Ngành du lịch đặt mục tiêu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa vào năm 2025. Đến năm 2030, lượng khách quốc tế sẽ đạt 35 triệu lượt còn khách nội địa đạt 160 triệu lượt.
Du khách quốc tế trải nghiệm đạp xe tại Huế . Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh
Đây là con số đặt ra trong Quyết định 509/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ ngày 13-6.
Quan điểm của Chính phủ là phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh…
Ngoài những mục tiêu vĩ mô, quyết định này cũng đưa ra những con số cụ thể trong việc thu hút khách du dịch quốc tế, nội địa.
Về khách du lịch, năm 2025 phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13-15%, đón 160 triệu lượt khách nội địa.
Theo đó, đóng góp của du lịch trong GDP tăng mỗi năm, nếu vào năm 2025 đóng góp trực tiếp 8-9% trong GDP thì đến 2030 đóng góp trực tiếp từ 13-14% trong GDP.
Cùng với đó, mục tiêu đặt ra là ngành du lịch sẽ tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm, trong đó có 1,2 triệu việc làm trực tiếp. Đến năm 2030, ngành sẽ tạo ra 10,5 triệu việc làm, trong đó có 3,5 triệu việc làm trực tiếp.
Trong quyết định này, Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến 2030 có 100% các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân huỷ.
Để Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, Chính phủ sẽ tập trung vào việc khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển đảo để phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh canh với các nước trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển, du lịch tàu biển…
Phát triển các du lịch sinh thái dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn biển… Cùng với đó là phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các đô thị trung tâm như Hà Nội, TPHCM, Đà nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, các đô thị đặc thù như Đô thị di sản Hội An, Huế, các đô thị trọng điểm phát triển du lịch như Sa Pa, Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Phú Quốc… .
Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trích dẫn số liệu từ Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, tháng 5-2024, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023, tăng 3,9% so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Lượng khách du lịch nội địa tháng 5-2024 đạt 12 triệu lượt. Trong đó, có khoảng 8 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung, lượng khách du lịch nội địa trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 52,5 triệu lượt.
Công Phương