Việc bị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC 2023 đã khiến cổ phiếu VKC Holdings (VKC) tiếp tục bị hạn chế giao dịch. Số lỗ lũy kế sau soát xét tại cuối Quý 2/2024 cũng đã tăng lên 364 tỷ đồng.
Lỗ lũy kế chạm đỉnh 350 tỷ đồng
CTCP VKC Holdings, tiền thân là CTCP Cáp nhựa Vĩnh Khánh thành lập từ năm 1993 vừa ghi nhận quãng thời gian kinh doanh ảm đạm với số lỗ lũy kế đã lên tới gần 350 tỷ đồng.
Trong kỳ kinh doanh gần nhất tại Quý 2/2024, VKC Holdings ghi nhận doanh thu thuần 5,9 tỷ đồng, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 1,8 tỷ. Dù thua lỗ, công ty vẫn phải gánh chi phí lãi vay hơn 14,1 tỷ đồng.
Số lỗ lũy kế tại cuối Quý 2/2024 của
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng vẫn phải trả 1 tỷ đồng cùng chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm 11 tỷ. So với cùng kỳ năm trước, chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng gần gấp đôi.
Trừ đi các khoản chi phí và thuế, dù không hoạt động nhiều trong Quý 2, VKC vẫn báo lỗ 29,2 tỷ đồng. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, VKC lỗ sau thuế 59,3 tỷ. Tổng lỗ lũy kế chưa phân phối của công ty sau soát xét đã tăng lên 364,6 tỷ đồng, đẩy vốn chủ sở hữu xuống mức âm 143,5 tỷ.
Tình trạng âm vốn chủ sở hữu không chỉ gây khó khăn cho việc duy trì hoạt động mà đang ảnh hưởng trực tiếp tới các giao dịch cổ phiếu VKC, người chịu thiệt hại là các cổ đông hiện hữu.
Cổ phiếu VKC tiếp tục bị hạn chế giao dịch
Vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã quyết định duy trì diện hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu VKC. Nguyên nhân do vốn chủ sở hữu bị âm trên BCTC bán niên 2024.
Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán cũng từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2023 được kiểm toán. Với quyết định này, cổ phiếu VKC sẽ tiếp tục chỉ được giao dịch trong phiên ngày thứ 6 hàng tuần.
Về BCTC bán niên 2024, trước đó VKC Holdings đã công bố báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt.
Trong đó đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra kết luận với lý do chưa thu thập đủ thư xác nhận bằng hình thức phúc đáp trực tiếp về số dư tại thời điểm 30/6/2024 đối với các chỉ tiêu tài chính bao gồm: 148,8 tỷ đồng nợ phải thu ngắn hạn của khách hàng; 165,6 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác; 36 tỷ đồng đầu tư góp vốn đơn vị khác; 8,2 tỷ phải trả người bán ngắn hạn; 7,1 tỷ trả trước người bán ngắn hạn...
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm, VKC đã trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu quá hạn với số tiền 117,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty kiểm toán không thu thập được bằng chứng liên quan tới số tiền trên.
Quyết tâm bán đất để trả nợ của VKC Holdings
Vừa qua, để giải quyết tình hình kinh doanh khó khăn, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, nhiều phương án đã được đưa ra xoay quanh mục tiêu giải quyết nợ nần của công ty.
Nhiều cổ đông thắc mắc về phương án bán đất thuộc sở hữu công ty để trả nợ. Trong đó bao gồm những lô đất được công ty mua từ trước đến nay đã tăng giá không ít.
Kết quả họp ĐHĐCĐ thường niên VKC Holdings đã thông qua việc bán đấu giá, thế chấp 5 lô đất với tổng diện tích hơn 25.100 m2 để trả nợ.
Các lô đất này bao gồm lô đất 6.476 m2 tại Bình Dương đang được thế chấp tại một ngân hàng TMCP. Lô đất diện tích 13.486 m2 cũng tại Bình Dương và đang được thế chấp nhân hàng. Ngoài ra, công ty còn một lô đất 2.366 m2 khác đang trong kế hoạch chuyển nhượng.