Thưa ông, trong bối cảnh Chính phủ cùng doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy nhanh phát triển và ứng dụng công nghệ cao, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội nào để tạo ra bước đột phá cho lĩnh vực quan trọng này?
Gần đây, cuộc đua bán dẫn đã bùng nổ trên toàn thế giới và tôi cho rằng đây là cơ hội lớn để Việt Nam tham gia vào chuỗi công nghệ bán dẫn toàn cầu. Chủ trương nắm bắt cơ hội từ làn sóng bán dẫn của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, là người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao cũng như đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề bán dẫn, tôi nghĩ rằng cách tiếp cận của Việt Nam có thể cần xem xét lại.
Cuộc khủng hoảng chip bắt đầu khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhà máy TSMC - tập đoàn bán dẫn của Đài Loan (Trung Quốc) - giãn cách khiến sản lượng chip sụt giảm và làm gián đoạn nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu. Lúc ấy, cả thế giới mới nhận ra đã phụ thuộc quá lớn vào TSMC. Chuỗi cung ứng bán dẫn cũng dễ bị đứt gãy dưới tác động của diễn biến địa chính trị. Vì thế, TSMC buộc phải đảm bảo ổn định hoạt động bằng cách xây dựng các nhà máy ở nhiều nơi khác trên thế giới. Vậy, làn sóng khủng hoảng nằm ở hệ sinh thái nhà máy, đó là làm sao để TSMC mở rộng nhà máy dự phòng. Thế nhưng, tại Việt Nam, khủng hoảng bán dẫn lại được nhìn nhận thành thiếu kỹ sư thiết kế chip. Tôi cho rằng chiến lược nắm bắt cơ hội như vậy có phần lệch so với bản chất.
Tôi cũng thực sự trăn trở về việc hàng nghìn kỹ sư bán dẫn, sau khi được đào tạo, liệu họ có đủ cơ hội để làm việc không? Chưa kể GenAI có thể thay thế được kỹ sư thiết kế chip với hiệu suất cao khủng khiếp. Trong khi thực tế, lắp ráp chip gần như được tự động hóa bằng máy móc. Nhưng tôi tin các lãnh đạo/chuyên gia sẽ sớm nhận ra điều này và điều chỉnh, nhưng phải rất khẩn trương. Vì nếu không thấy một thị trường nào đủ tiềm năng, TSMC sẽ lựa chọn thị trường sẵn sàng đầu tư nhiều tiền nhất cho họ.
Nếu mình định hướng sai, ngoài lãng phí chi phí đầu tư, thất nghiệp, hơn tất cả Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội “nghìn năm có một”.
Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì để “đón” và không bỏ lỡ cơ hội “nghìn năm có một” này?
Một số người cho rằng Việt Nam phải đầu tư mấy chục tỷ USD mới có thể mời TSMC về xây dựng nhà máy. Nhưng thực tế chứng minh lợi ích tiền bạc không giúp TSMC phát triển bền vững. Như dự án nhà máy của TSMC ở Arizona (Mỹ) được đầu tư cả chục tỷ USD nhưng vẫn có trục trặc vì nhiều lý do, ngoài ra chưa kể chi phí nhân công lắp ráp tại Mỹ không hề rẻ. Mỹ đang gượng ép một hệ sinh thái bán dẫn tập trung, nhưng dĩ nhiên câu chuyện ấy không thể tồn tại trong cả chuỗi giá trị bán dẫn.
Mỹ không thể cạnh tranh với châu Á trong vấn đề nhân công. Không chỉ chi phí rẻ hơn, người lao động châu Á còn chăm chỉ, chịu khó, thông minh, nên nhà máy TSMC chỉ có thể ở châu Á. Đây chính là cơ hội ngàn năm có một của Việt Nam. Tôi cho rằng bằng mọi giá phải mời bằng được TSMC về Việt Nam, và tôi tin Việt Nam sẽ làm được điều này vì chúng ta có nhiều thứ khác giá trị hơn cả tiền bạc. Họ cần một quốc gia châu Á trung lập để không bị phụ thuộc vào bất kỳ bên nào. Nhìn các nước xung quanh trong khu vực, có thể thấy không một quốc gia nào có địa chính trị ổn định như Việt Nam.
Việt Nam đang ở thời điểm nước rút, cần tập trung mọi nguồn lực từ Chính phủ, doanh nghiệp... để chứng minh chúng ta hoàn toàn có thể giúp TSMC phát triển lâu dài và bền vững.
Ngoài TSMC, theo ông, liệu còn công ty nào có đủ khả năng giúp Việt Nam thay đổi bộ mặt ngành công nghệ không?
Tôi đã cân nhắc đến những ứng cử viên khác nếu không phải là TSMC, nhưng dĩ nhiên không có nhiều vì ngành bán dẫn chỉ tập trung ở vài công ty và công nghệ của họ không thể tiến bộ bằng TSMC. Thế nên, theo tôi, Việt Nam chỉ cần tập trung mời TSMC về, họ sẽ mang đến cho Việt Nam cả hệ sinh thái công nghệ cao.
