu cổ đông lớn đã có nhiều thay đổi là ông Đặng Trọng Khang nắm giữ 24,98% cổ phần; ông Nguyễn Thành Tiến nắm 10% cổ phần; bà Nguyễn Thu Hà nắm 9,39% cổ phần.
Đầu tiên phải nói đến, Ông Nguyễn Thành Tiến là Chủ tịch HĐQT của VLA. Ông được giới thiệu là diễn giả dạy làm giàu, chuyên gia đào tạo bất động sản được trả phí cao nhất Việt Nam, bán các khóa học đầu tư địa ốc.
Với tần suất chạy quảng cáo dày đặc, gương mặt ông Nguyễn Thành Tiến rất nổi trên trên các nền tảng mạng xã hội.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Tiến còn tự giới thiệu là người đứng lớp và sở hữu kênh Youtube với gần 180.000 người theo dõi, với nhiều khóa học chiến lược đầu tư, "tuyệt chiêu" bán hàng và đàm phán trong bất động sản...
Ông Tiến quảng cáo các khóa đào tạo chiến lược xây dựng doanh nghiệp, đầu tư tạo lợi nhuận triệu đô, hướng dẫn sở hữu đảo tư nhân...
Tiếp theo là cổ đông Đặng Trọng Khang cũng là chuyên gia chứng khoán tại Công ty TNHH Trường đào tạo kinh doanh và đầu tư thực tế NIK. NIK là công ty do bà Vũ Thị Hiền Nhung (vợ của ông Tiến) là người đại diện pháp luật.
Trên website của NIK, các khóa học đầu tư bất động sản, đầu tư được bán với nhiều mức giá khác nhau, có cả miễn phí.
Trong đó, cao nhất là khóa học chiến lược đầu tư bất động sản 4 ngày do diễn giả Nguyễn Thành Tiến đứng lớp, giá khuyến mãi 155 triệu đồng.
Dưới thời ông Nguyễn Thanh Tiến VLA kinh doanh ra sao?
Ông Nguyễn Thành Tiến được bổ nhiệm là Chủ tịch HĐQT của Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang từ năm 2020 cho đến nay.
Mặc dù sở hữu nhiều "tuyệt chiêu" bán bất động sản và bí kíp kiếm tiền triệu USD nhưng doanh nghiệp mà ông Tiến sở hữu kinh doanh không mấy hiệu qủa khi doanh khi lợi nhuận năm 2020 chỉ “vỏn vẹn” hơn 17 triệu đồng, cao nhất là 5,7 tỷ đồng trong năm 2021 khi đại dịch Covid bùng nổ. Kể từ đó, những năm tiếp theo lợi nhuận của VLA có xu hướng lao dốc.
Tại báo cáo tài chính mới nhất của VLA, doanh nghiệp ghi nhận kết qủa kinh doanh trong quý I/2024 không mấy khả quan, trái ngược với nhưng gì mà lãnh đạo doanh nghiệp này quảng cáo trên mạng xã hội.
Cụ thể, trong quý đầu năm, VLA đã báo lỗ hơn 1,55 tỷ đồng và doanh thu chưa nổi 1 tỷ đồng.
Trong quý IV/2023, VLA lỗ gần 115 triệu đồng, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Trong nhiều quý trước đó, VLA chỉ lãi vài chục triệu đồng và doanh thu một vài tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh dưới thời chuyên gia làm giàu không mấy hiệu quả
Trong năm 2023, Văn Lang chỉ lãi gần 131 triệu đồng, còn năm 2022 là hơn 3,6 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, VLA luôn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tụt giảm. Lý do được đưa ra là do sự sụt giảm đáng kể lượng học viên tham gia các khóa học.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, Văn Lang duy trì công tác đào tạo, tiếp tục mở rộng các khóa học như chiến lược đầu tư và bất động sản, trí tuệ doanh nghiệp, khóa học huy động vốn...
Bên cạnh đó, VLA cũng định hướng tập trung mạnh vào công tác đầu tư kinh doanh bất động sản, thị trường chứng khoán và các dịch vụ khác để tăng doanh thu. Doanh nghiệp của ông Tiến tiếp tục đề ra mục tiêu doanh thu 20 tỷ đồng và 3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cổ tức 4% vốn điều lệ.
Trong đợt phát hành hút gần 20 tỷ đồng từ cổ đông hồi cuối năm 2023 vừa qua, Văn Lang dành 60% số tiền thu được (tương đương 12 tỷ đồng), cho quảng cáo và marketing. 8 tỷ còn lại chi trả lương nhân viên, chi phí chuyên gia đào tạo, chi phí tổ chức lớp học, hội nghị, tài liệu in ấn, tiếp khách, nộp thuế…