Năm 2024, Vinafor ước đạt tổng doanh thu hợp nhất đạt 1.991 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt 325 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2023.
Vừa qua, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP (Vinafor, HNX: VIF) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng, công tác sản xuất, kinh doanh năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Trung Kiên - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Vinafor cho biết, năm 2024, xuất nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ gặp nhiều khó khăn do đơn hàng sụt giảm, thị trường xuất nhập khẩu bị thu hẹp.
Năm 2024, Vinafor ước đạt tổng doanh thu hợp nhất đạt 1.991 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt 325 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2023.
Về chỉ tiêu lâm sinh, toàn Tổng công ty tạo mới rừng năm 1 ước đạt 3.088 ha, tăng 7% so với năm 2023, vượt 6% kế hoạch năm.
Chỉ tiêu khai thác gỗ ước đạt 3.711 ha, tăng 42% và vượt 39% kế hoạch năm.
Chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh cây giống ước đạt 39,6 triệu cây, tăng 6% và vượt 6% kế hoạch năm.
Hội nghị tổng kết công tác Đảng, công tác sản xuất, kinh doanh năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam
Năm 2024, Vinafor đã đẩy mạnh nghiên cứu, khảo nghiệm nhiều dòng giống mới và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ước tính, các đơn vị lâm nghiệp và giống lâm nghiệp sản xuất tiêu thụ được 39,6/37,2 triệu cây giống các loại, đạt 106% kế hoạch năm 2024.
Về công tác trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ và khai thác rừng đã tạo rừng mới, nghiên cứu trồng thử nghiệm, khảo nghiệm một số giống keo lai, bạch đàn lai mới của trong nước và của Trung Quốc. Mở rộng diện tích trồng cây đa mục đích (mắc ca, quế), nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây đa mục đích khác như dó bầu, hồi…
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được tăng cường, thông qua việc tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ và làm việc với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), Yamaha (Nhật Bản), KHI (Hongkong, Trung Quốc)... để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi bên.
Tổng công ty cũng tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vùng trồng, từ đó nâng cao giá trị “Từ trồng rừng tới sản phẩm”.
Nhận định về năm 2025, ông Phí Mạnh Cường - Chủ tịch HĐQT Vinafor cho biết, về xu hướng trong nước, khu vực doanh nghiệp dự báo sẽ khởi sắc do các đơn hàng trong năm 2025 sẽ tốt hơn so với năm 2024. Tuy nhiên, diễn biến địa chính trị thế giới không ổn định có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất, nhập khẩu cũng như làm tăng chi phí vận tải đường biển, phòng vệ thương mại của các nước.
Về thị trường chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam, năm 2025, dự báo có sự tăng trưởng tốt hơn so với năm 2024 do ảnh hưởng từ việc Mỹ có Tổng thống mới có thể thay đổi nhiều chính sách về kinh tế chính trị xã hội với xu hướng ngăn chặn xung đột chiến tranh, tăng trưởng kinh tế thương mại và nhu cầu tiêu dùng toàn cầu. Tuy nhiên, cạnh tranh địa chính trị và phòng vệ thương mại của các nước lớn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.