TSMC đang cần một thị trường ổn định và đó là lợi thế của chúng ta. TSMC có thể sẽ yêu cầu Chính phủ đầu tư, nhưng Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu đã chứng minh dù có đầu tư tỷ USD chưa chắc họ đã xây dựng thành công nhà máy. Vì vậy, lời giải tốt nhất bây giờ chính là Việt Nam. Muốn nắm lấy cơ hội này, chúng ta phải cho họ thấy sự nhiệt tình và thiện chí hợp tác.
Chỉ cần TSMC nói họ thiếu nhân lực, Việt Nam phải không ngại gọi những kỹ sư giỏi nhất của mình trên thế giới về và tôi tin chắc họ sẵn sàng quay về để đóng góp cho quê hương. Kỹ sư Việt Nam rất thông minh, học hỏi rất nhanh. Tôi được biết có những trường đại học chuyên đào tạo nhân lực cho TSMC Đài Loan (Trung Quốc) đang sang Việt Nam để tuyển sinh.
Việt Nam không cần hấp dẫn họ bằng tiền, hãy thuyết phục họ bằng sự nhiệt huyết, chân thành và bằng những lợi thế lâu dài, bền vững. Có lẽ TSMC biết rõ điều gì là quan trọng nhất lúc này.
Malaysia, Indonesia cũng đang tiếp cận với TSMC, vậy theo ông, Việt Nam có đủ lợi thế để cạnh tranh với các nước này?
Tôi khẳng định Việt Nam có nhiều cơ hội nhất, vì theo tôi Việt Nam có địa chính trị ổn định nhất, nhưng nếu mình không biết nắm bắt cơ hội, các nước khác mời thành công TSMC về thì sẽ rất đáng tiếc.
Các nước đang thi nhau tiếp cận TSMC vì sức mạnh của họ có thể nâng kinh tế và xã hội của cả một đất nước đi lên. Gần như cả thế giới đều đang phụ thuộc vào TSMC. Thế nhưng, gia công phần mềm có thể cần hàng triệu người nhưng gia công lắp ráp chỉ cần mấy chục nghìn người vì máy móc mới là lực lượng chính.
Theo đánh giá của ông, việc thu hút công nghệ cao về Việt Nam thời gian qua đã hỗ trợ ngành công nghệ cao trong nước và các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực này như thế nào? Các doanh nghiệp nội địa đã đã tận dụng cơ hội này để phát triển hay chưa?
Đối với ngành sản xuất điện tử, Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài tương đối tốt. Nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Samsung, Foxconn... đã đến Việt Nam và trong tương lai, còn nhiều công ty cũng đang dịch chuyển từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tận dụng cơ hội này để học hỏi và phát triển R&D, một phần nguyên nhân do hạn chế về tài chính.
Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc phát triển công nghệ được nhờ vào hỗ trợ quỹ từ Chính phủ thông qua ngân hàng công nghệ, vì vậy, Việt Nam cần học hỏi từ các quốc gia này và phải khẩn trương tìm cách tạo cơ chế quỹ.
Việt Nam có xu hướng học theo châu Âu và Mỹ, vậy tại sao chúng ta không học cách Trung Quốc xây dựng đế chế công nghệ của họ, Trong khi thể chế của họ và ta giống nhau, dĩ nhiên sẽ cần chọn lọc dựa trên điều kiện mỗi nước.
Để phát triển thành một cường quốc công nghệ như hiện tại, từ gần 100 năm trước, Chính phủ Mỹ cũng đã phải can thiệp vào ngành công nghệ, các startup Mỹ cũng trầy trật và phải có hỗ trợ từ Nhà nước thì họ mới có thể thành công.
Đối với ngành phần mềm, Việt Nam cũng đã thành công thu hút khá nhiều ông lớn. Thế nhưng theo tôi, riêng với ngành công nghệ cao, chúng ta dứt khoát phải làm chủ công nghệ vì đây là thế mạnh của Việt Nam. Thực ra, công thức để Việt Nam cất cánh trong ngành này rất đơn giản, chúng ta chỉ cần có: trường đại học/viện nghiên cứu, nguồn nhân lực, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và quỹ đầu tư/ngân hàng công nghệ. Nguồn lực Việt Nam gần như có đủ, chỉ còn mỗi quỹ đầu tư.
Đối với bán dẫn, chỉ cần đưa thành công nhà máy của TSMC đến Việt Nam, một hệ sinh thái mới sẽ dần hình thành ở Việt Nam, dần dần mình sẽ làm chủ công nghệ thiết kế chứ không chỉ là gia công. Nếu muốn làm chủ công nghệ, Việt Nam cần tập trung cao độ phát triển ngành R&D, trong đó mở ra các quỹ hay ngân hàng cho riêng ngành công nghệ là yếu tố tiên quyết để chắp cánh cho ngành. Một khi hoạt động R&D phát triển, thị trường sẽ có sức mạnh nội sinh.
