Sáng 03/4, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức sơ kết hoạt động SXKD quý 1/2025, cập nhật một số thông tin liên quan tới thị trường dệt may theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. TS. Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex chủ trì hội nghị.
Tại Hội nghị, Lãnh đạo Tập đoàn đã thông tin kết quả hoạt động SXKD của Vinatex trong quý 1/2025, dự kiến hoạt động quý 2/2025. Theo đó, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn ước đạt 4.417 tỷ đồng, bằng 24,1% kế hoạch năm; Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 271 tỷ đồng, bằng 29,8% kế hoạch năm.
Để có kết quả tăng trưởng như vậy, trong 3 tháng đầu năm, nhiều DN ngành Sợi đã cắt lỗ và có lợi nhuận. Cùng với đó, tất cả các đơn vị ngành May đều có kết quả SXKD tốt, một số đơn vị khó khăn đã cắt lỗ và có lợi nhuận.
Thông tin thêm về tình hình đơn hàng, Lãnh đạo Tập đoàn cho biết, hầu hết các đơn vị ngành Sợi có đơn hàng đến tháng 05/2025. Tuy nhiên, từ tuần cuối cùng của tháng 2/2025 đến nay, thị trường sợi giảm cả về giá và nhu cầu trước những căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, trong khi giá bông liên tục giảm sâu. Hầu hết, các đơn hàng sợi đang có xu hướng chốt theo nhu cầu sử dụng, yêu cầu giao hàng nhanh, không mua dự trữ, tồn kho, giá bán theo sát biến động thị trường.
Với ngành May, hiện nhiều doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý 2/2025 và đang giao dịch cho quý 3/2025. Tuy nhiên, trong quý 1, các đơn hàng có xu hướng đẩy nhanh tiến độ giao hàng để hạn chế tác động nếu có của chính sách thuế quan của Mỹ, còn đơn hàng quý 2/2025 có xu hướng chững lại vì nghe ngóng các chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Văn phòng HĐQT Vinatex đã cập nhật các chính sách thuế quan mới của Mỹ với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam. Một số nhận định về thị trường, đơn hàng khi Mỹ tăng các chính sách thuế đối ứng với các quốc gia, nhất là khi Mỹ là quốc gia chiếm tỷ trọng cao của xuất khẩu dệt may.
Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhận định, mặc dù mức thuế 46% áp dụng cho hàng hóa Việt Nam là mức cao hơn nhiều so với những nhận định, dự báo trước đây. Tuy nhiên, nếu so sánh mức chênh lệch giữa thuế đối ứng mới và thuế hiện đang áp dụng cho sản phẩm dệt may, mức tăng chênh lệch này của Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc và không cao hơn quá nhiều so với các quốc gia cạnh tranh còn lại. Trước mắt, việc tăng thuế suất có thể gây ra một số tác động làm giảm nhu cầu tại thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp trong hệ thống Tập đoàn nói riêng và ngành dệt may nói chung cần bình tĩnh, sáng suốt đưa ra các giải phải mang tính bền vững như: tăng cường công tác quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua quản trị thông minh và tăng năng suất lao động; sẵn sàng đàm phán với khách hàng trên tinh thần cùng chia sẻ khó khăn; quyết tâm ổn định lực lượng sản xuất
“Chính sách thuế của Tổng thống Trump là chính sách thuế linh hoạt có thương thảo, do đó các DN xuất khẩu đều đang kỳ vọng Chính phủ có thể đàm phán với Mỹ để giảm các loại thuế đối ứng mà phía Mỹ áp với Việt Nam. Trong bối cảnh hiện tại, các DN dệt may cần phải bình tĩnh, bởi không chỉ riêng Việt Nam tất cả các quốc gia sản xuất dệt may đều bị áp thuế đối ứng, đồng thời chúng ta cũng phải tính toán lại cán cân thương mại với Mỹ, với ngành dệt may thì có thể gia tăng sử dụng bông Mỹ để giảm cán cân thương mại, đồng thời đáp ứng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ khi là quốc gia xuất siêu vào quốc gia này” – TS. Lê Tiến Trường nhấn mạnh.