Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường chứng khoán có thể tiếp tục điều chỉnh về điểm cân bằng mới. Do đó, việc dùng sức mua để bắt đáy sẽ chưa phù hợp cho đến khi có tín hiệu về thỏa thuận thương mại.
Ảnh minh họa, nguồn: VGP.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tiêu cực trong phiên 9/4 khi áp lực bán vẫn rất mạnh, trong đó có nhiều lệnh bán do áp lực giải chấp sau chuỗi phiên giảm mạnh liên tiếp của thị trường, khiến VN-Index có thời điểm xuống dưới 1.100 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc mạnh đã giúp chỉ số chính thu hẹp đà giảm. Chốt phiên hôm nay, VN-Index giảm 3,4%, xuống 1.094 điểm, qua đó nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp với tổng mức giảm chỉ sau 4 phiên là 223 điểm.
Điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 250 tỷ đồng trên HoSE, cắt mạch bán ròng 15 phiên trước đó. Trong đó MWG được khối này gom mạnh nhất với giá trị 396 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán ghi nhận biến động mạnh về điểm số lẫn thanh khoản sau thông tin Tổng thống Donald Trump áp thuế 46% đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam. Nhịp điều chỉnh này khiến toàn bộ thành quả tích lũy từ đầu năm đến nay biến mất.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc Mỹ đánh thuế cao hơn kỳ vọng (46%) là một thông tin bất ngờ. Thị trường có thể tiếp tục chiết khấu thông tin như những gì diễn ra trong giai đoạn 2018-2019 để phản ánh kỳ vọng tác động tiêu cực của chính sách thuế quan lên triển vọng tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, sự kiện thuế quan lần này sẽ có khả năng kích hoạt căng thẳng thương mại leo thang hoặc ngồi vào bàn đám phán để tìm tiếng nói chung. Do đó, thị trường sẽ tiếp tục biến động ít nhất cho đến khi dấu hiệu về tiếng nói chung được tìm thấy.
Với mức độ phản ứng nhanh và mạnh của thị trường ngay sau khi có thông tin về thuế quan của Chính quyền Trump, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ sớm tìm được điểm cân bằng sau khi rớt về vùng 1.140 – 1.165 điểm, và phục hồi về ngưỡng 1.285 điểm sau đó.
Cơ sở cho kỳ vọng này đến từ: Định giá thấp so với giai đoạn 2018-2019; Phản ứng của thị trường tài sản trú ẩn (vàng, DXY) không tăng mạnh sau sự kiện rủi ro trên.
“Chính sách thuế quan mới của Chính quyền Trump sẽ có tác động đáng kể đến viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Do vậy, cho đến khi có các thông tin mới về kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, chúng tôi cho rằng việc ưu tiên quản trị danh mục nên được đặt lên hàng đầu”, VDSC khuyến nghị.
Trong ngắn hạn, nhóm phân tích này cho rằng những thông tin tích cực về thuế quan sẽ không sớm tới. Thị trường vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh về điểm cân bằng mới. Việc dùng sức mua để bắt đáy sẽ chưa phù hợp cho đến khi tín hiệu về thỏa thuận thương mại được tìm thấy.
Đối với danh mục dài hạn, VDSC cho rằng nhà đầu tư sẽ có cơ hội tái cơ cấu danh mục đầu tư ở mức giá tốt sau khi thị trường tìm được điểm cân bằng. Các doanh nghiệp mang tính chất phòng thủ hoặc có doanh thu ảnh hưởng nhẹ bởi yếu tố thuế quan, vì biến động tiêu cực của thị trường mà tạo ra định giá thấp, là những doanh nghiệp mà nhà đầu tư có thể chú ý để tăng tỷ trọng trong giai đoạn tới
Ngoài ra theo VDSC, nhà đầu tư có thể tận dụng các đợt phục hồi của thị trường để giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy và cơ cấu danh mục đầu tư. Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ lệ tiền mặt cao, nhịp điều chỉnh hiện tại của thị trường là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành có hoạt động kinh doanh không phụ thuộc quá nhiều vào xuất nhập khẩu.
Báo cáo cũng đưa ra danh mục nhóm cổ phiếu có thể quan sát bao gồm: CTG, VCB, BID, MBB, REE, POW, HPG, GEG, NT2, HAH, KDH. Nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể tăng tỷ trọng ngắn hạn vào nhóm cổ phiếu Beta cao khi thị trường phục hồi ban đầu, nhằm cải thiện hiệu suất đầu tư trước khi quay lại tỷ trọng chiến lược.