Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
VEA: VEAM gửi hàng nghìn tỷ đồng vào SeABank
Chuyên mục:

Doanh nghiệp

Nhà đầu tư | 11:18
Google news

Hoạt động tài chính là điểm sáng duy nhất trong bức tranh kinh doanh của VEAM năm 2023. Tổng công ty gửi gần 13.000 tỷ đồng có kỳ hạn tại các ngân hàng, chiếm gần 48% tổng tài sản.

Tổng công ty đang gửi ngân hàng gần 13.000 tỷ đồng. Nguồn: VEAM

Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – VEAM (mã: VEA) liên tiếp công bố loạt Nghị quyết HĐQT chấp thuận hợp đồng tiền gửi với SeABank. Tổng số tiền đạt 2.010 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng. Nơi gửi là SeABank hội sở và SeABank chi nhánh Hà Nội.

HĐQT giao cho Tổng Giám đốc tổ chức thương thảo, ký kết, triển khai hợp đồng tiền gửi với ngân hàng đảm bảo an toàn, đạt hiệu quả cao. Bà Nguyễn Thị Nga, Thành viên HĐQT VEAM là Phó Chủ tịch thường trực SeABank.

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2023, tại thời điểm cuối năm trước, VEAM có 12.913 tỷ đồng tiền gửi, tăng thêm hơn 300 tỷ so với đầu năm và chiếm gần 48% tổng tài sản. Trong đó, công ty gửi SeABank có kỳ hạn 2.622 tỷ đồng, tăng thêm 1.154 tỷ đồng so với đầu năm. Ngoài ra, VEAM còn gửi BIDV hơn 5.471 tỷ đồng, VietinBank 1.955 tỷ đồng, Agribank 1.089 tỷ đồng…

Năm 2023, tổng công ty ghi nhận 6.233 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ, giảm 18% so với 2022. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu xe máy, ôtô giảm, doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính lẫn lợi nhuận được chia từ các liên doanh đều giảm.

Cụ thể, doanh thu thuần của tổng công ty và lợi nhuận liên doanh, liên kết cùng giảm 19% xuống 3.942 tỷ đồng và 5.639 tỷ đồng. Đối với hoạt động liên doanh, liên kết, Honda Việt Nam tiếp tục là đơn vị chia lợi nhuận về cho tổng công ty lớn nhất, sau đó là Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam.

Điểm sáng trong kết quả kinh doanh VEAM là doanh thu hoạt động tài chính tăng từ 818 tỷ đồng lên 1.205 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi ngân hàng tăng trong môi trường lãi suất cao.

Năm nay, ban lãnh đạo công ty đánh giá còn nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, công ty mẹ VEAM và công ty con, công ty liên kết xây dựng kế hoạch với mục tiêu duy trì hoạt động ổn định, bền vững. Giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến tăng 7%,  tổng doanh thu tăng 6% so với thực hiện năm 2023. Song, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ở mức 5.375 tỷ đồng, bằng 76% so với thực hiện năm trước.

Bộ Công Thương đang là chủ sở hữu VEAM với tỷ lệ 88,5% vốn. Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị tổng công ty thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo hoàn thành kết hoạch 2024. Đó là đẩy mạnh toàn diện các mặt hoạt động và công tác theo định hướng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã xây dựng; hoàn thiện đề án tái cơ cấu với mục tiêu thoái vốn ở các đơn vị có vốn góp nhưng đang hoạt động không hiệu quả và có ngành nghề hoạt động không tập trung vào định hướng phát triển trong tương lai, khắc phục sở hữu chéo giữa các đơn vị có vốn góp VEAM, tập trung nguồn lực vào các công ty có ngành nghề kinh doanh phù hợp.

Bên cạnh đó, tổng công ty cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, chủ động, tích cực thực hiện công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm thường niên, tìm kiếm đẩy mạnh hợp tác với các đối tác có uy tín trong và ngoài nước trên cơ sở định hướng phát triển của các đơn vị thành viên, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm mới để mở rộng thị trường trong nước và quốc tế…

Tường Như

 

Đang tải nội dung...
Thị trường đóng cửa
VEA
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục
Cỡ chữ
NhỏLớn