Chẳng hạn như tại Trung Quốc, khi môi trường công nghệ của họ đã thuận lợi, các công ty công nghệ trong nước của họ có thể làm được hết. Còn riêng Việt Nam, với thị trường một trăm triệu dân là bài toán đủ lớn để các công ty giải quyết để trở nên lớn mạnh hơn và vươn ra thế giới.
Lĩnh vực điện tử sẽ cần thu hút rất nhiều đầu tư từ bên ngoài, vì để xây dựng được một công ty phần cứng phải mất hàng chục năm nhưng ngành phần mềm thì có thể chỉ cần trên dưới chục năm là đã xây dựng được. Theo tôi, ngành điện tử nên có chiến lược mời các ông lớn về để phát triển nhưng ngành phần mềm thì ngược lại, Việt Nam nên tự xây dựng công nghệ. Việt Nam có thể song song làm tốt hai việc.
Vậy, nếu muốn phát triển bền vững ngành công nghệ cao, Việt Nam cần có những chính sách, chiến lược đột phá như thế nào, thưa ông?
Ở bất kỳ mảng nào, Việt Nam cũng cần tự phát triển năng lực công nghệ để giữ chân và nâng cấp họ lên, chứ không phải để họ khai thác hết giá trị của mình thì họ lại chuyển sang nước khác.
Phải tạo được sức mạnh nội sinh trong mảng R&D và lực đẩy là các quỹ và ngân hàng công nghệ. Mặc dù Việt Nam đã hình thành những trung tâm nghiên cứu nhưng còn nhỏ và manh mún, phong trào, thiếu tính chiến lược dẫn dắt của Nhà nước.
Quay lại Đài Loan (Trung Quốc), họ muốn phát triển ngành công nghệ, lúc phát hiện ra quỹ là quan trọng, họ điều chỉnh quỹ, lúc phát hiện thiếu kiến trúc sư trưởng, họ phải tìm một nhân vật đủ năng lực để nắm trọng trách dẫn dắt phát triển ngành.
Nói một cách dễ hiểu, phát triển công nghệ cao cũng giống như xây dựng một công trình, Nhà nước sẽ chỉ đóng vai trò như hội đồng quản trị đưa ra những quyết định quan trọng, bởi vậy, cần có những kiến trúc sư trưởng lăn lộn ở công trường để điều phối xây dựng, giải quyết các vấn đề hiện hữu. Phát triển công nghệ cao không khó nhưng cần quyết tâm và tầm nhìn đúng đắn.
Ngoài nguyên nhân căn bản là chưa có một quỹ hỗ trợ mang tầm chiến lược của Nhà nước, Việt Nam còn cần hoạch định nào để tự chủ năng lực công nghệ, thưa ông?
Bên cạnh việc xây dựng quỹ công nghệ, thành lập các khu công nghệ cao cũng rất quan trọng. Việt Nam mặc dù đã có các khu công nghệ này nhưng có lẽ cũng cần xem xét và điều chỉnh lại.
Khi nghiên cứu tìm hiểu, tôi ngạc nhiên vì Khu công nghệ cao Hòa Lạc được phát triển cùng thời điểm với với Khu công nghệ cao Trung Quan Thôn của Trung Quốc, vào khoảng năm 1998. Tuy nhiên, trong khi Trung Quan Thôn đã được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”, là nơi nuôi dưỡng một loạt các kỳ lân ngành công nghệ cao của Trung Quốc, thì Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa thể phát triển được. Điều này cho thấy chủ trương của Việt Nam là đúng nhưng các kế hoạch mũi nhọn để thực hiện có vẻ chưa “sát sườn”.
Công ty đầu tiên hình thành nên Thung lũng Silicon (Silicon Valley) là HP. HP được thành lập bởi một giáo sư trong trường Đại học Stanford. Ông đã khuyến khích các sinh viên trong trung tâm nghiên cứu của trường biến các phát minh của mình thành sản phẩm thương mại.
Những nhà sáng lập của Silicon Valley đều khởi nghiệp từ nhà kho chứ không phải từ những khuôn viên đẹp đẽ ngay từ ban đầu. Thế nên, yếu tố quyết định đầu tiên vẫn là con người, mà trường đại học chính là nơi tạo ra giáo sư, sinh viên, những con người với tư tưởng đổi mới.
Xây dựng một khu công nghệ cao cũng giống như kết quả của một phản ứng hóa học. Trình tự các chất khác nhau sẽ cho ra kết quả phản ứng khác nhau. Ví dụ, khu công nghệ cao phải gắn với một trường đại học kỹ thuật, thế thì hàng năm khu đó sẽ có hàng ngàn những sinh viên có tư duy thoải mái, phát triển những ý tưởng đột phá bắt nhịp thế giới, rồi chính họ sẽ là người xây nên một thung lũng đẹp đẽ. Nếu một khu công nghệ đẹp nhưng thiếu những yếu tố cốt lõi, không tạo ra sự thay đổi của thành phố thì sẽ rất lãng phí.